Bếp Việt thời 4.0
- Y học 360
- 17:00 - 27/01/2020
Diện mạo mới mẻ của căn bếp hiện đại
Gia đình hiện đại, nhất là những gia đình trẻ thường có xu hướng đầu tư nhiều hơn cho gian bếp, thay vì phòng khách hoặc phòng ngủ như những thế hệ trước. Lý giải về hiện tượng này, KTS Mai Xuân Huy (Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Greenhouse Việt Nam) cho rằng: "Thực tế, gian bếp là gốc rễ của mọi gia đình, là nơi chúng ta sử dụng nhiều nhất trong ngày. Đó không chỉ là khu vực bảo quản, chế biến thức ăn cho ba bữa sáng - trưa - tối mà còn là nơi để cha mẹ, con cái tụ họp, tương tác sau một ngày dài bận rộn ở cơ quan, trường học, cũng là không gian để họ hàng, bạn bè gặp gỡ, trò chuyện trong những dịp đặc biệt. Bởi vậy, phòng khách và phòng ngủ không nhất thiết phải rộng lớn và cầu kỳ mà thường được thu hẹp ở mức đủ dùng để nhường chỗ cho phòng bếp".
Theo KTS Mai Xuân Huy, chi phí dành cho căn bếp thường chiếm đến 15 - 20% tổng chi phí xây dựng nhà ở, bao gồm tiền thiết kế nội thất, vật tư, trang thiết bị… Khi đặt hàng kiến trúc sư lập bản vẽ chi tiết, bên cạnh việc lưu ý những vấn đề liên quan đến phong thủy, tâm linh, gia chủ cũng quan tâm đến hình thức thẩm mĩ và công năng sử dụng của không gian đặc thù này. Tùy theo nhu cầu sử dụng của từng gia đình mà kích thước của khu bảo quản thực phẩm (tủ lạnh), nơi chế biến (nấu), nơi gia công (rửa) có thể khác nhau. Nhưng nhìn chung, quầy bếp thường được bố trí thành hình chữ L hoặc chữ I để đảm bảo một dây chuyền hợp lý, thuận lợi cho người nấu, khu nấu và khu ăn thường được tách biệt bởi bàn đảo hoặc quầy bar.
Bên cạnh đó, không gian phòng bếp cũng là nơi gia chủ muốn lưu dấu ấn cá nhân của chính mình. Theo KTS Nguyễn Duy Dần (Công ty Thiết kế thi công tủ bếp và nội thất Flexfit), việc lựa chọn màu sắc, kiểu dáng tủ, kệ, gạch ốp tường, vật liệu bàn bếp… phần nào cho thấy đặc điểm tính cách của chủ nhà. Chẳng hạn, những người trẻ phóng khoáng, hướng ngoại thường lựa chọn phong cách Bắc Âu với hai gam màu chủ đạo là trắng và xanh dương, ưu tiên những thiết kế đơn giản, tinh tế và tiện nghi. Trong khi đó, gia chủ có xu hướng hoài cổ lại yêu thích sự thanh lịch của kiến trúc tân cổ điển với những gam màu ấm và những nét lượn trên trần, tường hay đồ nội thất. Hòa theo khuynh hướng chú trọng đến yếu tố thẩm mĩ của gian bếp, hệ thống đèn chiếu sáng - thứ có vẻ rất ít liên quan đến chức năng chính của nhà bếp là nấu nướng giờ đây được thiết kế muôn hình vạn trạng để chiều lòng người tiêu dùng khi họ muốn lựa chọn đồ nội thất ton sur ton với nhau.
Robot nấu ăn Moley của công ty Moley Robotics. Nguồn: Time.com
Song song với hình thức thẩm mĩ, những tiện ích trong nhà bếp cũng được đầu tư hơn. Bên cạnh tủ lạnh, nồi cơm điện, ấm siêu tốc… - đại diện cho các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, gian bếp của nhiều gia đình người Việt giờ đây xuất hiện thêm những thiết bị tối tân, đáp ứng kịp thời và đầy đủ những nhu cầu ngày một cao của người sử dụng như bếp từ, máy làm sữa hạt, máy ép chậm, máy lọc nước sử dụng công nghệ nano, máy rửa bát, robot rửa bát… Cá biệt trong một số gia đình, robot nấu ăn đã đảm nhiệm hầu hết công việc của một đầu bếp thực thụ như tự động lấy thực phẩm và dụng cụ nhà bếp ra khỏi nơi bảo quản, sơ chế nguyên liệu, nấu các món ăn đã được lập trình sẵn theo đúng công thức và nhiệt độ… Một số loại cho phép người dùng điều khiển và sử dụng qua smartphones và màn hình cảm ứng và hầu hết robot nấu ăn đều tích hợp những thành tựu công nghệ hiện đại như: Trí tuệ nhân tạo, camera, tia laser, bộ nhớ, thị giác 3D, nhiệt ảnh…
Sự xuất hiện của robot nấu ăn thông minh cùng những trang thiết bị hiện đại đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng trong căn bếp khi người phụ nữ được giải phóng khỏi công việc tưởng chừng không hề vất vả vì "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu" nhưng kì thực lại vô cùng bận rộn và hao tâm tổn sức. Không còn phải dành ít nhất 5 giờ mỗi ngày, 150 giờ mỗi tháng, 1.800 giờ mỗi năm cho những bữa cơm, phụ nữ Việt giờ đây đã có thêm thời gian để làm việc ở cơ quan, chăm sóc bản thân, vui chơi cùng con cái mà không bị tốn nhiều sức lực cho những việc tỉ mẩn trong gian bếp nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc. Vì nấu ăn, rửa bát không còn là việc quá khó khăn, đòi hỏi năng khiếu hay thời gian rèn luyện mà chỉ cần dùng các công cụ đúng như hướng dẫn sử dụng, nên chồng và con hoàn toàn có thể hỗ trợ người phụ nữ để cả gia đình có thêm những trải nghiệm thật sự vui vẻ mỗi ngày khi cùng nhau thực hiện những việc giản dị nhất.
Xét trên một phương diện, công nghệ đã đem đến những chuyển biến tích cực cho căn bếp. Hình thức đẹp đẽ và tiện ích hiện đại của căn bếp có thể coi như những chỉ dấu cho thấy đời sống ngày càng được cải thiện của nhiều gia đình Việt.
Bếp từ không có lửa
Hình ảnh gian bếp truyền thống, đơn sơ của người Việt. Ảnh: T.L
Từ trước đến nay, phụ nữ vẫn được coi là người giữ lửa, người xây tổ ấm. Định đề này được số đông thừa nhận và cũng không hoàn toàn vô lý nếu xét từ cấu trúc sinh học, đặc điểm tâm lý và vai trò xã hội của hai giới nam và nữ. Người đàn ông có sức mạnh và sức bền về mặt thể chất hơn nên thường được giao gánh vác những công to việc lớn, trở thành trụ cột của gia đình. Là phái yếu hơn, tính cách nhu mì, tinh tế hơn, lại là người chịu trách nhiệm mang nặng đẻ đau và chăm sóc con cái, giới nữ chủ yếu đảm nhận các công việc trong gia đình, trong đó có việc nấu nướng để đảm bảo dinh dưỡng cho những người thân thuộc.
Hình ảnh người vợ, người mẹ, người bà cặm cụi, tỉ mẩn chuẩn bị các món ăn ngon cho cả nhà từ lâu đã đi vào thơ văn và khắc sâu vào tâm trí của người Việt về vai trò thiết yếu của người phụ nữ trong căn bếp: "Đốt than nướng cá cho chàng/ Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi" (ca dao), "Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/ Khế trong vườn thêm một tí rau thơm/ Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ/ Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm" (Canh cá tràu, Chế Lan Viên), "Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm/ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui" (Bếp lửa, Bằng Việt)… Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, sự hiện diện ngày một nhiều của các thiết bị điện tử, kỹ thuật thông minh một mặt cho phép phụ nữ Việt dần thoát khỏi ràng buộc của trách nhiệm lo liệu bữa cơm gia đình, mặt khác lại góp phần tạo nên những phòng ăn lộng lẫy nhưng bếp từ nguội lạnh, thiếu vắng hơi ấm nồng đượm của ngọn lửa đốt bằng rơm, củi, lá khô… thuở trước.
Khi các thành tựu của khoa học công nghệ đã và đang được ứng dụng ngày một nhiều trong các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất, có không ít ý kiến lo ngại về một tương lai không xa, lúc máy móc chiếm ưu thế hơn con người, lao động chân tay và một phần lao động trí óc sẽ được đảm nhận bởi những cỗ máy có trí thông minh nhân tạo và sức bền vô hạn. Tuy nhiên, ngay cả khi robot nấu ăn đã ra đời, không chỉ thao tác nhanh chóng, đúng trình tự, nấu được hơn 100 món ăn (cả món chay lẫn món mặn) mà còn có khả năng giao tiếp cơ bản với con người, thì chúng cũng không thể thay thế vai trò của người phụ nữ trong gian bếp, bởi đó chỉ là những cỗ máy được lập trình và hoàn toàn không có khả năng sáng tạo cũng như thấu hiểu cảm xúc của con người.
Món ăn ngon đôi khi không phải là món ăn chuẩn vị mà là hợp ý người dùng. Bữa ăn ngon đa phần không phải đến từ mâm cao cỗ đầy mà là không khí vui vẻ, hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình khi mọi người cùng sum họp và chia sẻ với nhau những hoạt động trong ngày. Do đó, dù ở thời đại nào đi chăng nữa, phụ nữ vẫn là linh hồn của căn bếp, người biết được sở thích mặn nhạt của chồng, người kì công chuẩn bị đĩa cơm xinh xinh cho đứa con lười ăn, cũng là người kiến tạo một nơi chốn có thể không xa hoa nhưng ấm cúng gọi là "nhà" để các thành viên dù đi đến đâu cũng muốn nhanh chóng quay trở về.
Phụ nữ vẫn là linh hồn của căn bếp, người biết được sở thích mặn nhạt của chồng, người kì công chuẩn bị đĩa cơm xinh xinh cho đứa con lười ăn, cũng là người kiến tạo một nơi chốn có thể không xa hoa nhưng ấm cúng gọi là “nhà” để các thành viên dù đi đến đâu cũng muốn nhanh chóng quay trở về.