Chuyện nữ điệp viên cao niên nhất của CIA
- Tây Y
- 23:26 - 24/03/2015
Bà được Giám đốc CIA vinh danh là một trong những điệp viên thành công nhất của tổ chức này.
Là một nữ điệp viên của Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS - tiền thân của CIA) nằm vùng ở nước ngoài, bà McIntosh đã phục vụ CIA trong suốt 4 thập niên, tham gia vào những kế hoạch hàng đầu của CIA trong Thế chiến II. Giám đốc CIA đã coi những thành tựu và cuộc đời của bà Betty đã truyền cảm hứng cho mọi phụ nữ. Bà hiện được coi là một "pho sử sống" của CIA.
Lọt vào "mắt xanh" OSS
Sinh ra ở Washington DC ngày 1/3/1915, Betty chuyển tới Hawaii sau khi tốt nghiệp chuyên ngành báo chí Đại học Washington. Cô làm việc cho một vài tờ báo như Honolulu Advertiser, Star Bulletin và San Francisco Chronicle. Thời cô làm phóng viên ở Hawaii, quân Nhật đã tấn công Trân Châu cảng ngày 7/12/1941. Cô đã trực tiếp đưa tin về sự kiện và không bao lâu rời Hawaii tới làm việc ở Cục Tin tức Scripps Howard ở Washington DC.
Bà Betty bên chiếc bánh mừng sinh nhật thứ 100 tại trụ sở CIA.
Năm 1943, Betty được giao nhiệm vụ viết tin về một người đàn ông tên là Atherton Richards, giám đốc một công ty ở Honolulu đang cơ giới hóa việc thu hoạch mía. Ông Richards là bạn của bố Betty và cũng là một trong các nhân vật hàng đầu phục vụ dưới trướng của tướng William J. "Wild Bill" Donovan, Giám đốc OSS lúc bấy giờ.
Betty nhớ lại: "Rất khó để sắp xếp thời gian gặp ông ấy nhưng cuối cùng tôi đã làm được. Sau cuộc phỏng vấn, ông ấy hỏi: Cháu có thích làm một việc thú vị hơn công việc cháu đang làm không?”. Lúc đó, ông Richards không hề đề cập đến chữ điệp viên và lúc đó Betty đang phụ trách mảng tin cũng rất thú vị về Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt. Mặc dù chưa biết cụ thể “việc thú vị" đó là gì nhưng Betty vẫn nói rằng cô sẽ quan tâm nếu cô được làm việc ở nước ngoài. Betty đã "bén duyên" với OSS từ đó.
Nhờ thông thạo tiếng Nhật, Betty đã được tuyển vào OSS năm 1943. Lần đầu tiên tới OSS, cảm giác của Betty là "rất lạ". Khi nhận nhiệm vụ, Betty không hay biết mình sẽ làm gì. Các nhân viên OSS chỉ lấy dấu vân tay của cô và dặn cô không được nói gì mặc dù thực sự Betty không hề biết gì.
Betty là một trong vài phụ nữ được tuyển chọn làm việc cho nhóm Morale Operations (MO - Chiến dịch Tinh thần) của OSS ở Washington. Nhóm có nhiệm vụ làm nhụt nhuệ khí của kẻ thù bên ngoài và trên mặt trận. Việc của MO chính là tung tin đồn hay còn gọi là "tuyên truyền đen". Betty phụ trách khu vực Viễn Đông, còn đồng nghiệp bao quát khu vực châu Âu.
Ở MO, Betty được dạy cách sử dụng các tài liệu dựng lên từ công thức "thông tin thật + thông tin bịa đặt" để tuyên truyền cho các mục tiêu cụ thể ở Viễn Đông. Cô phải học cách phổ biến tài liệu, cách đưa tin đồn thế nào cho hiệu quả. Do tính chất công việc, nhóm của cô chủ yếu là phóng viên, phát thanh viên, nghệ sĩ, họa sĩ biếm họa và nhà văn.
Betty thời trẻ lúc làm việc cho OSS.
Nhiệm vụ lạ lùng
Nhiệm vụ đầu tiên mà Betty được giao phó là vào mùa hè năm 1943. Sau khi kết thúc khóa huấn luyện ở OSS, cô được cử tới Ấn Độ. Ở đây, Betty hỗ trợ viết tin cho báo giấy, làm bản tin phát thanh giả cũng như thực hiện một số chiến dịch tuyên truyền khác nhằm tung tin đánh lạc hướng và làm suy kiệt tinh thần quân Nhật. Lúc bấy giờ, quân Nhật cũng đã thoái chí và rút lui sau khi bị lực lượng Đồng minh đánh bại ở Imphal (Ấn Độ). Một nhiệm vụ mà Betty thực hiện là đưa tin giả mạo về mệnh lệnh của Chính phủ Nhật dành cho binh sĩ Nhật ở Miến Điện.
Chính phủ Nhật Bản từng đe dọa binh sĩ rằng, nếu họ đầu hàng họ sẽ mất quyền thừa kế và sẽ không thể về Nhật. Do có mệnh lệnh này nên rất ít binh sĩ Nhật dám đầu hàng và quyết chiến đến hơi thở cuối cùng. Vì thế, nhóm của Betty có nhiệm vụ là tìm cách thuyết phục binh sĩ đầu hàng mà không cảm thấy bị mất mát gì.
Betty và nhóm của cô đã bịa ra một mệnh lệnh giả nói rằng, chính phủ cho phép binh sĩ Nhật đầu hàng với một số điều kiện. Đây là một điều có thể tin được vì gần đây Chính phủ Nhật có sự thay đổi về lãnh đạo.
Nhóm của Betty đã giao nhiệm vụ cho một điệp viên OSS người Miến Điện sát hại người đưa thư Nhật Bản đang trên đường băng qua rừng, rồi nhét mệnh lệnh giả vào túi thư của anh ta. Sau đó, điệp viên này tìm cách báo tin cho phía Nhật biết về vị trí của người đưa thư đã chết.
Đúng như dự báo, quân Nhật đã tới đưa xác người đưa thư về cùng túi thư và phát hiện ra mệnh lệnh trong đó. Họ tin rằng mệnh lệnh là thật và... lần lượt đầu hàng. Trong thời gian này, Betty còn viết cả các tin bịa ra rằng ở quê nhà, vợ các binh sĩ đang "bồ bịch" với những người đàn ông khác, khiến tinh thần binh sĩ Nhật đang tham chiến không yên...
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Ấn Độ, Betty đáp chuyến bay từ Calcutta tới Kunming (Côn Minh, Trung Quốc). Nhiệm vụ mới của cô là viết kịch bản cho "trạm phát thanh đen" ở Trung Quốc và Nhật Bản. Đây là một thử thách với Betty vì cô vốn là phóng viên báo giấy, chưa bao giờ làm việc trong một đài phát thanh truyền hình.
Khi được giao nhiệm vụ nghĩ ra một bản tin nào đó làm chấn động người Nhật và người Trung Quốc, Betty đề xuất ý tưởng tung tin về một trận động đất lớn, một cơn sóng thần nhưng đều bị cấp trên bác. Về sau, Betty nhận thấy người dân Trung Quốc rất tin vào thầy bói vì cho rằng người này có thể dự báo tương lai dựa vào các vì sao. Cô đã tìm cách đưa một thầy bói lên sóng phát thanh và đọc bản dự báo do cô sáng tác, nói rằng có một điều gì rất kinh khủng sẽ xảy ra với Nhật Bản, sẽ tàn phá cả một khu vực rộng lớn ở nước này.
Vào ngày phát sóng bản tin, Mỹ đã thả xuống Hiroshima một quả bom nguyên tử. Betty về sau khi được hỏi tại sao cô biết kế hoạch tuyệt mật về thả bom xuống Hiroshima, Betty cho biết, đây chỉ là sự tình cờ.
Khi Thế chiến II kết thúc với việc quân Nhật đầu hàng, Betty trở lại Mỹ và OSS giải thể. Cô làm việc cho tạp chí thời trang Glamour ở New York - một công việc mà so với việc làm thời chiến của cô là rất nhàm chán. Cô từng gặp khó khăn khi làm công việc thời bình: "Sau khi trải qua 3 năm trong nhóm MO chuyên che giấu sự thật, bịa đặt tin tức và tung tin đồn, tôi gặp khó khăn lớn lúc phải viết những tin tức một cách đúng sự thật khi chiến tranh đã kết thúc".
Betty kết hôn, tháng 5/1946 và chuyển về Washington DC làm việc theo hợp đồng với Hội đồng Tham mưu trưởng Mỹ, Bộ Ngoại giao và Liên Hiệp Quốc. Sau khi chồng qua đời, bạn bè của Betty đang làm việc cho CIA đã thuyết phục cô xin một chỗ làm trong CIA. Kinh nghiệm của cô khi làm ở OSS đã giúp cô rất nhiều trong công việc mới ở CIA.
Hòn than ám ảnh
Đến tận bây giờ, khi đã sống trọn một thế kỷ, bà Betty thừa nhận vẫn bị ám ảnh bởi nhiều ký ức thời chiến. Đôi khi tưởng rằng quá khứ bạo liệt đã bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian, thế nhưng đột nhiên chúng lại tìm về với bà. Đến bây giờ, bà Betty vẫn còn day dứt mãi về một nhiệm vụ thời còn làm cho OSS.
Hồi đó, ở Trung Quốc, bà được giao nhiệm vụ đưa một hòn than to cỡ cổ tay, tưởng chừng như vô hại cho một mật vụ Trung Quốc ở một ga tàu hỏa tại Côn Minh. Bà nhận nhiệm vụ mà không rõ thực sự thứ mình cầm trên tay là cái gì, được dùng để làm gì. Về sau, khi đã kết hôn với một quan chức OSS cấp cao, bà mang điều bí mật này ra hỏi chồng và mới vỡ lẽ. Hòn than thực ra là một thiết bị nổi tiếng của OSS, được gọi là "Joe đen".
Bên trong hòn than nhét đầy thuốc nổ. Mật vụ Trung Quốc sau khi nhận "Joe đen" từ tay Betty đã bắt một chuyến tàu chở đầy quân Nhật. Mật vụ này sau đó đã chờ cho đoàn tàu tiến tới một cây cầu bắc qua hồ, rồi anh ta ném hòn than vào động cơ tàu và nhanh chóng nhảy ra khỏi tàu. Khi đoàn tàu băng qua cầu, nó phát nổ. Phần lớn lính Nhật thiệt mạng.
Hồi đó, bà Betty có nghe tin về đoàn tàu và vụ nổ nhưng không ngờ rằng chính mình là một phần trong sự việc này. Sau khi biết về bí mật, bà đã phải đấu tranh nội tâm rất dữ dội. Bà kể: "Tôi cảm thấy rất tồi tệ. Tôi cảm thấy rằng hòn than mà tôi chịu trách nhiệm vận chuyển đã giết chết những người đó. Rồi sau đó, tôi lại tự nhủ: Không thực sự là thế. Mình chỉ là người trao nó cho người thực hiện mà thôi".
Bà Betty đã tự rút ra cho mình một đúc kết: một phần đời của điệp viên chính là những hoài nghi không biết mình có làm đúng không, biết rằng những người đó chết là vì những gì mình làm, là thắc mắc liệu mình còn lựa chọn nào khác không. Nhưng bà buộc phải chấp nhận vì đó là chiến tranh.
Có lẽ, tâm tư của bà chỉ có thể được người cùng cảnh thấu hiểu. Người cùng cảnh mà bà tình cờ gặp chính là bà Doris Bohrer - một điệp viên OSS thời Thế chiến II và cũng là một điệp viên CIA, giống bà Betty. Trong suốt thời gian làm cho OSS và CIA suốt chừng ấy năm, hai người chưa từng chạm mặt mà chỉ gặp nhau khi tình cờ cùng sống trong một ngôi làng gồm những người nghỉ hưu ở Westminster.
Khi ở gần cuối cuộc đời, bà Betty đã chiêm nghiệm được nhiều thứ, cảm thấy mình đã sống một cuộc đời ý nghĩa khi là một trong số những nữ điệp viên hiếm hoi của OSS.