Bị bắt cóc từ nhỏ, người đàn ông nghẹn ngào đoàn tụ với gia đình sau hơn 30 năm chia cắt
- Y học 360
- 15:05 - 27/02/2019
Mới đây, đoạn video ghi lại hình ảnh cuộc đoàn tụ của một cặp vợ chồng với đứa con trai thất lạc 31 năm do bị bắt cóc ở Trung Quốc đã được đăng tải thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người.
Theo Western China City Daily đưa tin, cuộc hội ngộ của gia đình diễn ra tại làng Chengjiawan, Tứ Xuyên hôm thứ 6. Rất đông dân làng đã đến vây xem và không cầm được nước mắt khi chứng kiến cuộc hội ngộ.
Qin Yujie (hay Cheng Xueping) – người con trai bị bắt cóc đã quỳ xuống, khóc nức nở rồi ôm chầm lấy cha mẹ ruột, là ông Cheng Jiguang và bà Gao Lingzhen. Xung quanh là tiếng pháo nổ cùng nhiều biểu ngữ với dòng chữ ‘Chào mừng trở về nhà’.
Cùng với niềm vui tìm lại được con trai, vợ chồng ông Cheng còn vui mừng hơn nữa khi được gặp vợ và con của Qin. Qin nói với cha mẹ: "Con đã tìm kiếm cha mẹ trong suốt nhiều năm trời nhưng không có một chút manh mối nào."
Qin Yujie (giữa) nghẹn ngào khi được đoàn tụ với cha mẹ ruột sau 31 năm chia cắt.
Được biết, Qin bị bắt cóc vào năm 1988 khi mới 3 tuổi tại một công trường xây dựng ở tỉnh Quý Châu nơi ông bà Cheng đang làm việc. Khi phát hiện mất con, ông bà đã tìm kiếm khắp nơi, ngày này qua ngày khác nhưng vẫn không có kết quả.
Sau ngày hôm đó, ông bà Cheng liền dùng tiền tiết kiệm cùng với tiền vay mượn để đi khắp Trung Quốc tìm con. Sau nhiều nỗ lực nhưng không có kết quả, cuối cùng ông bà quyết định cung cấp mẫu DNA của mình cho trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia do cảnh sát thành lập để hỗ trợ các gia đình tìm kiếm con cái bị bắt cóc.
Và sau 3 thập kỉ cuối cùng ông bà Cheng đã có tin tức về con mình. Hóa ra, cậu con trai của ông bà đã bị bắt cóc và bán đến một ngôi làng ở tỉnh Hà Bắc cho một người đàn ông đơn thân. Khi lớn lên, Qin cảm thấy bản thân rất khác biệt so với bạn bè xung quanh khi có cách phát âm một số từ không giống người ở địa phương.
Tất cả mọi người đều không cầm được nước mắt trong ngày hội ngộ.
Qua nhiều năm, Qin dần nhận ra rằng ‘cha’ của anh không phải là cha ruột và từ đó anh đã bắt đầu truy tìm nguồn gốc thật sự của mình. Năm 2018, Qin cung cấp mẫu DNA của mình cho cơ sở dữ liệu và điều này đã mang lại kết quả bất ngờ.
Phát hiện có sự trùng khớp giữa DNA của Qin và ông Cheng, cảnh sát đã lập tức liên hệ với hai người và yêu cầu cả hai cung cấp mẫu DNA mới để kiểm tra lại. Tháng 2/2019, báo cáo kết quả cho thấy ông Cheng và bà Gao thật sự là cha mẹ ruột của Qin.
Theo Dailymail, bắt cóc phụ nữ và trẻ em là một trong những vấn nạn phổ biến tại Trung Quốc. Tháng 12/2018, Zhang Weiping và Zhou Rongping – 2 tên tội phạm buôn bán trẻ em đã bị kết án tử hình vì có tham gia vào 8 vụ buôn bán 9 đứa trẻ trong giai đoạn 2003 – 2005.
Gia đình ăn bữa cơm đoàn viên trong ngày hội ngộ.
Trong đó, có một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, băng nhóm này đã đột nhập vào một khu nhà trọ, trói người phụ nữ lại rồi bắt cóc con trai cô bán cho một người môi giới trung gian. Zhang, Zhou cùng nhiều thành viên khác của băng nhóm bị bắt giữ năm 2016.
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc cùng nhiều tổ chức khác nhau đã có nhiều nỗ lực để giúp đỡ những đứa trẻ bị bắt cóc tìm lại gia đình. Năm 2016, Bộ Công an đã thành lập một hệ thống chính thức với tên gọi Tuanyuan.
Hệ thống này sẽ gởi thông báo về thông tin của những đứa trẻ bị bắt cóc trên các trang mạng xã hội hoặc tin nhắn điện thoại, tương tự như hệ thống "Amber Alert" ở Mỹ. Tính đến tháng 5/2018, truyền thông Trung Quốc ghi nhận hệ thống này đã công bố thông tin của khoảng 3.053 trẻ bị bắt cóc và giúp 2.980 người tìm lại gia đình.
Trên trang Baobeihuijia, một trang web do các tình nguyện viên thành lập, có 43.858 gia đình đang tìm kiếm con cái của họ và 39.446 người đang tìm kiếm gia đình sau nhiều năm thất lạc.