Bé gái 8 tháng tuổi nuốt phải mảnh thủy tinh vỡ nhập viện trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm
- Bác sĩ
- 16:44 - 04/03/2020
Đó là trường hợp bệnh nhi N.B.L. (8 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Phước) vừa được tiếp nhận, can thiệp tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, ngày 2/3 trước khi phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu, cháu bé đang chơi ở nhà. Cháu vô tình nhặt được mảnh vỡ của vỏ lọ thuốc làm bằng thủy tinh rồi cho vào miệng. Dị vật nằm sát và nghẹt ngay gần ngã ba hầu họng, người nhà cố móc ra nhưng không thành, có chảy máu khi móc họng, ba mẹ hoảng loạn kịp thời đưa đến Bệnh viện, cháu được BS CK2 Trần Thiện Nhơn, khoa Tai Mũi Họng khẩn trương chụp XQ kiểm tra vị trí mắc dị vật rồi nhanh chóng nội soi gắp ra nhẹ nhàng mãnh vỡ, trễ tí nữa là suýt nguy hiểm tính mạng.
BS CK2 Bạch Thiên Phương cho biết, nếu không kịp thời lấy mảnh thủy tinh ra, miểng chai sẽ càng chui xuống sâu thì không thể lấy dị vật bằng thủ thuật nội soi mà phải mổ hở. Ngoài ra, đầu nhọn của miểng có thể mắc cạn và đâm thủng mạch máu gây xuất huyết nội, thủng đường tiêu hóa và nhiễm trùng rất nguy hiểm. Hiện cháu bé đã ổn định sức khỏe, tập ăn lại đường miệng và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BS CK2 Bạch Thiên Phương qua trường hợp trên, để giảm thiểu tối đa nguy cơ trẻ dưới 3 tuổi bị nuốt, hóc dị vật gây nghẹt đường thở, đường ăn khi chơi đồ chơi cha mẹ nên kiểm tra thật kĩ mọi thứ trước khi đưa cho bé. Không được rời mắt khỏi bé. Nhiều cha mẹ tranh thủ thời gian bé ngủ để đi ra ngoài. Tuy nhiên, chỉ 1 phút lơ là thôi cũng có thể xảy ra biết bao nhiêu điều rủi ro. Thay vì ngồi canh chừng con 24/24 cha mẹ hãy lắp thêm màn hình theo dõi với hình ảnh và âm thanh tốt để có thể theo dõi bé, trong khi vẫn có thêm chút thời gian cho bản thân.
Trẻ em thường rất nghịch ngợm, thích khám phá sẽ đưa bất cứ thứ gì chúng nhặt được vào mồm, kể cả là những vật sắc nhọn bởi trẻ chưa ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân. Cha mẹ hãy lưu ý để đồ đạc, hóa chất nguy hiểm ra khỏi tầm với của bé, để nhà luôn là nơi thân thiện, an toàn với trẻ.
Để kịp thời ứng phó với những tình huống khẩn cấp cần sơ cấp cứu tại chỗ mỗi phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về cấp cứu; lưu sẵn số điện thoại để dự phòng cho những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp cần có cách xử trí hợp lý. Người sơ cứu cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.