THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:50

Lương hưu GV mầm non ở Thanh Hóa có người chỉ hơn 300 ngàn đồng/tháng

Nhận đồng lương mà xót xa

Theo UBND tỉnh Thanh Hoá, đến nay, BHXH tỉnh Thanh Hoá đã giải quyết chế độ hưu trí cho 180 trường hợp giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995. Hầu hết trong số 180 cô giáo mầm non đều được đóng lùi BHXH từ 1/1/1995, nên các cô bắt đầu nhận lương hưu từ ngày 1/1/2015 (đủ 20 năm đóng BHXH). Người cao nhất nhận 1.136.000 đồng/tháng, thấp nhất chưa đến 400.000 đồng/tháng.

Nhiều giáo viên ở Thanh Hoá chua xót vì lương hưu quá thấp. Ảnh: D.T

Cô Nguyễn Thị Vóc (SN 1959, trú xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân) có hơn 34 năm công tác trong ngành mầm non, có 18 năm, 9 tháng đóng BHXH bắt buộc, 2 năm và 3 tháng đóng BHXH tự nguyện. Ngày 1/1/2015, cô nhận sổ hưu trong đó ghi lương hưu 339.873 đồng/tháng. Cô Đỗ Thị Thọ - một giáo viên mầm non về hưu khác - tâm sự trong nước mắt: “Sau 38 năm, 8 tháng cống hiến, giờ tôi nhận được đồng lương 470.000 đồng/tháng. 

Nhận đồng lương mà ngậm ngùi, xót xa…”. Còn cô Lưu Thị Nhung (SN 1957; trú xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân) sau 34 năm làm giáo viên mầm non, được nhận mức lương hưu vỏn vẹn 336.000 đồng/tháng. “Tôi quá bất ngờ và thất vọng. Với mức lương thấp hơn bảo trợ xã hội, dưới mức chuẩn nghèo như vậy, rồi đây tôi biết sống bằng gì khi tuổi già sức yếu?” - cô Nhung nghẹn ngào.

Theo tìm hiểu, trước đây, giáo viên mầm non không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Đến ngày 22/3/2004, Bộ GD&ĐT và BHXH Việt Nam có văn bản số 2150/GDĐT-BHXH thực hiện BHXH, BHYT đối với NLĐ thuộc các cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, NLĐ có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước năm 1995 thì có thể đóng BHXH bắt buộc cho thời gian từ tháng 1/1995, đến khi đã tham gia đóng BHXH bắt buộc. 

Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu, nộp. Để đóng đủ số tiền truy thu này, nhiều giáo viên mầm non phải chắt chiu, vay mượn. Cô Lưu Thị Nhung (Thọ Xuân) cho hay, cô phải bán cả con trâu mới đủ tiền đóng. Do các cô đều có năm sinh từ 1955 - 1959 nên từ khoảng 2011 đến 2014, các cô đủ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi). Lúc này, các cô đều chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc (đa số trên 18 năm) nên chưa thể thực hiện chế độ hưu trí.

Giải quyết bài toán này, Thủ tướng đã ký QĐ số 45/2011/QĐ-TTg ngày 18/8/2011, quy định hỗ trợ một phần kinh phí (13%) đóng BHXH tự nguyện đối với giáo viên mầm non công tác từ trước năm 1995 hết tuổi lao động nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được đóng thêm BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm. 

Cơ quan BHXH đã áp dụng điểm 6, mục I, Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH ngày 31/1/2008 và các điều khoản quy định hưởng lương hưu theo chế độ BHXH tự nguyện. Theo đó, “người tham gia BHXH tự nguyện trước đó tham gia BHXH bắt buộc và bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc, thì thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng của hai loại hình BHXH”.

Bất cập từ chính sách?

Theo bà Nguyễn Thị Diệp, Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh Thanh Hóa, lương hưu các cô thấp do các đối tượng nói trên được truy đóng BHXH bắt buộc từ 1995, theo mức đóng bằng 15% mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu, nộp. Mức lương tại thời điểm truy thu đóng là 290.000 đồng. Bà Diệp khẳng định, đã làm đúng các quy định. “Nếu có bất cập là bất cập từ chính sách, còn chúng tôi chỉ là người thực thi chính sách” - bà Diệp nói.

Ngày 3/6, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 5194 do ông Phạm Đăng Quyền , Phó Chủ tịch UBND tỉnh  ký, gửi Thủ tướng Chính phủ xin giải quyết vụ việc các giáo viên mầm non khiếu nại về chế độ lương hưu. Công văn cho biết, sau khi giải quyết chế độ hưu trí cho 180 trường hợp nêu trên, có khoảng 70 giáo viên đã nhiều lần đến trụ sở tiếp công dân T.Ư, trụ sở tiếp công dân của tỉnh Thanh Hóa khiếu nại, không đồng ý cách tính lương hưu theo chế độ BHXH tự nguyện vì cho rằng thiệt thòi, không sát thực tế; đề nghị tính lương hưu theo chế độ BHXH bắt buộc, tính bình quân lương 6 năm cuối hoặc tính theo mức lương cơ sở. 

Công văn có đoạn: “Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị đối thoại, giải đáp chính sách pháp luật về chế độ BHXH nhưng các giáo viên mầm non vẫn không đồng tình, tiếp tục khiếu nại đông người đến các cơ quan T.Ư và địa phương”. UBND tỉnh cho rằng, đề nghị của nhiều giáo viên mầm non là chính đáng, nhưng do vướng mắc về chính sách, quy định nên thẩm quyền của UBND tỉnh Thanh Hóa không giải quyết được.

UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH VN nghiên cứu sửa đổi quy định về thực hiện chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước đó đã tham gia đóng BHXH bắt buộc cho phù hợp với thực tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho đối tượng trên. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị trong khi chờ sửa đổi chính sách, cho phép BHXH tỉnh Thanh Hóa vận dụng chính sách giải quyết cho các trường hợp có mức lương thấp hơn lương cơ sở được bù bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết. Nhận được đề nghị trên, ngày 11/6, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4338 gửi các Bộ: LĐ-TB&XH, GD&ĐT, Tài chính; Tư pháp và BHXH Việt Nam với nội dung đề nghị các bộ, cơ quan trên có ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa và gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 22/6/2015.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh