THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:07

Bệnh nhân xương khớp gia tăng và ngày càng trẻ hóa

“Thủ phạm”: béo phì và giày cao gót

Tại Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam và Đại hội Hội chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á lần thứ 37 vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cảnh báo, số người mắc các bệnh về xương, khớp ở Việt Nam ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Theo ước tính, số người bị bệnh thoái hóa khớp hiện nay đã tăng khoảng 20% so với trước đây.  PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam cho biết ngay tại bệnh viện  Việt Đức, con số bệnh nhân mắc bệnh về cột sống phải điều trị cũng tăng khoảng 2 lần trong những năm gần đây.

Số người mắc bệnh về xương khớp ngày càng tăng và trẻ hóa.Trước đây, thoái hóa khớp thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên do quá trình lão hóa tự nhiên nhưng hiện nay, thống kê cho thấy, tình trạng thoái hóa khớp ngày càng trở nên phổ biến ở người mới 35 tuổi, thậm chí trẻ hơn. Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng với 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp, đây đang là thách thức của y tế Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi thập niên 2011 - 2020 là “Thập niên xương và khớp”. Theo đó, WHO cũng xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ dân số mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới.

Thoái hóa khớp thực chất là quá trình thoái hóa sụn, từ đó dẫn tới các quá trình bào mòn, tổn thương, viêm, khô khớp… Trong đó các nguyên nhân được kể đến là: Gia tăng người bị loãng xương nặng, vận động quá mức, đi giày cao gót liên tục; đặc biệt là thừa cân, béo phì nhưng lại chạy và đi bộ quá nhiều…Kết quả các nghiên cứu cho thấy, cứ tăng 0,45kg cơ thể thì khớp gối sẽ phải chịu thêm 1,5kg khi đi bộ và chịu thêm 4,5kg khi chạy. Đây thực sự là nguyên nhân đáng lo ngại khi vấn đề thừa cân - béo phì đang ngày một lan rộng trên thế giới.

Can thiệp ít xâm lấn - mổ nội soi robot trong chấn thương chỉnh hình.

 

"Chúng tôi nói với bệnh nhân, vận động là tốt nhưng phải lựa chọn hình thức vận động phù hợp. Một người thừa cân, đi bộ rà rã cả chục km mỗi ngày, rồi chạy sẽ tạo áp lực rất lớn cho khớp gối. Hãy lựa chọn môn thể dục phù hợp hơn, như bơi, đạp xe", PGS Nguyễn Văn Thạch khuyến cáo.

Đặc biệt, giày cao gót là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây thoái hóa khớp gối ở phụ nữ. Giày cao gót gây áp lực căng thẳng trực tiếp lên sụn và các phần của đầu gối tạo cơ hội cho thoái hóa khớp tiến triển.

Ứng dụng robot hỗ trợ phẫu thuật trong chấn thương chỉnh hình

Hiện nay, ngành chấn thương chỉnh hình Việt Nam đã áp dụng kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn (phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ) để đảm bảo an toàn cuộc mổ và nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Tại bệnh viện Việt Đức, sau 5 năm triển khai ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống, đã có hơn 600 bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phẫu thuật thành công, không xảy ra tai biến. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai cũng thực hiện hàng chục ca phẫu thuật nội soi khớp háng, khớp gối bằng robot. 

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trên thế giới, việc ứng dụng robot hỗ trợ phẫu thuật đã được triển khai trong những năm gần đây, ngày càng được hoàn thiện hơn về công nghệ, kỹ thuật. Riêng trong lĩnh vực cột sống, robot được áp dụng trong các hoạt động phẫu thuật ít xâm lấn, đem lại ưu thế vượt trội. Theo đánh giá của chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới, Bệnh viện Việt - Đức là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ 2 ở châu Á sau Nhật Bản thực hiện phẫu thuật cột sống bằng robot định vị chính xác Renaissance.

PGS, TS Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, cho biết, can thiệp ít xâm lấn trong chấn thương chỉnh hình có robot hỗ trợ là kỹ thuật nổi trội nhất của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Nó mang lại lợi ích cho người bệnh vì đảm bảo an toàn, chính xác cuộc mổ, có robot hỗ trợ nên rất chính xác. Các tổ chức phần mềm cùng như cơ xương khớp ít bị phá hủy, hạn chế được các nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu. Chính vì vậy, người bệnh có điều kiện phục hồi sức khỏe sớm Hơn nữa, thời gian phẫu thuật giảm nhiều so với phẫu thuật bắt vít kinh điển khi trước đây kéo dài tới 10 tiếng, nay chỉ còn trung bình một tiếng rưỡi với bệnh nhân chấn thương cột sống và 3 tiếng với bệnh nhân trượt đốt sống, bao gồm cả ghép xương liên thân đốt.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh