Bé gái 2,5 tuổi bị chó nhà tấn công, bố mẹ đừng chủ quan "chó nhà lành, không cắn ai bao giờ"
- Bác sĩ
- 20:10 - 07/05/2020
Mới đây, chị Nguyễn Linh sống ở TP. Bắc Ninh đã chia sẻ câu chuyện con gái của mình (bé Kem, 30 tháng tuổi) bị chó nhà cắn để cảnh báo cho những gia đình có con nhỏ và đang nuôi chó hết sức cảnh giác.
Bài đăng của chị Nguyễn Linh đã lập tức nhận được đông đảo sự quan tâm của cư dân mạng, đặc biệt là những người làm cha làm mẹ với hàng ngàn lượt chia sẻ. Sự việc một lần nữa là lời nhắc nhở cho các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng trong việc trông nom con cái. Vì chỉ một phút sao nhãng là có thể xảy ra những tình huống không kịp trở tay.
Nguyên văn chia sẻ của chị Nguyễn Linh:
"Nhà mình nuôi con chó cũng hơn 3 năm rồi, chó rất lành và chẳng cắn ai bao giờ nên mọi người cũng vô tư không hề để tâm đến. Con nhà mình thì đặc biệt thích động vật nhưng chó nhà khá to nên chẳng bao giờ cho chơi cùng. Hôm đó, mẹ đang lau nhà còn con thì đạp xe ở sân, mình vẫn vừa làm vừa để ý con. Nhưng khi lau xong mình đi cất chổi lau nhà thì xảy ra vụ việc.
Chứng kiến cảnh con bị chó nhảy vồ lên người rồi ngã xuống và bị chó cào, cắn thì mẹ cũng chẳng kịp nhìn làm gì, chỉ biết gào lên đuổi con chó ra khỏi người con rồi gọi chồng xuống đưa con sang viện khẩn cấp. Nhìn con khóc, máu chảy ướt áo, những vết xước đầy một bên mặt mẹ cố kìm nước mắt và luôn miệng nói xin lỗi con vì mẹ đã không để ý con cẩn thận.
Đi ra viện tư để thì họ không nhận mà chỉ sang Trung tâm Y tế của tỉnh, sang đó thì lại hết thuốc, vợ chồng lại lóc cóc đưa con sang viện Nhi. Bác sĩ cấp cứu khẩn cấp chẩn đoán con phải mổ và không được ăn uống gì, nghe bác sĩ nói xong mẹ oà khóc to hơn cả con vì thương con. Lát sau mẹ lại đưa con lên tầng 3 để khám thì bác sĩ nói vết thương không sâu có thể khâu trực tiếp.
Bố phải đi làm thủ tục nhập viện, một mình mẹ giữ con không nổi, phải nhờ sự hỗ trợ của 3 bác sĩ nữa mới khâu được cho con. Nhìn con nằm kêu gào mà mẹ chẳng làm gì được, mẹ xót con nên khóc to hơn con và cứ xin bác sĩ nhẹ tay.
Về phòng ngồi chưa đầy 5 phút bác sĩ lại sang gọi lấy máu. Mẹ xót vì con đã mất máu quá nhiều rồi lại phải lấy thêm 2 ống máu nữa, tiêm một lúc 2 mũi tiêm, con lại vừa khóc vừa kêu đau.
Ngày hôm đó con chẳng ăn uống được gì nhiều, ông bà nội ngoại vào thăm, ai vào con cũng khóc, bám mọi người không cho về, mọi người phải trốn mới về được còn con thì mệt lại ngủ thiếp đi, giấc ngủ cứ chập chờn giật mình làm mẹ lo lắng vô cùng.
Nhưng sau giấc ngủ khi con tỉnh dậy là con đi khắp hành lang tập thể dục chơi đùa cùng mẹ, ăn hết 1 hộp cháo bố mang ra. Cả nhà bàn nhau và quyết định cho em đi tiêm phòng dại mặc dù mẹ biết nó rất hại về sức khoẻ của con. Nhưng bác sĩ dặn vì vùng mặt rất nguy hiểm nên cả nhà đành phải để con đi tiêm. Đi tiêm 1 mũi xong là con nghịch như chưa hề có chuyện gì xảy ra, nửa tiếng sau lại tiêm thêm 1 mũi kháng sinh nữa. Đêm hôm đó con ngủ ngoan nên mẹ cũng đỡ lo.
Ngày thứ hai, sáng sớm bác sĩ lại tiêm cho con 1 mũi kháng sinh và tiêm thêm mũi huyết thanh, 1 ống phải tiêm 4 lần, mỗi lần cách nhau 30 phút để thử phản ứng thuốc. Con sợ nên cứ khóc, không dám bước vào phòng tiêm. Bố thì thương con mà cũng sợ không dám bước chân vào nhìn lúc con bị tiêm.
Trộm vía là con không bị chó cắn vào mắt nhưng lại để lại khác nhiều sẹo trên mặt. Con được ra viện nhưng bác sĩ hẹn phải tiêm thêm 4 mũi nhắc lại trong vòng 1 tháng.
Được biết hiện tại bé Kem đã được xuất viện, sức khoẻ ổn định. Tuy nhiên, vết sẹo trên má Kem rất sâu và khó có thể lành lại như trước.
Thực tế đã có rất nhiều vụ trẻ nhỏ bị chó cắn gây ảnh hưởng sức khoẻ thậm chí tử vong như trường hợp của cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên hồi tháng 5/2019. Vì vậy, để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra, bác sĩ khuyến cáo bố mẹ:
- Không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với chó lạ, đối với chó nhà đặc biệt là chó đẻ cần phải nhốt trong chuồng, khi thả phải rọ mõm.
- Khi bị chó cắn, đối với vết thương nhỏ, cần phải rửa sạch bằng xà phòng để tránh vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, nếu chó chưa được tiêm phòng dại, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng.
- Trường hợp vết thương chó cắn chảy nhiều máu, phải dùng băng gạc vô khuẩn ép và băng chặt để máu ngừng chảy. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.