CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:13

Bí mật động trời bên dưới các trụ điện 220kV

 

Anh Vũ Đức Thuận, người tố cáo cách làm sai phạm của đơn vị thi công. Ảnh Cao Tuân
Bê tông lẫn đất?
Người công nhân này có tên Vũ Đức Thuận (SN 1970), trú tại thôn An Hưng (xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Anh Thuận được em trai cho đi phụ máy trộn bê tông cho công trình trên tại xã Đại An.
Chiều 23/5, trao đổi với chúng tôi, anh Thuận cho hay, đầu tháng 3/2016, anh như “mở cờ trong bụng” khi hay tin, chủ thầu thi công cột điện của đường dây 220kV chạy qua xã Đại An sẽ thuê anh và máy trộn bê tông với giá 1,2 triệu đồng/ngày. Chẳng chần chừ, anh nhận lời ngay và chờ đến ngày họ đổ bê tông để mang máy ra làm.
Đến giữa tháng 4/2016, khi việc xây dựng đế móng cho cột điện thứ nhất ở xã Đại An được triển khai, anh Thuận được gọi mang máy trộn đến để đổ bê tông. "Trong quá trình làm, tôi giật mình khi tốp thợ yêu cầu chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho phần đế móng. Diện tích làm một cột điện khoảng 18m2. Phía đáy sâu chừng 80cm, 4 chân bệ cọc cao chừng 1m. Ước tính, mỗi cột điện sẽ làm hết 285 khối xi măng. Với kinh nghiệm của tôi thì để đổ bê tông làm đế cho một công trình này phải mất khoảng 25 - 30 ngày. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày đêm, họ đã đổ xong phần đế móng”, anh Thuận kể lại.
Theo anh Thuận, sự việc trên khiến anh nhiều ngày sau đó ăn không ngon, ngủ không yên. Thời điểm này, xem trên truyền hình thấy một số cột điện của đường dây 500 kV ở Bắc Giang bị quật đổ sau trận mưa giông, anh Thuận càng lo ngại. “Ba đứa con tôi đều đang tuổi ăn học, tôi không muốn tiếp tay làm một công việc thất đức như vậy. Dù kinh tế gia đình tôi chỉ phụ thuộc vào 4 sào lúa, không dư giả gì, nhưng sau khi làm xong đế móng cột điện thứ nhất, tôi báo với chủ thi công xin nghỉ”, anh Thuận nói.
Anh Vũ Ngọc Hồi khẳng định, bê tông đổ đế móng của cột điện có rất nhiều đất.
Đầu tháng 5, một lần đi thăm đồng thấy tốp thợ ngày nào đang tiếp tục xây dựng cột điện thứ 2. Lại gần quan sát thì anh bắt gặp nhóm công nhân đang đổ bê tông phần đế móng, đáng nói là trong bê tông có lẫn rất nhiều đất. Hỏi chuyện tốp thợ, anh Thuận biết rằng, sau khi anh nghỉ làm thì chủ thi công đã mua một chiếc máy trộn mới, cho anh em tự làm.
Biết rằng đây là công trình điện lưới Quốc gia, anh Thuận bàn với em trai là Vũ Ngọc Hồi (SN 1974, người ban đầu được đơn vị thi công thuê làm công đoạn trộn bê tông - PV) tìm cách ngăn chặn việc làm mà theo anh là sai phạm trên. Sau đó anh Thuận đã liên lạc đến Đường dây nóng của Báo GĐ&XH phản ánh sự việc. Cũng phải nói thêm là anh Thuận, anh Hồi cho biết không ngại ngần với việc công khai danh tính trên báo chí. "Nếu cơ quan chức năng quan tâm và về kiểm tra, chúng tôi sẽ đứng ra làm chứng với tư cách là công nhân từng tham gia".
Những đoạn clip "gây sốc”
Công nhân dùng chân nhồi bê tông lẫn đất xuống phía dưới đế móng cột điện. (Ảnh từ clip).
Nhóm thợ dùng xe rùa chở bê tông lẫn đất làm nền móng. (Ảnh cắt từ clip).
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã về địa phương xác minh. Dẫn chúng tôi mục sở thị cột điện thứ nhất của công trình đường điện 220kV chạy qua xã Đại An, anh Vũ Ngọc Hồi cho biết: “Ngay từ ngày đầu thi công, tôi được một người đàn ông tên Toán – đại diện thi công mời tham gia công đoạn đổ bê tông đế móng. Sau đó, tôi đã giao máy trộn bê tông cho anh trai là Thuận trực tiếp đứng máy làm và phát hiện ra sự việc. Chúng tôi rất lo vì sau một năm nữa, không phải một mà có thể nhiều cột điện khác cũng sẽ được xây dựng bằng cách làm dối trá này và rất có thể thảm họa sẽ xảy ra”.
Với những thông tin từ anh Thuận và anh Hồi cung cấp, ngày 20/5, chúng tôi tiếp cận công trình xây dựng đế và trụ của cột điện thứ 2 (cách cột điện thứ nhất mà anh Thuận từng làm vài trăm mét). Lúc này, cột điện thứ 2 đang ở giai đoạn chuẩn bị đổ bê tông phần đế. Thấy có người lạ, cả ngày hôm đó, mọi hoạt động đổ bê tông của của công nhân bỗng dưng dừng lại.
Tuy nhiên, những ngày sau đó bằng sự khéo léo của mình, anh Thuận đã quay được những đoạn clip cho thấy nhóm thợ đang đổ một thứ bê tông gồm sỏi đá, xi măng lẫn đất để làm đế móng cho cột điện. Việc đổ đế này đến đêm 21/5 thì hoàn tất. Anh Thuận cũng cho hay, trong suốt quá trình thi công, ngoài tốp thợ thì không thấy có người giám sát(?).
Khi cung cấp những đoạn clip, hình ảnh cho PV Báo GĐ&XH, anh Thuận và anh Hồi chia sẻ: “Sự thật đã rõ ràng, mong công luận lên tiếng. Giờ họ mới làm được 2 móng đế, nếu họ làm xong cả loạt, khi khung sắt khổng lồ của cột điện và đường dây được mắc lên, chẳng biết khi đó tai họa nào sẽ xảy ra”.

 

Đề nghị lập đoàn thanh tra

Chiều 24/5, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nếu sự việc đơn vị thi công dùng bê tông lẫn bùn đất làm đế móng cột điện thì rất nguy hiểm. Theo quy chuẩn chất lượng khi xây lắp cột điện thì việc làm đế móng, cột trụ rất quan trọng. Nếu ngay từ khâu này, đơn vị thi công đã làm sai quy định thì hậu quả thật khó lường. “Tôi đề nghị Chính phủ lập đoàn thanh tra hoặc giao Bộ Xây dựng kiểm tra phần đế móng cột điện để sớm có kết luận chính xác”, TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Bê tông tuyệt đối không được lẫn bùn đất

Sau khi xem clip PV cung cấp, anh Nguyễn Thế Phong, kỹ sư xây dựng, có nhiều năm giám sát thi công công trình xây dựng cho rằng: “Theo nguyên tắc khi đổ bê tông đế móng thì công nhân phải lấy bê tông từ máy trộn đổ xuống nền rồi dầm. Tuyệt đối không được để bê tông lẫn bùn đất. Quan sát bằng mắt thường với cách làm của nhóm công nhân trong clip thì không ổn. Vì sau một thời gian, khi nước ngập bên trong đế móng sẽ tạo sụt lún và có nguy cơ đổ sập”.

TGđ Cty Cổ phần Sông Đà 11: Nếu cần, sẽ đào móng đế lên để kiểm chứng

Theo thiết kế công trình này có chiều dài 29,437 km và cần trên 50 cột đỡ. Tại mỗi móng cột, để đảm bảo các hệ số an toàn cần khoảng 300m3 bê tông mác 200. Qua tìm hiểu của PV được biết, công trình Đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định nói trên do Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đại diện chủ đầu tư điều hành quản lý, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 là đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án, Liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà 11 và Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 thực hiện thi công. Công trình dự kiến hoàn thành đóng điện vào quý I năm 2017.Sáng 24/5, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 11 xác nhận là đơn vị thi công dự án nói trên. “Trước thông tin của Báo phản ánh, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết để kiểm chứng, chúng tôi sẽ đào móng đế làm rõ thực hư”, ông Tuấn khẳng định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh