Bệnh viện 1A tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân điều trị Covid-19
- Y học 360
- 08:42 - 16/09/2021
TS, BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh Viện 1A cho biết, bệnh nhân nhập viện điều trị vì nhiễm Covid-19 thể nặng cần phải được chăm sóc phục hồi chức năng về thể chất và nhận thức ngay trong quá trình điều trị bệnh để hạn chế các tác động gây hại của virus lên cơ thể và tinh thần.
Việc điều trị phục hồi chức năng càng sớm thì kết quả càng tốt. Nhiều bệnh nhân sau Covid-19 có hệ cơ bao gồm nhóm cơ hô hấp sẽ tiếp tục bị yếu đi và cơ thể suy nhược trong một thời gian dài thậm chí vĩnh viễn và để lại di chứng tàn tật.
Theo các nghiên cứu của WHO và CDC, người bệnh Covid-19 không chỉ phải đối mặt với tổn thương phổi nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong, mà sau khi khỏi bệnh, họ tiếp tục gặp phải các triệu chứng của "covid kéo dài" như: Khó thở, đau thắt ngực, khó ngủ, đau cơ, trầm cảm, ù tai, tiêu chảy, đau dạ dày, chán ăn…
Họ cần sự hỗ trợ của các bài tập phục hồi chức năng phổi, vận động, trị liệu tâm lý để hồi phục hoàn toàn. Đơn vị Phục hồi chức năng sau Covid-19 của Bệnh viện 1A sau khi đã tham khảo các chương trình tập của các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu và Bộ Y tế cộng với kinh nghiệm thực tiễn điều trị bệnh nhân Covid-19 đã xây dựng chương trình tập phục hồi chức năng đa dạng, đặc sắc và hiệu quả, dành riêng cho người bệnh trong và sau nhiễm Covid 19.
"Nhiều bệnh nhân F0 nặng đang điều trị Covid-19 trong bệnh viện đã được tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ngay khi còn nằm tại phòng hồi sức tích cực, phải thở máy, giúp bài tiết đường thở và ngăn ngừa viêm phổi do hít, đặc biệt là sau đặt nội khí quản hoặc ở những bệnh nhân được mở khí quản. Thực tế cho thấy, tập phục hồi chức năng sớm đã giúp đẩy nhanh tiến độ hồi phục của nhiều bệnh nhân nặng tại Bệnh viện 1A", TS, BS Đỗ Trọng Ánh chia sẻ.
Theo BS Hoàng Tường, đơn vị điều trị Covid-19 của Bệnh viện 1A, trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngay từ đầu, những bệnh nhân nặng, thở máy thì nên được kỹ thuật viên tập hỗ trợ tống xuất đàm nhớt, tập mạnh cơ hô hấp, tập xoay trở chống loét và vận động thụ động. Kết quả bệnh nhân cải thiện khả năng hít thở, giảm đàm nhớt đáng kể sau mỗi lần tập phục hồi chức năng.
Tại Bệnh viện 1A, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể nặng đang điều trị đều được các kỹ thật viên phục hồi chức năng chuyên môn cao tham gia tập phục hồi chức năng trong tất cả các giai đoạn điều trị.
Ngay cả giai đoạn bệnh nhân còn nằm thở máy trong phòng chăm sóc đặc biệt, các kỹ thuật viên phục hồi chức năng đã tham gia hỗ trợ hô hấp cấp tính, can thiệp hỗ trợ cải thiện quá trình oxy hóa, bài tiết đường thở và ngăn ngừa viêm phổi do hít, đặc biệt là sau đặt nội khí quản hoặc ở những bệnh nhân được mở khí quản.
Ở giai đoạn sau khi được cho ngưng thở máy và chuyển sang điều trị nội trú tại bệnh viện, các kỹ thuật viên phục hồi chức năng sẽ tiếp tục duy trì và cải thiện hoạt động của các chức năng đã nêu ở trên bằng các bài tập đặc thù tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân phục hồi sức khỏe sớm.