Bệnh viện Từ Dũ nói gì về việc nhiều sản phụ bị lộ thông tin cá nhân sau sinh
- Y học 360
- 06:14 - 25/08/2022
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, phần lớn thông tin lọt ra ngoài là số điện thoại của sản phụ. Số điện thoại thường lưu lại trong hồ sơ bệnh án để tiện cho công tác liên hệ với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Việc rò rỉ thông tin sản phụ có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Lãnh đạo bệnh viện nhận định hai nhóm nguyên nhân có thể khiến lộ thông tin sản phụ. Trong đó nhóm nguyên nhân khách quan, đầu tiên là mỗi cơ sở hoạt động công lập đều có hệ thống cung cấp dịch vụ cho người bệnh thông qua các tiện ích như: nhắn tin cho người bệnh, thông báo người bệnh về diễn tiến trong quá trình nằm viện, điều trị, đặc biệt trong lúc sinh, sau khi mổ, trẻ nằm cấp cứu sau sinh... giúp giải quyết nhanh chóng kịp thời nhu cầu của gia đình cần biết sớm thông tin. Có thể thông tin đã rò rỉ từ đây.
Thứ hai, các dịch vụ thông qua tổng đài khám chữa bệnh, thay vì đi tới nơi thì thông qua hệ thống dịch vụ đăng ký khám. Nguyên nhân thứ ba, liên quan các giao dịch, tiện ích không dùng tiền mặt qua các hệ thống ngân hàng mà bệnh viện liên kết. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chưa phát hiện được dấu hiệu bị hack từ bên ngoài vào, các đối tác cung cấp dịch vụ như ngân hàng, trả kết quả xét nghiệm qua bưu điện... đều hứa không để lộ thông tin, theo ông Hải.
Nhóm nguyên nhân chủ quan, theo ông Hải, "chìa khóa quan trọng nhất" là số điện thoại thường được lưu trong hồ sơ bệnh án để liên hệ người bệnh, người nhà hoặc trao đổi gửi thông tin bệnh nhân xuất viện. Số điện thoại này nằm trên hồ sơ bệnh án dễ dàng tiếp cận ngay trang đầu. "Hồ sơ bệnh án hiện được bệnh viện quản lý rất chặt theo quy chế quản lý hồ sơ bệnh án, được xếp hồ sơ mật, chỉ những người có trách nhiệm mới được tiếp cận. Cũng có thể thông tin bị mất trong quá trình di chuyển hồ sơ đi đóng mộc, chuyển khoa...", Phó giám đốc bệnh viện nói.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan còn có thể ở quy trình quản lý, bảo mật, đặc biệt trong giai đoạn thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử để triển khai chính thức trong thời gian tới. Hoặc, có thể là sự dễ dãi của người bệnh, nhân viên y tế ở một số bộ phận. Nhân viên y tế ở đây bao gồm tất cả những người làm việc, đến học tập cũng có thể dễ dãi trong cung cấp thông tin, theo ông Hải.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, hồ sơ bệnh án thường được quản lý rất chặt, chỉ những người có trách nhiệm mới được tiếp cận hồ sơ. Nhưng trong quá trình vận hành (đóng mộc, chuyển hồ sơ, chuyển khoa), một số công ty mà bệnh viện thuê trong quá trình di chuyển cũng là nguyên nhân gây ra việc lộ thông tin cá nhân người bệnh. Cùng với đó, là sự dễ dãi của người bệnh và nhân viên y tế ở một số bộ phận khiến thông tin cá nhân của sản phụ bị lộ.
Trước sự việc trên, bác sĩ Trần Ngọc Hải cho biết, bệnh viện yêu cầu nhân viên nâng cao nhận thức, tránh dễ dãi trong công tác an ninh đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bắt đầu từ hôm nay, bệnh viện triển khai mã hóa toàn bộ số điện thoại của bệnh nhân trên hồ sơ bệnh án.
Trong vòng 12 tiếng, bệnh viện đã xây dựng công nghệ này để bảo mật thông tin người bệnh, bệnh viện cũng sẽ tăng cường bổ sung các quy trình; phân quyền tiếp cận các số liệu, ai làm ở lĩnh vực nào sẽ được tiếp cận số liệu, bác sĩ Hải khẳng định.
Thời gian gần đây, nhiều sản phụ phản ánh sau khi sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ thường bị gọi điện chào mời mua sữa, sử dụng dịch vụ chăm sóc mẹ và bé, sinh trắc dấu vân tay trẻ... Nhiều thông tin chỉ sản phụ và bệnh viện biết cũng đều bị rò rỉ bởi bên thứ 3.