CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:18

Bê bối giáo dục chấn động Nhật Bản: Đại học Y khoa Tokyo thừa nhận sửa điểm thi

 

Ông Tetsuo Yukioka (trái), Hiệu trưởng đại học Y khoa Tokyo và Keisuke Miyazawa, Chủ tịch hội đồng quản trị trong cuộc họp báo về bê bối thi cử của trường thời gian qua.

 

Hôm 8/8, đại học Y khoa Tokyo chính thức thừa nhận có hành vi trừ điểm thi của tất cả các ứng viên nữ để giữ tỷ lệ thí sinh nữ vào trường không quá 30%. Vụ việc được coi là bê bối làm rung chuyển ngành giáo dục danh tiếng của Nhật Bản, giữa thời điểm hai cựu lãnh đạo ngôi trường này vừa bị bắt vì tội hối lộ.

Nguồn tin từ đại học Y khoa Tokyo cho biết, hành vi trừ điểm thi đã được thực hiện vào khoảng năm 2010 với lý do được ban lãnh đạo trường thừa nhận là muốn tránh tình trạng thiếu bác sĩ ở những bệnh viện có liên kết đầu ra với trường.

Ngôi trường này cho rằng bác sĩ nữ thường có xu hướng từ chức hoặc nghỉ việc sau khi kết hôn hoặc sinh con, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành y tế, theo các nguồn tin của Japan Times.

"Chúng tôi đã phản bội niềm tin xã hội. Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành về vụ việc", ông Tetsuo Yukioka, giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo, cúi gập người nhận lỗi giữa buổi họp báo ngày 7/8.

"Xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Bất kỳ tổ chức nào không đẩy mạnh vai trò của phụ nữ đều sẽ trở nên yếu kém", ông thừa nhận.

Quá trình tuyển sinh của đại học Y khoa Tokyo bao gồm hai giai đoạn. Đầu tiên người nộp đơn tham gia kỳ thi trắc nghiệm và sau đó tiến vào vòng hai bằng phần thi viết luận và phỏng vấn. Ban lãnh đạo trường đã cố tình trừ điểm của các ứng viên nữ sau vòng thi đầu tiên để giảm số lượng thí sinh nữ bước vào vòng hai.

Trong số 1.596 ứng viên nam và 1.018 ứng viên nữ nộp đơn vào đại học Y khoa Tokyo trong năm học 2018 vừa qua, có 19% ứng viên nam (303 người), đã vượt qua vòng thi đầu, so với chỉ có 14,5% (148 người) ứng viên nữ.

Ở vòng cuối cùng, có 141 ứng viên nam và 30 ứng viên nữ được chọn, với tỷ lệ tương ứng là 8,8% và 2,9%.

Một nhóm các bác sĩ nữ trước đây từng phản ánh về hành vi phân biệt đối xử trong ngành giáo dục y tế giờ đây cảm thấy rất vui mừng khi vụ việc được đưa ra ánh sáng.

Trước đó hồi tháng 7, hai cựu lãnh đạo của đại học Y khoa Tokyo cũng dính vào bê bối nhận hối lộ và sửa điểm thi, khiến cho một một quan chức giáo dục nước này bị bắt giữ hồi tháng 7 vừa qua.

Theo đó, các công tố viên Tokyo tin rằng Masahiko Usui, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị đại học Y khoa Tokyo và cựu Hiệu trưởng Mamoru Suzuki có thể đã cho con trai của Futoshi Sano, cựu quan chức văn phòng chính sách khoa học thuộc Bộ Giáo dục nhập học trái quy định, để đổi lấy việc được ưu đãi trong chương trình hỗ trợ của chính phủ.

 

ĐH Y Tokyo dính bê bối thay đổi kết quả thi trong nhiều năm. Ảnh: AP.


Ngôi trường này đã nhận được 35 triệu yen (317,000 USD) tiền hỗ trợ của Chính phủ trong nghiên cứu khoa học. Với tư cách là nhân vật chịu trách nhiệm về các vấn đề nhân sự và ngân sách của bộ Giáo dục Nhật Bản, Sano được cho là ưu tiên khoản hỗ trợ này cho Đại học Y khoa Tokyo trong danh sách nhiều ngôi trường khác.

Mặc dù không có tiền hối lộ là vật chứng cụ thể liên quan đến vụ việc, các công tố viên cho rằng việc nhập học theo hình thức đánh đổi trên của con trai ông Sano chính thức cấu thành tội hối lộ.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, vụ việc có thể "làm rung chuyển niềm tin công chúng" đối với bộ máy giáo dục, nếu cáo buộc trên là đúng sự thật.

Masahiko Usui trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị đại học Y khoa Tokyo vào năm 2013. Trong thời gian ở vị trí này, ông từng bị cáo buộc nhận tiền mặt và quà tặng từ các nhân viên y tế để giúp họ có bằng tiến sĩ.

Hiện cả ông Futoshi Sano, Mamoru Suzuki và Masahiko Usui đều đã bị truy tố vì hành vi của mình. Đại học Y Tokyo thì cho biết sẽ tiếp tục hợp tác để làm việc với cơ quan điều tra.

HOA HẠ (t/h)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh