THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:31

Bêu tên học sinh trên loa phóng thanh xã vì phụ huynh không đóng phí

Phụ huynh không đóng thì bêu tên con

Về xã Cẩm Thăng những ngày khi mưa lũ vừa đi qua, đi tới đâu cũng nghe người dân bức xúc không chỉ mức đóng đậu cho con em ăn học quá sức, mà còn cái cách bêu tên học sinh, phụ huynh học sinh trên hệ thống loa phóng thanh xã để tận thu.

Biết PV về tìm hiểu sự việc, dù rất bận với công việc, nhưng rất nhiều phụ huynh học sinh trường tiểu học xã Cẩm Thăng đã tập trung tại nhà chị C. (thôn 6, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên) để phán ánh những việc làm trái khoáy của chính quyền xã. Cụ thể, đầu năm học 2016-2017, trường tiểu học xã Cẩm Thăng đã thu các khoản tiền bắt buộc đối với mỗi em là 1.543.000/em, trong số đó có tiền thu xây dựng, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị là 700.000đ. Nhưng học được hơn một tháng, phụ huynh học sinh nhận được thông báo của UBND xã phải đóng thêm số tiền xây dựng phòng đa chức năng 631.000đ/em và phải đóng trong vòng 3 năm liên tiếp, từ 2016 đến 2018.

Cùng một năm học, phải đóng cho nhà trường và xã đến 2 lần chi phí xây dựng khiến phụ huynh ở vùng quê độc canh cây lúa này thêm gánh nặng. Gia đình một học sinh học ở bậc tiểu học còn đỡ, nhiều gia đình có 2 con trở lên, khoản đóng góp này là quá khó để xoay sở.

Mặc dù người dân phản ứng gay gắt, nhưng chính quyền xã Cẩm Thăng vẫn quyết tâm thu bằng được khoản tiền nói trên. Từ trung tuần tháng 10 chính quyền xã đã cho cán bộ xã, xóm đến từng gia đình ở tất cả 7 thôn xóm vận động người dân đóng tiền, nếu gia đình nào thiếu thì họ cho vay tiền để nộp. Một bộ phận phụ huynh thấy vô lí, những gia đình khác không kham nổi số tiền đóng đậu của con, đã từ chối nộp tiền.

Nhiều phụ huynh trình bày với PV Dân trí về sự bức xúc vì bị chính quyền xã bêu tên trên loa phóng thanh suốt ngày.
Bất ngờ, ngày 24/10/2016, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng đã ký giấy mời phụ huynh 14h chiều 25/10 đến phòng họp của UBND xã với nội dung: Làm việc về việc nợ tiền đối ứng xây dựng nhà đa chức năng trường tiểu học. Mời đi họp, nhưng trong giấy mời nói trên, chính quyền xã không quên nhắc người dân: “khi đi nhớ mang đủ số tiền để nộp”.
Tờ giấy mời họp kèm theo nội dung: "Khi đi nhớ mang đủ số tiền để nộp"

Cuộc họp vẫn diễn ra đúng kế hoạch, tuy nhiên một lần nữa nguồn thu để trả nợ xây dựng nhà đa chức năng vẫn chưa được người dân đồng tình. Đáng chú ý nguyện vọng chính đáng mà người dân nêu ra “chính quyền xã phải tính toán thu trong nhiều năm và phải thu của toàn dân, chứ không thể thu trong 3 năm và thu mỗi phụ huynh học sinh tiểu học để đảm bảo công bằng, người dân có thời gian, kinh phí đóng góp” đã không được chính quyền xã xem xét thấu đáo.

Và “đòn hiểm” đã được chính quyền xã Cẩm Thăng thực hiện liền ngay sau cuộc họp bất thành này. Liên tục trong vòng 1 tuần, từ 28/10 đến 2/11/2016, chính quyền xã đã cho cán bộ ban văn hóa xã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh toàn xã đích danh họ, tên lớp các học sinh, con của ông, bà, thôn xóm cụ thể chưa đóng tiền xây dựng nhà đa chức năng trường tiểu học. Tên học sinh, gia đình chưa đóng tiền được bêu ra rả ngày 2 lần.

Trước cách thức này của xã, một số phụ huynh đã nộp tiền trong sự ấm ức vì lòng tự trọng. Nhiều gia đình dù khó khăn, nhưng sợ xấu hổ, lo con em bị bạn bè bêu rếu, nên đã vay tiền, ứng tiền làm thuê để kịp nộp cho xã. Số còn lại, do quá khó khăn chưa biết tìm đâu ra nguồn nên hiện vẫn chưa nộp và bị liệt vào thành phần chây ì, bị dọa cắt danh hiệu gia đình văn hóa.

Việc phát trên loa kiểu trên chỉ vừa mới được chính quyền xã Cẩm Thăng cho dừng lại khi bị người dân khắp các thôn xóm phản ứng gay gắt.

Chị Nguyễn Thị Châu, phụ huynh có hai con là N.T.H, học sinh lớp 3 và N.C.V, học sinh lớp 1, ấm ức: “Tôi và nhiều phụ huynh khác thấy vô lí nên chưa nộp cho xã. Vậy là tên các con tôi, gia đình tôi cũng như các gia đình khác, xã cứ đọc ra rả suốt trên loa. Ai cũng cảm thấy ấm ức, tủi nhục, thậm chí rớt nước mắt vì con. Các cháu còn nhỏ, như tờ giấy trắng đã biết chi đâu mà xã cứ bêu tên lên như thế”.

Chị Nguyễn Thị Châu cho rằng việc chính quyền xã bêu cả tên các con lên như thế là không được.

Thầy giáo Hoàng Hữu Tùng, giáo viên trường THPT Cẩm Xuyên, phụ huynh có hai con nhỏ theo học tại ngôi trường này ấm ức, yêu cầu chính quyền phải công khai xin lỗi người dân.

Thầy Nguyễn Văn Tùng, người vừa được điều chuyển về đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học xã Cẩm Thăng được 2 tuần cũng thẳng thắn: “Chuyện đóng đậu của con em là trách nhiệm, nhưng ở nhiều thời điểm đó là chuyện tế nhị. Việc chính quyền địa phương cho đọc tên học sinh, phụ huynh của nhà trường chưa đóng khoản phí xây dựng trên hệ thống loa phóng thanh xã trong nhiều ngày là không nên, vì nó ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của học sinh rất nhiều”.

Sai với dân vì ôm nợ quá nhiều

Dù hầu hết người dân rất bức xúc, lên án với việc làm không thể chấp nhận của chính quyền, tuy nhiên làm việc với Dân trí vào sáng ngày 7/11, ban đầu ông Nguyễn Văn Báu, Chủ tịch UBND xã lại bình thản đến ngạc nhiên. Ông Báu nói chỉ một vài hộ dân không đồng tình, còn lại khi thông qua phương án thu để trả nợ công trình, người dân đều đồng ý, được hội đồng xã thông qua.

Tuy nhiên, khi PV cung cấp hàng loạt video về phản ứng của người dân trên nhiều thôn xóm, nhất là chuyện người dân cực lực phản đối xã nêu tên học sinh, phụ huynh trên hệ thống loa phát thanh toàn xã để gây áp lực thu chi, người đứng đầu chính quyền xã này mới dịu giọng. Ông Báu phân bua, việc đọc tên học sinh, phụ huynh học sinh trên loa truyền thanh xã là để động viên những hộ đã đóng tiền cho xã và “nhắc nhở” những hộ chưa đóng phải thực hiện nghĩa vụ đã được Hội đồng nhân dân xã thông qua! Vị chủ tịch xã xin được… rút kinh nghiệm chuyện đọc tên học sinh, phụ huynh học sinh trên loa truyền thanh.

Ông Nguyễn Văn Báu (áo trắng), Chủ tịch xã Cẩm Thăng trả lời PV Dân trí về những vấn đề khiến người dân bức xúc thời gian qua.


Khi được hỏi, sức dân có hạn, vì đây là xã độc canh cây lúa, vì sao không giãn việc đóng góp trả nợ công trình ra nhiều năm, cũng như huy động trên toàn xã thay vì chỉ thu của học sinh, phụ huynh trường tiểu học?, ông Chủ tịch xã nêu áp lực nợ nần, phải thu tập trung thu, vì thu lắt nhắt, tiền thu về xã sẽ chi tiêu hết không có để trả nợ cho nhà thầu.

“Ngoài 7 tỷ đồng nợ xây dựng nông thôn mới chưa biết lấy đâu nguồn để trả nợ, thì công trình này (nhà học đa chức năng) do xã làm chủ đầu tư với nguồn vốn hơn 3,2 tỷ đồng, hiện mới lo được hơn 1,6 tỷ, trong đó có 1 tỷ đồng tiền thưởng của tỉnh dành cho xã về đích nông thôn mới. Công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng, xã không có nguồn gì thêm, nên phải huy động sức đóng góp của người dân để trả nợ ”- ông Báu nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh