THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:25

Bé 3 tuổi bị kẹt tay, cha mẹ cưa luôn chân giường mang con đi cấp cứu

ThS BS CK2 Huỳnh Cao Nhân, Trưởng Khoa Ngoại Niệu bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM  cho biết: Bệnh viện vừa can thiệp thành công sự cố hy hữu cho bé gái P.H.M.N 3 tuổi (trú tại Tân Nhựt, Bình Chánh, TP.HCM). Theo người nhà của bé kể lại, ngồi chơi trên giường, bé nghịch đút cái tay vào chân giường bằng sắt chẳng may bị kẹt tay trong ống sắt không rút ra được. Hoảng loạn bé đã la khóc dữ dội.

Ngay sau đó, người nhà nhanh trí cắt luôn chân giường đem bé vô bệnh viện lên phòng mổ gây mê bôi trơn và dùng thủ thuật rút tay bé nhẹ nhàng ra. BS Nhân chia sẻ.

Bé 3 tuổi vô tình biến thành "người sắt", cha mẹ cưa luôn chân giường mang con đi cấp cứu - Ảnh 1.

Người nhà cắt luôn chân giường đem bé vô bệnh viện

Qua việc này, bác sĩ Huỳnh Cao Nhân khuyến cáo: Thường cha mẹ sẽ chỉ nhận ra ‘sự cố’ khi nghe bé khóc thét lên. Trước khi đưa con đi khám bác sĩ, bạn có thể thực hiện một số động tác sơ cứu đơn giản mà hiệu quả.

Thứ nhất:  Nâng cao vùng bị tổn thương để giảm đau và phù nề

Đây là việc quan trọng nhất cần làm trong vòng 48 giờ đầu. Ngay sau khi phát hiện bé bị dập kẹt ngón- bàn - cánh tay/chân, hãy đặt bé ngồi ở tư thế thuận tiện, trên ghế hay ngồi lòng mẹ. Dùng chăn hoặc gối kê cao bàn tay hoặc bàn chân bị thương của bé. Những giờ sau đó, thường xuyên cho bé ngồi hoặc nằm ở tư thế bàn tay/bàn chân bị thương cao hơn tầm trái tim.

Bé 3 tuổi vô tình biến thành "người sắt", cha mẹ cưa luôn chân giường mang con đi cấp cứu - Ảnh 2.

Bác sĩ tiến hành gây mê bôi trơn và dùng thủ thuật rút tay bé nhẹ nhàng ra

Thứ hai: Chườm đá

Dùng túi nylon đựng đá lạnh (hoặc một túi rau quả đông lạnh sạch có sẵn trong ngăn đá) chườm lên vùng tổn thương. Bọc túi đá lạnh trong một chiếc khăn bông mỏng. Giữ túi chườm trên vùng tổn thương trong vòng 20 phút. Thực hiện điều này đều đặn mỗi 1-2 giờ trong vòng 24 giờ đầu, sau đó làm 3-4 lần trong ngày thứ 2.

Nếu không có túi chườm, có thể dùng bát nước đá thay thế. Đổ nước vào một bát to, thêm vào đó một ít đá lạnh rồi nhúng toàn bộ bàn tay/bàn chân bé vào ngâm. Bé có thể cảm thấy khó chịu ở thời điểm hiện tại, nhưng phương pháp này về lâu dài sẽ giúp giảm phù nề và giảm đau rất hiệu quả.

Thứ ba: Giảm đau

Dập kẹt tứ chi khiến trẻ hết sức đau đớn. Đó là do khu vực này tập trung rất nhiều đầu mút dây thần kinh và các cơ quan cảm thụ. Cho bé uống thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen) theo đúng chỉ dẫn. Thuốc không những giúp bé bớt đđau mà còn làm giảm tình trạng viêm.

Nghe nhạc hoặc xem bộ phim hoạt hình yêu thích trên đường chuyển đi cũng giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Với những trẻ đã lớn, việc tập trung ý nghĩ, hít thở sâu và đều cũng giúp cải thiện tình hình.

PHA LÊ (ảnh: BVCC)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh