Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nối thành công hai bàn tay đứt rời cho bệnh nhân bị tai nạn
- Y học 360
- 19:00 - 07/05/2020
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa phẫu thuật nối lại 2 bàn tay bị đứt và vết thương sọ não vùng chẩm cho bệnh nhân tai nạn thương tính. Đó trường là anh T. V. A (Họ tên BN đã thay đổi) 45 tuổi, ở phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên).
Trước đó ngày 10/4/2020, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng Shock đa chấn thương do mất máu nhiều, nguyên nhân do bị tai nạn thương tích đứt hoàn toàn bàn tay trái, bàn tay phải đứt gần hết chỉ còn dính cầu da mặt sau cổ tay (đứt toàn bộ gân, cơ, xương đặc biệt đứt toàn bộ mạch máu và các dây thần kinh ngoại biên) và vết thương sọ não vùng chẩm gây rách màng cứng, tụ máu và dập não.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu nhận định đây là một trường hợp đa tổn thương phức tạp nguy cơ tử vong cao. Nếu không kịp thời cấp cứu người bệnh có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng nặng lề có thể mất hai bàn tay bệnh nhân thành tàn phế.
Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện, kíp cấp cứu nhanh chóng truyền máu, hồi sức tích cực nâng huyết áp và đồng thời kíp gây mê hồi sức do bác sỹ Đặng Quang Dũng thực hiện hồi sức gây mê cho người bệnh, ba kíp phẫu thuật cấp cứu tiến hành đồng thời: kíp phẫu thuật vết thương sọ não do bác sỹ Trần Chiến khoa Ngoại thần kinh đảm nhiệm; Hai kíp phẫu thuật nối lại hai bàn tay đứt rời do bác sỹ Nguyễn Thanh Tùng khoa Chấn thương chỉnh hình đảm nhiệm thực hiện nối đồng thời hai tay.
Trong thời gian 8 giờ đồng hồ chạy đua với thời gian, các kíp gây mê, phẫu thuật Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện nối thành công đồng thời 2 bàn tay đứt rời bằng kĩ thuật vi phẫu.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, phẫu thuật viên khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, đây là ca mổ đặc biệt hơn những ca mổ khác vì ngoài đứt hoàn toàn bàn tay trái, bàn tay phải đứt gần hết, bệnh nhân còn có vết thương sọ não vùng chẩm, tụ máu và dập não cũng đồng thời phải mổ. Thông thường thời gian phẫu thuật nối vi phẫu một bàn tay bị đứt rời từ 6 – 7 giờ, nhưng bằng kỹ thuật chuyên sâu và kinh nghiệm của các phẫu thuật viên đã nối thành công cả 2 bàn tay cho bệnh nhân chỉ trong vòng 8 giờ. Để có được phẫu thuật trồng lại chi thể đứt rời thành công thì việc bảo quản một phần cơ thể đứt lìa rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của cuộc mổ. Vì khi phần cơ thể đứt rời sẽ không còn được tưới máu nuôi dưỡng, các mô thiếu oxy và dưỡng chất, quá trình chuyển hóa ở tế bào tạo ra các chất độc sẽ dần phá hủy mô, làm mô chết dần trong khoảng 2-3 giờ sau khi đứt.
Để kịp thời cứu sống bệnh nhân, bệnh viện huy động cùng một lúc các ê kíp với trên 30 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chạy đua với thời gian vừa hồi sức tích cực, truyền trên 10 đơn vị máu, vừa phẫu thuật sọ não và vừa phẫu thuật trồng lại chi thể bị đứt rời để bảo tồn, nuôi sống 2 bàn tay, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo khi gặp những tai nạn thương tích dẫn đến đứt lìa một phần chi thể việc đầu tiên là giảm đau, cầm máu bằng băng ép vết thương cho bệnh nhân. Phần đứt rời được rửa bằng nước sạch, tuyệt đối không được rửa phần chi thể đứt lìa bằng xà phòng, không cho trực tiếp vào đá lạnh mà nên bọc trong mảnh vải hay miếng gạc, cho vào túi nilon buộc kín, phủ đá lạnh trong môi trường từ 2-8 độ C. Các thao tác cần phải nhanh gọn, cẩn thận, nhẹ nhàng và nhanh chóng chuyển nạn nhân cùng phần chi thể đứt rời đến cơ sở y tế có đủ điều kiện và năng lực nối ghép lại phần chi thể đứt rời đó.
Qua 10 ngày điều trị bệnh nhân đã dần bình phục, khi xuất viện không còn đau đầu, 2 bàn tay hồng ấm hồi lưu máu tốt, các ngón tay đã cử động được và cần duy trì việc thăm khám, luyện tập tích cực mới có thể hoàn toàn hồi phục.