Bé trai bị rạch dao lam để vẽ bùa chữa viêm não Nhật Bản
- Sức khỏe
- 17:55 - 01/07/2016
Gia đình cho biết trước khi nhập viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã đưa cháu đến một thầy cúng và được vẽ bùa để trị bệnh. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, khoa từng tiếp nhận nhiều ca tương tự. Việc dùng dao lam rạch lên người bệnh nhi có thể gây nhiễm trùng máu nguy hiểm.
Bé trai được vẽ bùa vào lưng để trị bệnh. Ảnh: H.K
Số trẻ nhập viện vì viêm não Nhật Bản đang gia tăng tại một số bệnh viện TP Hồ Chí Minh. Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận từ 7 đến 10 trẻ mắc bệnh này. Có đến 60% trẻ phải thở máy do có các biến chứng suy hô hấp, sốc. Đa số trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm ngừa văcxin hoặc chưa tiêm đủ mũi.
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cũng đang điều trị cho 3 trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh thường để lại các di chứng về vận động, ngôn ngữ, có thể phải sống đời sống thực vật. Bệnh do muỗi truyền, diễn tiến rất nhanh, có khi tử vong chỉ trong 24 giờ. Thời gian điều trị mỗi trường hợp thường kéo dài rất lâu, có khi đến vài tháng.
Tại Hà Nội, số ca mắc viêm não Nhật Bản cũng đang gia tăng nhanh trong những tuần qua. Tháng 7 được coi là đỉnh dịch viêm não Nhật Bản với nhiều ca nhập viện trên khắp cả nước. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc li bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn. Cha mẹ lưu ý không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, tuy nhiên trẻ phải được tiêm đủ liều. Nếu chỉ tiêm một mũi văcxin thì không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Đỉnh cao dịch bệnh là tháng 6 và tháng 7. Từ tháng 10 trở đi, mật độ muỗi giảm xuống và dịch kết thúc. Ngành y tế khuyến cáo cha mẹ tuân thủ lịch tiêm chủng như sau:
Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Mũi một: Lúc trẻ đủ một tuổi.
- Mũi 2: Sau mũi một từ một đến 2 tuần.
- Mũi 3: Sau mũi 2 một năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm văcxin thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Khoảng cách các mũi cũng tương tự như trên.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Những điều cần biết để bảo vệ sức khỏe khi tập luyện ngoài trời
Tập thể dục mùa hè nhưng cũng đừng quên bảo vệ mình khỏi nắng nóng nhé. Uống đủ nước, chọn thời điểm mát mẻ, mặc đồ thoáng mát, bôi kem chống nắng, lắng nghe cơ thể và điều...
3 tháng trước
Tin nên đọc