THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:15

Bé trai 22 tháng tuổi hầu chậm nói, mẹ đưa đi khám, không ngờ con bị dính thắng lưỡi

Trong quá trình lớn lên của mọi đứa trẻ, bố mẹ nào cũng hạnh phúc mỗi khi con đạt được một bước phát triển nào đó. Khi con biết lẫy, lúc con biết bò, con bước những bước đi đầu tiên hay là thời điểm con cất tiếng gọi "mama" đầu đời... ấy là mỗi cột mốc đánh dấu một bước trưởng thành của con.

Trái lại, khi con chưa đạt được những bước phát triển nhất định theo đúng độ tuổi, cha mẹ là lo lắng không yên, buộc phải đưa con đi thăm khám.

Lần đầu làm mẹ, chị Nguyễn Phương Lam (24 tuổi, hiện đang sinh sống ở Bến Tre) cũng đối mặt không ít bỡ ngỡ. Trong khi các bạn cùng tuổi đã bi bô nói đủ điều thì con trai chị, bé Hoàng Bách, hiện đã được 22 tháng tuổi nhưng hầu như chưa nói được gì ngoài từ "mum mum", mà lâu lâu con mới nói một lần. Lo lắng, hai vợ chồng chị đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) để thăm khám, không ngờ bé bị dính thắng lưỡi, cần phẫu thuật.

Bé trai 22 tháng tuổi hầu như chưa nói được gì, mẹ đưa đi khám, không ngờ con bị dính thắng lưỡi phải phẫu thuật - Ảnh 1.

Bé Hoàng Bách khi còn nhỏ với phần dưới lưỡi chẻ đôi.

Trước đó, chị Phương Lam đã từng nghe đến tật dính thắng lưỡi ở trẻ nhỏ nhưng chị không hề nghi ngờ gì con có dị tật này. Lý do là bởi bé Hoàng Bách không muốn ai đụng vào miệng mình, dù là lúc ngủ hay lúc thức. "Thực ra nhìn mắt thường cũng khó phát hiện lắm. Khi đi khám về, mình mới xem lại những bức ảnh hồi nhỏ của con thì thấy khi thè lưỡi ra, nhìn thấy dưới lưỡi con như bị chẻ làm đôi", bà mẹ trẻ cho biết.

Kể lại hành trình đưa con đi khám, chị Phương Lam nói: "Mình chỉ nghĩ con cần khám tâm lý thôi, vì chậm nói mà. Nhưng khi vào viện làm thủ tục khám, lúc kê khai lý do là 'bé 22 tuổi chưa biết nói' thì đã được phân vào khám ở khu tai mũi họng. Hai vợ chồng mình cứ thắc mắc muốn khám tâm lí mà sao lại phân sang khu khám tai mũi họng là sao? Sau đó khi vào phòng, vừa khám là bác bảo ngay bé bị dính thắng lưỡi phải cắt".

Tiếp đó, bác sĩ hướng dẫn làm thủ tục xét nghiệm máu, hội chẩn và kiểm tra xem có đáp ứng gây mê không để chuẩn bị nhập viện làm phẫu thuật cắt thắng lưỡi.

Cắt thắng lưỡi không phải cuộc đại phẫu, nhưng vì bé Hoàng Bách còn khá nhỏ tuổi nên vợ chồng chị Phương Lam hết sức lo lắng. Trước khi phẫu thuật (ca mổ diễn ra vào 7h sáng), bác sĩ có dặn phải cho bé nhịn ăn từ 2h sáng hôm trước. Thức dậy sớm lại nhịn đói nên hôm đó, Hoàng Bách hơi quậy một chút, vừa nhìn thấy bác sĩ là khóc như mưa.

Bé trai 22 tháng tuổi hầu như chưa nói được gì, mẹ đưa đi khám, không ngờ con bị dính thắng lưỡi phải phẫu thuật - Ảnh 2.

Cuộc phẫu thuật cắt thắng lưỡi diễn ra nhanh chóng.

Hành trình phẫu thuật dính thắng lưỡi của cậu bé 22 tháng tuổi ở Bệnh viện Nhi đồng 2 diễn ra như sau:

"8h20 bé vô phòng thay đồ để thay quần áo trước khi vô phòng gây mê.

8h40 ba bé từ phòng thay đồ giao bé cho bác sĩ bế qua phòng gây mê, lúc giao cho bác sĩ, bé khóc mếu máo luôn.

9h thì y tá gọi vào phòng hậu phẫu nhận con. Lúc y tá bế con ra, bé thấy mẹ khóc quá chừng, vừa khóc vừa lè lưỡi ra nhìn vừa tội vừa mắc cười. Nghe nói gây mê nhưng khi ra khỏi phòng mổ, bé khá tỉnh táo.

15 phút sau bé được cho uống nước. 15 phút tiếp theo nếu không ói, con sẽ được cho uống sữa. Do đói nên con mình uống 1 lèo hết 210ml sữa luôn".

Bé trai 22 tháng tuổi hầu như chưa nói được gì, mẹ đưa đi khám, không ngờ con bị dính thắng lưỡi phải phẫu thuật - Ảnh 4.

Bé Hoàng Bách cũng ăn uống được luôn sau ca mổ.

14h chiều, chị Phương Lam làm thủ tục xuất viện cho con. Về nhà, con còn hơi mệt do đi lại nhiều chứ bé không quấy khóc gì cả, dưới lưỡi có lằn hơi đỏ. Qua ngày hôm sau, bé đã ăn cháo, ăn hủ tiếu lại được bình thường.

Sau 3 ngày phẫu thuật cắt thắng lưỡi cho con, hiện tại chị Phương Lam vẫn chưa dám cho bé ăn bánh cứng và đồ rắn, còn lại bé đã ăn uống được cơ bản như bình thường. Trước khi cắt, bé nói được "mum mum" và ê a không có nghĩa. Sau khi cắt thấy bé phát âm nhiều hơn nhưng chưa rõ nghĩa. Vì mới cắt được 3 ngày nên bà mẹ trẻ vẫn tiếp tục theo dõi thêm các biểu hiện ở con.

Tổng chi phí thuốc và phẫu thuật cắt thắng lưỡi của bé Hoàng Bách hết 900 nghìn đồng. Trước đó, chị Lam cho biết chi phí 2 lần khám, hội chẩn, xét nghiệm máu hết khoảng 400 nghìn đồng nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm đưa con đi cắt thắng lưỡi, bà mẹ Bến Tre gửi lời nhắn nhủ tới các mẹ rằng: "Mẹ nào nghi ngờ hay có con cần đi cắt thắng lưỡi thì không nên quá lo lắng nha. Bé nào chậm nói quá thì mọi người tranh thủ đi khám sớm, phẫu thuật sớm để sau này bé sẽ không bị nói ngọng, phát âm chuẩn hơn".

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, dính phanh lưỡi (còn gọi là dính lưỡi) là dị tật bẩm sinh nhẹ, trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng, khiến chuyển động của lưỡi bị hạn chế.

Dính phanh lưỡi ở trẻ nhỏ.

Triệu chứng của dính thắng lưỡi bao gồm:

- Khó bú ở trẻ sơ sinh.

- Khó nuốt ở trẻ ăn dặm.

- Chậm nói.

- Khó phát âm.

- Nói ngọng: Chủ yếu trẻ phát âm sai các phụ âm: r, s, z.

Tùy từng cấp độ mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp nào, nếu nhẹ, trẻ có thể được phẫu thuật bằng phương pháp mổ laser không gây chảy máu, không đau sau mổ.


Bình Nguyên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh