Bí thư Hà Nội nói về trách nhiệm vụ nước sạch Sông Đà bị "đầu độc"
- Tây Y
- 02:12 - 23/10/2019
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, trong sự cố nguồn nước sạch cung cấp cho một số địa bàn của Thủ đô bị ô nhiễm cần rút rất nhiều kinh nghiệm về quản lý nguồn nước. "Khi nguồn nước bị sự cố thế này mình mới nghĩ đến nguồn nước sông Đà, hồ Đồng Bài. Thực tế mà nói thì phải từng khu vực, từng hộ dân, khu chung cư phải cẩn thận, giữ gìn", ông Hải nói.
Hà Nội yêu cầu kiểm tra quy trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà
Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, cùng với đó làm rõ ra trách nhiệm. Với doanh nghiệp, khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ. Cũng theo ông Hoàng Trung Hải, người ta thường nói đến an ninh về chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là liên quan đến vệ sinh, an toàn. Cho nên sau sự cố nguồn nước sạch bị đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm phải quan tâm hơn.
Từ vụ nguồn nước sạch bị ô nhiễm dư luận cho rằng phản ứng của Thành phố còn chậm, thưa ông?
- Cái đó Thủ tướng cũng nói rồi, Thành phố cũng sẽ rút kinh nghiệm việc này. Ở đây có việc phân công phân nhiệm trong công tác xử lý công việc và thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan. Trong bất cứ việc gì kinh nghiệm cho thấy khi xảy ra bao giờ cũng hổng chỗ phối hợp, cứ ông chẳng bà chuộc, ông trước bà sau... nên cần quy phạm hoá, quy trình hoá tất cả quá trình xử lý chứ nếu không sau lại rối, không biết ai nói, không biết số liệu của ai là đáng tin.
Khi tôi họp ở Thành phố cũng đã nói phải rút kinh nghiệm, đánh giá và sẽ có quy định. Có như vậy dù có thể vẫn không hết được nhưng mỗi lần có sự cố xảy ra việc xử lý phải tốt lên, khá lên, phải làm cho người dân yên tâm.
Nhà máy nước sạch sông Đà ở Hoà Bình nhưng lại cung cấp cho Hà Nội, có khó khăn gì cho việc đảm bảo an ninh nguồn nước?
- Có cái khó nhưng không phải không làm được. Cũng giống như nhà máy thủy điện trên Hoà Bình nhưng điện mình dùng ở đây, có làm sao đâu. Cần phải tính hết các tình huống. Tất cả những sự cố mang tính thảm hoạ đã tính dến rồi, bây giờ phải cụ thể hoá và có giải pháp, quy trình, xử lý rồi giao trách nhiệm cho từng cơ quan.
Thành phố có tính đến trường hợp nếu nhà máy nước không đảm bảo nước sạch và không kịp thời xử lý sự cố thì có thể cắt không sử dụng nước?
Phó Bí thư Hòa Bình lên tiếng vụ "đầu độc" nguồn nước sạch sông Đà
- Chúng ta hoàn toàn có quyền thay thế và có quyền yêu cầu nhà máy cung cấp nước sạch phải thực hiện đúng, chứ không phải kiểu tôi thích thì làm. Đơn vị cung cấp những dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải thực hiện đúng, thậm chí trong đình công, bãi công của chúng ta cũng đã quy định những ngành chủ yếu không được phép... bởi như thế ảnh hưởng người dân rất lớn.
Điện, nước sạch trước khi cắt có thông báo, nhưng khi xảy ra sự cố nước bẩn thì không thông báo kịp thời, vậy phải rút kinh nghiệm gì?
- Điện cũng đã được 60 năm, trải qua quá trình va vấp, việc phục vụ mới khá dần lên, rồi tôn trọng quyền của khách hàng. Ngành nước thực tế cũng mới, non trẻ, sẽ phải dần dần nâng khả năng phục vụ lên.
- Xin cảm ơn ông!