Bệnh động mạch vành - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới
- Y học 360
- 14:03 - 06/04/2021
Tại Việt Nam, bệnh thường gặp ở lứa tuổi trên 50 và đang có xu hướng gia tăng. Nguy hiểm hơn, nhiều người bệnh trẻ tuổi đã mắc bệnh vì không điều chỉnh và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành và những hiểm họa khôn lường
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) gần đây tiếp nhận điều trị cho anh Phạm Văn T. (28 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội. Sau khi thực hiện điện tâm đồ, các bác sĩ chẩn đoán anh T. bị nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy một nhánh lớn của động mạch vành đã bị tắc. Người bệnh được các bác sĩ tiến hành nong và đặt stent động mạch vành. May mắn người bệnh được chuyển đến bệnh viện kịp thời, kết quả can thiệp tốt.
Anh T. cho biết có thói quen hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, mỗi ngày hút 2 – 3 gói, liên tục hơn 10 năm nay. Các bác sĩ nhận định, đây là trường hợp xảy ra bệnh động mạch vành sớm do hút thuốc lá quá nhiều. Có thể thấy, yếu tố nguy cơ là thói quen hút thuốc lá đã tác động và gây ra bệnh động mạch vành rất sớm ở anh T. Nếu không được can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Theo GS TS BS. Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TP.HCM, khoa học đã xác nhận được nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành và phân loại chúng thành 2 nhóm: yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được và yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được.
Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được là những yếu tố có thể tác động điều trị để làm "triệt tiêu" những yếu tố nguy cơ này. Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động thể lực, chế độ ăn không tốt. Các yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được bao gồm: giới tính, tuổi, yếu tố gia đình có người bị mắc bệnh động mạch vành sớm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm và chứng minh thêm những yếu tố nguy cơ khác của bệnh động mạch vành. Những người có cùng lúc nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành trong cùng một thời điểm sẽ làm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh gia tăng theo quy luật cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.
Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh
GS TS BS. Trương Quang Bình cho biết, nguyên nhân gây bệnh động mạch vành chủ yếu là do xơ vữa động mạch. Đây là quá trình tích tụ các hạt cholesterol trong thành của động mạch, tạo ra các mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này lớn dần theo thời gian gây hẹp hoặc có thể vỡ ra gây tắc động mạch vành.
Triệu chứng thường gặp của bệnh được chia thành 2 dạng biểu hiện: mạn tính và cấp tính. Đối với hội chứng mạch vành mạn tính, tình trạng thiếu máu cục bộ chỉ xảy ra khi người bệnh gắng sức. Nếu mạch vành của người bệnh bị xơ vữa, hẹp nhiều, khi gắng sức sẽ bị đau thắt vùng ngực trái, lan lên hàm, vai trái và cánh tay trái, cơn đau kéo dài vài chục giây đến vài phút. Người bệnh cũng có thể bị nặng ngực, khó thở…
Đối với hội chứng mạch vành cấp tính, mạch vành bị hẹp một cách đột ngột gây nhồi máu cơ tim. Người bệnh sẽ bị đau ngực dữ dội ngay cả khi nghỉ, đau kéo dài 20-30 phút, vã mồ hôi, ngất xỉu...
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Theo GS TS BS. Trương Quang Bình, phương pháp chẩn đoán bệnh động mạch vành thường thông qua triệu chứng đau ngực, kết hợp với xét nghiệm đánh giá chức năng (đo điện tâm đồ lúc nghỉ hay khi gắng sức), hoặc thực hiện các cận lâm sàng đánh giá về mặt hình ảnh học như siêu âm tim lúc gắng sức, chụp CT động mạch vành hoặc chụp động mạch vành chọn lọc có chất cản quang. Các phương pháp này được xem là tiêu chuẩn để xác định người bệnh có bị hẹp động mạch vành, thiếu máu cục bộ hay không.
Sau khi xác định được tình trạng bệnh, bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp gồm nội khoa, can thiệp hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Với điều trị nội khoa, người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc nhằm giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa các biến cố tim mạch, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trường hợp người bệnh bị hội chứng vành cấp hoặc việc điều trị nội khoa vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Tuy nhiên dù là phương pháp nào, người bệnh đều phải điều trị nội khoa lâu dài và chuẩn mực để phòng ngừa bệnh tái phát.
GS TS BS. Trương Quang Bình khuyến cáo, nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu của bệnh động mạch vành có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị, hạn chế các biến chứng và giảm tỉ lệ tử vong do bệnh. Khi có các yếu tố nguy cơ, nên chủ động đến khám chuyên khoa tim mạch để được tầm soát bệnh sớm. Người bệnh động mạch vành nên tuân thủ điều trị, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên tầm soát tim mạch 6 tháng/lần để kiểm soát bệnh tốt, phòng ngừa các biến cố có thể xảy ra.