Bệnh nhân mắc Whitmore ở Thanh Hóa đã tử vong
- Y học 360
- 16:17 - 19/09/2023
Ngày 19/9, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh nhi mắc bệnh Whitmore ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương đã tử vong dù đã được tích cực điều trị.
Trước đó, bệnh nhi nữ sinh năm 2008, điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa từ ngày 4/9. Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, từ ngày 22-30/8, bệnh nhi có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt 7 kg trong vòng 10 ngày, gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Ngày 1/9, gia đình đưa bệnh nhi đến Phòng khám An Phúc, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương để khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém...
Tiếp đó, bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện 71 Trung ương (đóng tại xã Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa) để khám và điều trị. Tại đây, bệnh nhi được làm các xét nghiệm cơ bản có chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút.
Ngày 4/9, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch, suy tuần hoàn hô hấp, thở nấc, đồng tử 2 bên 3 mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu... Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhi được phát hiện các chỉ số về bạch cầu, hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu... đều tăng cao.
Xét nghiệm cấy máu phát hiện bệnh nhi có vi khuẩn gây bệnh Brukholderia pseudomallei (bệnh Whitmore).
Theo đánh giá ban đầu, bệnh nhi bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận; có bệnh lý kèm theo là tiểu đường và béo phì. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết.
Do diễn biến bệnh ngày càng nặng, bệnh nhi tử vong trong tình trạng suy đa tạng, phải lọc máu nhiều lần.
Trước đó, vào tháng 11/2022, tại Thanh Hóa cũng đã ghi nhận 2 bệnh nhân mắc Whitmore, trong đó trường hợp ở thị xã Nghi Sơn cũng đã tử vong trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, hoại tử ruột sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Vi khuẩn Whitmore - vi khuẩn “ăn thịt người” khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2- 21 ngày. Whitmore tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore, vì vậy khi có nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore để được điều trị kịp thời.