CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:09

Bệnh thủy đậu hoành hành

*Bùng phát tại trường học

 Nơi đầu tiên được phát hiện có dịch bệnh thủy đậu là trường mầm non chuyên biệt Tuổi Ngọc (phường 28, quận Bình Thạnh) giữa tháng 1/2015 với 8 giáo viên và học sinh nhiễm bệnh.

Đến cuối tháng 2 dịch bệnh bùng phát tại Trường tiểu học Nguyễn Du (quận 12) làm 12 em học sinh bị nhiễm bệnh. Đến ngày 13/3, dịch bệnh tấn công tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (phường 14, quận Bình Thạnh) với 5 em bị mắc bệnh, trong đó có 4 học sinh chung lớp.

Cùng ngày, một ổ dịch khác được phát hiện tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1) với 9 ca bệnh. Hiện tại, các trường học đã cách ly học sinh bị bệnh, tổng vệ sinh lớp học, truyền thông cho ban giám hiệu và phụ huynh biết và đề phòng.

Thầy Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (phường Cô Giang, quận 1) cho biết: Dịch bệnh bùng lên tại trường vào ngày 13/3, xuất phát từ một lớp học có 2 em học sinh bị ở khối lớp 3. Nhà trường  đã báo với Trung tâm Y tế phường Cô Giang. Sau đó dịch bệnh lại chuyển biến sang lớp 1 vì có một học sinh lớp 3 có em học ở đây.

Bệnh thủy đậu hoành hành

Anh Trần Thanh Bình ở Cà Mau-một bệnh nhân mắc thủy đậu

Ban đầu chỉ có khoảng 3 ca, trường báo lên Trung tâm Y tế dự phòng quận 1 và được cảnh báo có hiện tượng dịch. Trung tâm chỉ đạo đội phòng dịch xuống kiểm tra toàn bộ nhà trường và những lớp có hiện tượng bệnh, tăng cường vệ sinh phòng dịch, phát Cloramin B để xử lý lau dọn toàn bộ các lớp học ngày 2 lần.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: “Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố liên tục xuất hiện các ổ dịch truyền nhiễm tại các trường học. Một điều rất hiếm gặp ở những năm về trước. Điều đáng nói, sự xuất hiện các ổ dịch bệnh diễn ra liên tiếp, cứ hết ổ dịch này lại xuất hiện tiếp ổ dịch bệnh khác”.

Theo bác sĩ Dũng, các chùm ca bệnh tại các trường nói trên đã được Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vệ sinh, khử khuẩn, hướng dẫn cho các thầy cô giáo và học sinh các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hiện tại 2 ổ dịch Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu và Lương Thế Vinh đang được ngành y tế theo dõi, giám sát xem mầm bệnh có còn tồn tại và tiếp tục lây lan nữa không.

*Người lớn cũng bị “tấn công”

 Bác sĩ Ngụy Cẩm Huy, chuyên viên Phòng Tổng hợp(Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mầm bệnh thủy đậu đang lưu hành trong cộng đồng, ngoài đối tượng chính là trẻ em, thủy đậu cũng tấn công nhiều người lớn phải nhập viện.

Theo thống kê, số lượng người đến khám, điều trị ngoại trú bệnh thủy đậu gia tăng từ đầu năm 2015. Cụ thể, tháng 1/2015 có 356 trường hợp bệnh nhân đăng ký khám thủy đậu, tháng 2 có 452 trường hợp và tháng 3 đã có 525 trường hợp mắc bệnh.

Theo ghi nhận của PV, tại khoa Nội A (Bệnh viện bệnh Nhiệt đới) số bệnh nhân nhập xuất viện vì bệnh thủy đậu khá nhiều, trong đó cũng có khá nhiều thai phụ. Tại phòng bệnh 418, bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu nằm kín phòng. Anh Phạm Tấn Lượng, cha của bé Phạm Thanh Mai (3 tuổi) ở huyện Hóc Môn, cho biết: “Cháu vào viện được một tuần rồi.

Lúc mới nổi vài mụt trên người, tôi đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ nghi bị dị ứng da, bảo cần theo dõi. Đưa cháu về nhà, ngày hôm sau cả người cháu nổi đầy mụn, nghi cháu bị thủy đậu nên đưa vào Bệnh viện bệnh Nhiệt đới. Những ngày đầu bị, cháu cứ sốt, bây giờ điều trị nên không sốt nữa”.

Kế bên giường bé Mai, là thai phụ Nguyễn Lê Kiều Linh (22 tuổi), quê ở  TP. Cam Ranh(Khánh Hòa), hiện đang làm công nhân cho Cty điện tử Nidec Sankyo(quận Tân Phú). Linh lo âu nói: “Em bị bệnh đã một tuần rồi. Vừa từ quê vào thành phố thì phát hiện ra một mụt trên người, đầu mụt to, nổi bóng nước. Mấy ngày trước đi khám tại phòng khám tư nhân ở quận Thủ Đức, họ nói em bị bệnh thủy đậu, lại có thai 2 tháng nữa thì nên vào Bệnh viện Từ Dũ khám. Vào Từ Dũ, họ bảo em sang đây điều trị trước. Em thực sự rất lo lắng, vì nghe nói người mẹ mang thai mắc bệnh thủy đậu dễ có nguy cơ lây truyền cho con!”.

Bệnh thủy đậu hoành hành

Bé Thanh Mai và cha đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới.

 

Dẫu mắc bệnh thủy đậu, các mụt nổi khắp mặt, mình mẫy, tay chân nhưng anh Trần Thanh Bình (41 tuổi) ở phường 6, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vẫn luôn lạc quan.  Anh nói: “Tôi nhập viện từ hôm thứ 6 vừa rồi. Ở dưới đó, họ nói tôi bị gan mới ghê chứ! Bệnh tái phát làm tôi đau quá chịu không nổi, phải thuê taxi cho 2 vợ chồng cùng lên đây.

Thứ 7 rồi, tôi sốt 40 độ, uống thuốc bác sĩ đưa thì hạ sốt, nhưng 4 -5 giờ sau lại sốt trở lại. Bác sĩ cũng xét nghiệm máu của tôi 3 lần rồi. Tôi nhớ hồi nhỏ tôi bị nổi trái rạ lúc 13 tuổi rồi. Người ta nói bị thủy đậu trong đời chỉ một lần mà giờ tôi bị lại, kỳ quá đi!”.

Theo phân tích của các bác sĩ, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh thủy đậu là sử dụng vắc xin chủng ngừa. Bác sỹ Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới chia sẻ: “Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, thường xuất hiện theo mùa trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4. Bệnh truyền từ người bệnh qua người lành chủ yếu bằng đường hô hấp. Tuy là bệnh lành tính, nhưng thủy đậu có thể gây những biến chứng nghiệm trọng đe dọa tính mạng người bệnh như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm màng não... Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có thể khiến thai nhi bị dị tật hoặc gây bệnh thủy đậu bẩm sinh cho trẻ”. 

Vũ Đình

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh