Bí ẩn vụ ‘mất tích’ hơn 200 container
- Tây Y
- 13:42 - 01/08/2017
Bãi container hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh Ngọc Dương
Trước sự “mất tích” khó hiểu của hơn 200 container hàng hóa quá cảnh qua cảng Cát Lái (Q.2) để xuất đi Campuchia giữa năm 2015, Tổng cục Hải quan vào tháng 11/2016 đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện ra nhiều chuyện bất ngờ.
Can thiệp xóa hồ sơ gốc
Đoàn kiểm tra xác định, vào giữa năm 2015 có 213 container quá cảnh cảng Cát Lái (cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến). Thông thường, để kiểm soát hàng quá cảnh, lực lượng hải quan sẽ theo dõi thông tin gồm: BOA là hệ thống xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi; BIA là hệ thống xác nhận hàng hóa đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đến.
Theo quy định, hàng hóa quá cảnh tại cảng Cát Lái phải khai tờ khai vận chuyển độc lập, qua bước nghiệp vụ đăng ký thông tin khởi hành vận chuyển trên hệ thống qua nghiệp vụ BOA. Khi hàng hóa quá cảnh rời khỏi cảng Cát Lái để xuất đi Campuchia, cơ quan hải quan phải xác nhận trên hệ thống theo dõi hàng vận chuyển độc lập đã qua cửa khẩu biên giới Campuchia thì quy trình vận chuyển hàng quá cảnh mới hoàn tất.
Thế nhưng, với 213 container trên, sau khi ra khỏi cổng cảng (qua khu vực giám sát hải quan) thì có ai đó đã can thiệp vào hệ thống để xóa BOA, hoặc lô hàng quá cảnh đã ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ. Kể từ đó đến nay, cơ quan chức năng không xác định được hơn 200 container nói trên đã đi đâu, về đâu (!).
Kiểm tra thủ tục hải quan đối với các container quá cảnh nói trên, đoàn kiểm tra phát hiện cán bộ hải quan của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (viết tắt Chi cục HQKV1) đã thực hiện xong thủ tục hải quan cho một số lô hàng quá cảnh khai tờ khai vận chuyển độc lập, nhưng sau đó xóa hồ sơ thủ tục các lô hàng này. Qua đó, đoàn kiểm tra xác định cán bộ hải quan của Chi cục HQKV1 không theo dõi tình trạng vận chuyển và không truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích, hủy bộ hồ sơ vận chuyển độc lập, can thiệp trái quy định vào hệ thống, xóa BOA sau khi hàng đã qua khu vực giám sát hải quan.
Đối với các lô hàng quá cảnh đã ra khỏi cảng Cát Lái nhưng không có hồ sơ, theo quy định, chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phải làm đầy đủ thủ tục hải quan và theo dõi hàng cho đến khi được vận chuyển đến đích. Trường hợp lô hàng chưa được vận chuyển đến đích đã được phê duyệt thì phải chịu trách nhiệm truy tìm nhưng Chi cục HQKV1 đã để một số lô hàng quá cảnh ra khỏi cảng Cát Lái, không có hồ sơ lưu và đã quá hạn đăng ký, đến nay vẫn chưa xác định được thực trạng các lô hàng này.
Làm rõ trách nhiệm 23 công chức hải quan
Sau nhiều tháng kiểm tra, cuối tháng 3/2017, đoàn kiểm tra đã xác định hàng loạt cán bộ, công chức hải quan làm thủ tục cho các lô hàng quá cảnh trên không đúng quy định hoặc được giao thực hiện các bước nghiệp vụ theo quy trình trong thời gian các lô hàng quá cảnh ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ.
Cụ thể, ngày 6/5/2015, container chứa hàng quá cảnh được mở tờ khai vận chuyển độc lập đã qua bước nghiệp vụ đăng ký thông tin khởi hành vận chuyển trên hệ thống qua nghiệp vụ BOA, nhưng khi hàng vừa qua khỏi cảng thì cùng ngày hồ sơ này bị xóa trên hệ thống BOA(!). Đáng chú ý, qua kiểm tra lô hàng “mất tích” vào ngày 6/5/2015, đoàn kiểm tra xác định ông N.T.Đ, N.A.K được phân công thực hiện các bước kiểm tra nghiệp vụ lô hàng. Trong đó, ông N.A.K là người xóa BOA lô hàng này.
Để xảy ra các sai phạm nói trên, theo đoàn kiểm tra nhận định, là do hải quan không làm đúng quy định về thủ tục hàng hóa quá cảnh khai tờ khai vận chuyển độc lập; quản lý, sử dụng seal hải quan chưa đúng quy định; tổ chức phân công, phân nhiệm và phối hợp trong quản lý hàng quá cảnh khai tờ khai vận chuyển độc lập chưa chặt chẽ để bị lợi dụng.
Vì tính chất vụ việc nghiêm trọng, giữa tháng 7/2017, Cục Hải quan TP.HCM tổ chức cuộc họp xem xét trách nhiệm trong việc giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển hàng độc lập và chấn chỉnh một số vụ việc tại Chi cục HQKV1. Tại đây, ông Hoàng Việt Cường (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách Cục Hải quan TP.HCM) chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của 23 cán bộ công chức của Chi cục HQKV1.
Đồng thời, ông Cường yêu cầu các phòng nghiệp vụ của chi cục đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với loại hình này, có “lỗ hổng” trong quản lý bị lợi dụng hay không; rà soát đánh giá việc cấp phát, sử dụng, quản lý, quyết toán niêm phong hải quan liên quan đến 213 container hàng hóa nói trên; làm rõ lý do vì sao phân công cho Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Quản lý loại hình hàng hóa vận chuyển độc lập (BOA/BIA) trong khi đó cùng thời điểm các chi cục khác phân công cho Đội giám sát hải quan; chi cục tiếp tục chỉ đạo 23 cán bộ công chức và lãnh đạo chi cục có liên quan kiểm điểm bổ sung về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, nếu cần thời gian làm rõ trách nhiệm thì chi cục tạm dừng phân công nhiệm vụ khác để tập trung kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với Cục Hải quan TP.HCM để sớm có kết luận chính thức về việc thanh tra quản lý hải quan đối với 213 container hàng hóa nói trên…
Thủ đoạn buôn lậu?
Một cán bộ hải quan của Cục Hải quan TP.HCM phân tích, nếu đã BOA nhưng chưa BIA có nghĩa là hàng hóa quá cảnh nhưng chưa qua cửa khẩu Campuchia mà vẫn còn ở VN. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra các container này. Như vậy, quy trình vận chuyển hàng quá cảnh chưa hoàn thành và không loại trừ khả năng hàng hóa đã được tiêu thụ tại VN.
Vì thế, vị cán bộ hải quan nhận định: “Đây là phương thức thủ đoạn khá tinh vi của buôn lậu. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ buôn lậu bằng thủ đoạn nói trên”.
Thời gian qua, lực lượng hải quan phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện một số vụ đưa hàng (mặt hàng nhập khẩu có điều kiện hoặc hàng cấm nhập) quá cảnh cửa khẩu TP.HCM để xuất đi Campuchia, nhưng thực tế không xuất đi Campuchia mà thẩm lậu ngược lại thị trường VN tiêu thụ.
Núp bóng hàng quá cảnh để buôn lậu
Đầu tháng 5.2017, lực lượng chức năng liên ngành phát hiện 41 kiện (gần 500.000 viên thuốc đặc trị các loại, trị giá gần 5 tỉ đồng) quá cảnh, rồi xuất đi Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) và đã hoàn thành thủ tục hải quan theo đúng quy định để chuyển lô hàng này qua biên giới VN - Campuchia. Ngày 9.5.2017, lực lượng phối hợp theo dõi phát hiện lô hàng vận chuyển đến gần cửa khẩu Campuchia thì bất ngờ quay ngược đưa vào nội địa qua đường mòn cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh)...
Máy chụp CT cắt lớp cũ cấm nhập quá cảnh qua một cửa khẩu ở TP.HCM để xuất đi Campuchia bị phát hiện
Ngày 5.5, tại cảng Cát Lái, lực lượng chức năng khám xét 2 container hàng trung chuyển từ Nhật Bản về VN để qua Campuchia, phát hiện chứa gần 100 xe gắn máy; nhiều thiết bị văn phòng... đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu).
Tháng 6.2016, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với Đội 3 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện lô hàng (vận chuyển quá cảnh từ Hàn Quốc về VN để xuất đi Campuchia) bên trong chứa 2 ô tô và hàng chục động cơ ô tô đã qua sử dụng.
|
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc