CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:17

Bi kịch của vợ chồng thương binh già và đứa con nuôi xấu số!

 

Anh Hoàng Anh bị liệt 2 chân phải ngồi trên chiếc bô nhựa hàng ngày cùng vợ, cha nuôi và hai đứa con nhỏ

Câu chuyện đầy chua xót của vợ chồng thương binh Hoàng Ngọc Quang (74 tuổi),đồng thời là nạn nhân chất độc màu da cam và bà Trần Thị Viễn, thương binh hạng nặng, ở thôn 5, xã Cẩm Huy, (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được biết đến từ năm 1977. Đó là một chiều mưa tầm tã, một sản phụ vì một lý do nào đó đã bỏ rơi đứa con trai vô tội của mình dưới gốc cây ngô đồng bên lối vào chợ Hội, thị trấn Cẩm Xuyên. Dẫu rằng người sản phụ bất hạnh đó vẫn kịp quấn quanh hài nhi những chiếc tã lót bằng áo quần cũ, lót đứa bé vào trong một chiếc thúng cũ rất cẩn thận và để lại trên miệng thúng 2 hộp sữa ông Thọ, 2 đồng bạc, cùng một tờ giấy ghi rõ ngày, tháng, năm sinh của đứa bé.

Người sản phụ đó lài ai, đến từ đâu cũng chẳng thấy ai đoái hoài nữa! Thậm chí ngay cả tiếng khóc o oe đầy thương cảm của hài nhi bị bỏ rơi cũng chỉ làm cho khách qua đường vừa đủ nghe mà buột miệng chửi đổng vu vơ năm câu, ba điều gì đó rồi bỏ đi, chứ nhiều người chẳng buồn ngoái lại nhìn hình hài nó ra làm sao! Chả phải thời điểm đó hầu hết ai cũng suy nghĩ rằng,  thời buổi “cơm cao gạo kém” không khéo “ách giữa đàng mang vào cổ”, phúc đâu chẳng đến chỉ chuốc lấy vạ mà thôi. Và thế, tiếng khóc gào đòi vú mẹ của đứa bé cứ khản dần vào quyên lãng giữa cái thị trấn Cẩm Xuyên thưa thớt đói nghèo thủơ ấy!

Vậy nhưng, khi trời bắt đầu chuyển tối, mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió càng thúc mạnh hơn thì hai vợ chồng thương binh gầy ốm trên bỗng xuất hiện; người vợ vội ẵm hài nhi vào lòng, còn ông chồng kịp quẹt lửa thắp nén hương cắm xuống bên lều chợ, cáo với các vị thần linh, xin thần linh chứng giám cho họ được đưa đứa bé về chăm nuôi.

Nói tới đây, có lẽ trời có cao, đất có dày tới mấy đi nữa cũng thấu được nỗi niềm trăn trở của đôi vợ chồng thương binh này! Bởi trước đó, năm Kỷ Dậu (1969) ngày vợ chồng họ cưới nhau từ trong chiến trường cho đến lúc họ nhặt được đứa con rơi cũng đã ngót nghét hơn 8 năm trời ròng rã mà vẫn không có con. Mãi tận sau này họ mới biết được nguyên cớ dẫn đến việc họ phải vô sinh là  vì ngoài những vết thương trên cơ thể, họ còn bị nhiễm phải chất độc màu da cam dioxin vô cùng khủng khiếp!

Ấy mà khi nhặt được đứa con nuôi chưa kịp mừng, họ chợt phát hiện thấy một chân của đứa bé bị tật nguyền teo tóp như rễ cây khô, không tài nào cử động được.  Dẫu sao đôi Vợ chồng thương binh tội nghiệp ấy cũng coi đó là một ân huệ lớn, là niềm hạnh phúc lớn, bởi lần đầu tiên họ được nghe tiếng khóc trẻ thơ trong căn nhà nhỏ bé của họ, căn nhà mà họ từng cảm thấy trống trải suốt bao năm trời!  Đứa bé được đặt tên: Hoàng Anh, cái tên khai sinh mà họ từng thệ ước với nhau trong đêm tân hôn rằng, nếu sinh con đầu là con trai thì đặt cho con cái tên đó. Thời gian trôi nhanh, Hoàng Anh dù bị tật nguyền, nhưng vẫn biết tập bò, tập ngồi, tập nói và tập cười khúc khích… lớn lên cháu lại biết tập đi lại bằng nạng gỗ, và được bố mẹ nuôi đưa đến lớp, đến trường học hành như bao đứa trẻ khác trong xã, trong làng.

Cuộc sống của gia đình họ tưởng thế so với bao hoàn cảnh khác là đã quá hạnh phúc lắm rồi! Đặc biệt, khi anh Hoàng Anh bước sang tuổi 35, bỗng có một người phụ nữ ở làng dưới làm nghề đi ở thấy hoàn cảnh anh đáng thương nên chị đã ngã lòng yêu anh, và tự nguyện làm vợ anh. Niềm vui càng được nhân lên sau khi về làm dâu bố mẹ nuôi, chị đã nhận 6 sào ruộng khoán, một mình tự xoay trở sản xuất chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho gia đình, giảm gánh nặng khó khăn cho bố mẹ; hạnh phúc đến với ông bà còn hơn thế nữa, khi lần lượt chị kịp sinh cho ông bà một cháu trai vào năm 2012 và một cháu gái vào năm 2014, cả hai đứa cháu đều trông rất kháu khỉnh.

Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang, một lần nữa tai họa lại trút xuống gia đình họ! Ngay sau khi cháu thứ 2 vừa cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc cái chân còn lại của anh Hoàng Anh bỗng teo lại. Không những vậy, anh còn không được nằm một nơi, một chỗ trên giường bệnh để tiện cho người chăm sóc, mà phải thường xuyên ngồi trên một chiếc bô nhựa, lúc nào cũng khai mùi phân và nước tiểu, do anh bị các chứng bệnh đường ruột gây ra.

Bi kịch đến với gia đình thương binh già đã thế, vậy mà vào năm 2013, ông bà được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà ở, nhưng họ vẫn không dám nhận. Bởi theo ông nếu làm nhà thì phải có thêm một khoản tiền lớn tới hàng chục triệu nữa mới đủ. Nghĩ mình không có khả năng kiếm đâu ra thêm một khoản lớn như thế, nên ông bà từ chối không nhận. Có một  nghịch lý trớ trêu xảy ra, là ngay thời điểm trước đó vợ chồng anh Hoàng Anh cũng được Ngân hàng chính sách Xã hội cho vay 50 triệu đồng theo diện hộ nghèo để làm nhà riêng trong vườn, nên đang rất cần có thêm một khoản tiền. Có người không biết cho rằng ông bà nhà này bị tâm thần; người biết cho rằng không nhất thiết ông bà phải làm như thế, nhất là trong hoàn cảnh con cái của họ đang túng quẫn… riêng ông bà thì khăng bảo vệ việc làm chân chính của mình, coi đó là lý tưởng cao đẹp mà họ có được từ thời còn ở lính. 

Chúng tôi được vợ anh Hoàng Anh cho biết, hiện tại ông bà đã già yếu, lẽ ra với tiền hưởng chế độ chính sách hàng tháng ông bà phải giữ lại để ăn uống, sinh hoạt và thuốc thang hàng ngày, đằng nay ông bà còn phải trích ra một phần để hỗ trợ cho con cháu. Đối với vợ chồng chị không những không trả được một xu nợ gốc nào cho ngân hàng, mà lãi mẹ đẻ lãi con đến nay nợ đã tăng lên đến 60 triệu đồng.

Như vậy, hai đứa con của anh Hoàng Anh lớn lên liệu có được học hành hay không?  Lấy đâu ra tiền để lo thuốc mem chữa bệnh cho anh hằng ngày? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra trước cảnh tượng đầy trớ trêu của vợ chồng thương binh già Hoàng Ngọc Quang và bà Trần Thị Viễn cùng với người con nuôi xấu số của họ!

Hy vọng, qua bài viết này mọi người hãy chung tay giúp đỡ anh Hoàng Anh làm dịu bớt cơn đau và những khó khăn đang dồn dập giáng xuống anh cùng cả gia đình anh.     

Nguyễn Ngọc Vượng/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh