THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:24

“Bí kíp” để không đạp nhầm chân ga với chân phanh

Sáng hôm qua (9-4), khi đang di chuyển từ đường Phạm Văn Đồng hướng về đường Phạm Hùng, đến ngã tư dưới gầm cầu vượt Mai Dịch, chiếc Mercedes BKS 30A-800.15 bất ngờ vọt lên, tông vào 2 xe máy. Tiếp đó, chiếc xe như mất lái, lao nhanh về phía đường Xuân Thủy, đâm tiếp vào một xe máy dưới gầm cầu vượt đang dừng chờ đèn đỏ rồi leo lên vỉa hè đường Xuân Thủy, đâm đổ một đoạn rào tôn và một cột đèn chiếu sáng trước khi lật nghiêng.

Tại hiện trường, chiếc Mercedes nằm lật nghiêng phía trong dải phân cách đường Xuân Thủy, biến dạng hoàn toàn, túi khí bung ra. Dưới lòng đường, 2 xe máy BKS 18G1-035.08 và 98M9-8274 hư hỏng nặng. Hàng rào tôn trên vỉa hè đường Xuân Thủy và một cột đèn đường bị đâm gục.

Vụ tai nạn khiến 4 người bị thương là Phạm Thị T.T. (SN 1987, ở Giao Thủy, Nam Định), Trương Thị H.T. (SN 1996, ở Thái Bình), Trần Trung M. (SN 1994, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Duy T. (SN 1996, ở Hoài Đức, Hà Nội).

Tại trụ sở cơ quan Công an, nữ tài xế Nguyễn Thị T.H. (SN 1980, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) khai đã đạp nhầm chân ga, dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc trên.

 

Chiếc Mercedes gây tai nạn liên hoàn.


Đạp nhầm chân ga là chủ đề được bàn tán nhiều trong cộng đồng người sử dụng ô tô không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Lý do được nhiều người tự suy luận là do tài non, chưa có kinh nghiệm hoặc khi thần kinh không tỉnh táo do buồn ngủ, sử dụng bia, rượu, chất kích thích.

Tuy nhiên, các tài xế già và chuyên gia lái xe an toàn của nhiều hãng xe hơi lại chỉ đồng ý một nửa với ý kiến này. Tài xế có nguy cơ đạp nhầm chân ga rất cao khi không tỉnh táo, sử dụng chất kích thích nhưng tài già cũng vẫn có khả năng đạp nhầm chân ga như tài trẻ. Có nghĩa, không phải cứ nhiều kinh nghiệm là không đạp nhầm.

Ở Việt Nam, đã có những cuộc tranh luận nảy lửa trên mạng xã hội về việc phụ nữ lái xe, những người bảo thủ thậm chí còn cho rằng “bán xăng cho phụ nữ là một tội ác”. Nói như vậy thật không công bằng cho giới nữ bởi lý do này rất… lãng xẹt. Tai nạn xảy ra đâu có chừa một ai, chẳng cứ gì nam hay nữ, chẳng qua nếu tài xế là nữ thì dễ bị “soi” hơn mà thôi.

Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, tránh đạp nhầm chân ga với chân phanh, các chuyên gia lái xe an toàn của các hãng khuyên tài xế cần lưu ý 1 số nguyên tắc sau:

Sử dụng giày đế phẳng thay vì giày cao gót

Phụ nữ là đối tượng thường hay gặp phải vấn đề này, có đến 80% số người tham gia khảo sát thừa nhận mang giày không đúng cách khi điều khiển ô tô. Và khoảng 40% trong số đó nói rằng họ mang giày cao gót trong lúc lái xe. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến việc lái xe mất an toàn.

Giày cao gót với phần đế mỏng, diện tích tiếp xúc với mặt sàn nhỏ khiến lực tác động ở phần đầu chân lên bàn đạp phanh, ga không tối ưu. Trong một số trường hợp, chân người lái có thể bị trượt khỏi bàn đạp. Trong những tình huống bất ngờ, người lái mất bình tĩnh có thể đạp nhầm chân ga thay vì phanh hoặc ngược lại.

 

Sử dụng giày cao gót khi lái xe là một trong những nguyên nhân gây tai nạn.


Vì thế, tài xế khi điều khiển xe ô tô cần sử dụng giày đế mỏng, phẳng để thao tác tốt hơn với phanh, ga. Việc sử dụng chân trần để điều khiển xe cũng được khuyến cáo không nên, vì có thể khiến chân mỏi trong những hành trình xa. Nếu công việc khiến tài xế thường xuyên mang những loại giày chuyên dụng, giày cao gót, việc chuẩn bị một đôi giày đế phẳng trong ô tô là một giải pháp.

Tương tự với tài xế nam, không nên đi giày có đế quá giày, bởi khi đó sẽ khó cảm nhận độ đàn hồi, mức độ đạp ga, phanh. Nên mang giày đế mỏng, mềm để cảm nhận chân thật, dễ phản ứng hơn.

Chân không rời sàn

Đối với việc khắc phục lỗi đạp nhầm chân ga thì giữ tư thế lái, đặt chân “chuẩn chỉ” là điều vô cùng cần thiết. Ngay khi vào xe, tài xế cần cân chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái nhất, dễ dàng điều khiển chân phanh, ga, thắng tay, cần số. Một tư thế ngồi thoải mái sẽ giúp đôi chân linh hoạt, không bị “cứng” khi xử lý các tình huống.

Tiếp theo đó, tài xế cần giữ vững nguyên tắc gót chân không rời sàn xe, chỉ sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh. Lúc này, gót chân để ở vị trí thẳng hàng với bàn đạp phanh và chỉ sử dụng phần ức bàn chân qua lại giữa hai chức năng này. Việc giữ vững gót bàn chân dưới sàn giúp vị trí của chân luôn đúng, tránh tình trạng đặt nhầm và đặc biệt là có thể dễ dàng điều chỉnh lực ga hay lực phanh.

Rời chân ga - rà chân phanh

Khi đã giữ vững gót chân xuống sàn đồng nghĩa với việc tài xế đã luôn có một vị trí chuẩn để thao tác theo thói quen. Tuy nhiên, tư thế này vẫn có thể bị nhầm lẫn với lái mới dù gót chân đã để thẳng hàng với bàn đạp phanh. Để hạn chế tối đa nhầm lẫn thì một thói quen tốt là rất quan trọng.

Thói quen tốt ở đây chính là “rời chân ga - rà chân phanh”. Hành động này nên được tập thành thói quen ngay cả khi không có tình huống nguy hiểm vì nó giúp tài xế luôn trong tình trạng sẵn sàng phanh, thay vì nhấn ga. Trong bất kỳ tình huống nào, thậm chí với cả xe số sàn (MT) thì hành động này đều có tác dụng, khi đã hình thành được thói quen đồng nghĩa với việc rủi ro đạp nhầm chân ga đã được giảm xuống mức thấp nhất.

Dừng, đỗ đúng cách

Đối với tình huống dừng, đỗ xe thì thao tác tay lại quan trọng không kém với thao tác chân trong việc hạn chế lỗi đạp nhầm chân ga. Trong trường hợp chỉ tạm dừng xe (chờ đèn đỏ, hỏi đường) thì chuyển về N và kéo phanh tay. Việc kéo phanh tay không bao giờ thừa thãi vì nó giúp chân bạn thư giãn, chỉ cần đặt hờ lên phanh trong thời gian ngắn và đảm bảo xe không bị trôi trên địa hình dốc nhẹ.

Khi dừng xe lâu, ở vị trí an toàn thì tài xế nên cài số P và kéo phanh tay. Ngoài ra, giữ thói quen vần vô lăng đánh lái vào lề đường khi đỗ xe trên những địa hình dốc cũng rất quan trọng để tránh việc xe lao ra đường hoặc trôi quá xa trong trường hợp bị tuột dốc.

Với nguyên tắc này, việc tập thành thói quen là rất quan trọng. Nó giúp tài xế an toàn hơn và tránh những va chạm đáng tiếc liên quan đến nhầm lẫn chân ga và phanh. Để đảm bảo phanh tay hoạt động bền bỉ, việc đưa cần số về nấc D và thả phanh tay cũng nên được “rèn” thành thói quen để tránh trường hợp phanh bị “mòn”.

Chạy trong tốc độ cho phép

Cuối cùng, một điểm quan trọng là luôn chạy trong tốc độ giới hạn cho phép. Thực tế hầu hết lái xe cho rằng, xe có thể chạy nhanh hơn tốc độ tối đa cho phép mà vẫn "cảm thấy an toàn".

Tuy nhiên, theo chuyên gia, tốc độ tối đa ở một đoạn đường nào đó được tính toán dựa trên nhiều yếu tố đảm bảo đủ không gian, địa hình giúp tài xế phản ứng nhanh, chính xác nhất khi xảy ra sự cố. Cảm giác không thể chính xác vì còn phụ thuộc vào kinh nghiệm cầm lái, độ an toàn của xe cùng nhiều yếu tố khác trên đường.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh