THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Bày bố mẹ nghệ thuật dạy con biết yêu thương

Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo bao yêu thương và hy vọng của cha mẹ. Nhưng chính vì được nhận những yêu thương chăm sóc vô điều kiện ấy, nên đôi khi có nhiều trẻ coi đó là đương nhiên và không cần đáp trả. Vì vậy, ngay từ nhỏ, việc dạy cho con biết yêu thương quan tâm chia sẻ là việc rất quan trọng và dưới đây là một số gợi ý:

Luôn yêu thương con để tạo tính cách tốt cho con từ tấm bé. Ảnh minh họa

 

1. Lắng nghe trẻ

Bé được ba mẹ yêu thương chăm sóc tỉ mỉ sẽ cảm nhận được sự yêu thương đó và các em cũng ý thức được mình cần thể hiện tình yêu thương đối với những người xung quanh mà trước hết là ba mẹ. Dành sự yêu thương cho con không có nghĩa là bạn nuông chiều con mà cũng cần biết giới hạn để tránh tình trạng trẻ coi việc mình được yêu thương là đương nhiên.

Quan tâm đúng mức tới bé nghĩa là quan tâm tới suy nghĩ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng, sở thích của các em để có cách cư xử cho thích hợp. Với những yêu cầu không phù hợp hoặc những đòi hỏi quá đáng, đừng chiều chuộng mà hãy giải thích rõ để bé biết rằng việc đó không nên và các em cần biết kiềm chế. Cha mẹ là nền tảng đầu tiên để trẻ thấy mình được yêu thương, được chăm sóc. Vì vậy việc lắng nghe con, quan tâm con là rất cần thiết để tạo môi trường thuận lợi cho trẻ học cách yêu thương, quan tâm tới những người xung quanh. Hơn nữa, việc dạy trẻ biết yêu thương cần được giáo dục ngay từ nhỏ để các em có một tiền đề vững chắc sau này.

2. Khơi dậy sự thông cảm

Câu hỏi mà bạn nên thường xuyên hỏi bé là: “Con sẽ cảm thấy thế nào nếu …..?”. Hãy đặt bé vào hoàn cảnh buồn, khó khăn hay cảm xúc vui vẻ của người khác để bé cảm nhận.

3. Dạy bé biểu hiện của tình yêu thương con người

Bạn cần phân tích cho bé hiểu rõ bản chất và cách thức thể hiện của tình yêu thương con người thông qua những hành động cụ thể như: Biết kính trọng người lớn tuổi, biết nhường nhịn cho em nhỏ, biết sẻ chia với bạn bè, biết giúp đỡ người gặp khó khăn, biết quan tâm, hỏi han người khác khi ốm đau, mệt nhọc,…. Và ngay cả việc bé luôn biết nghe lời, chăm ngoan, học giỏi cũng chính là biểu hiện của việc bé biết yêu thương con người, yêu thương bố mẹ rồi.

Bạn đừng cứ suốt ngày nói bé phải yêu thương con người, phải thế này, phải thế khác mà không chỉ ra cho bé những hành động, những biểu hiện cụ thể bé cần phải làm bởi như thế bé sẽ không hiểu mình nên làm gì, làm thế nào mới gọi là yêu thương con người.

4. Phân công công việc nhà cho trẻ

Những việc làm giúp đỡ gia đình trong cuộc sống hằng ngày phù hợp với trẻ như: phụ mẹ quét nhà, dọn dẹp đồ chơi, rửa bát, mua đồ dùng tạp hóa… Tập cho trẻ biết phụ giúp gia đình từ những công việc thường ngày, trẻ nhỏ làm việc nhỏ phù hợp với khả năng và tính cách. Đừng quá nuông chiều bé sẽ khiến chúng ỷ lại vào cha mẹ và những người xung quanh. Bạn nên giao việc cho trẻ một cách khéo léo và hướng dẫn làm từng chút một, có như vậy bé mới cảm thấy đó là một công việc ý nghĩa và hoàn thành thật tốt. Chỉ khi đứng vào vị trí của cha hoặc mẹ làm những công việc như thế, trẻ mới có thể cảm nhận phần nào tình yêu thương qua sự vất vả hằng ngày của bạn mà có thái độ quan tâm đúng mực.

Cho trẻ nuôi thú cưng cũng là một cách dạt trẻ biết yêu thương. Ảnh minh họa

 

5. Khen ngợi

Khen ngợi và ghi nhận khi con thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đối với mọi người xung quanh.

Bạn hãy cho trẻ biết mình vui sướng như thế nào khi thấy con biết an ủi một ai đó, biết chia sẻ đồ chơi với bạn, với anh, em trong nhà.

Hoặc bạn cũng có thể thưởng cho con một buổi chiều đi mua sách mà con yêu thích khi con biết giúp mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.

6. Làm gương cho con

Môi trường gia đình cực kì quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Ngay từ khi các em chưa được đến trường, việc giáo dục hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình và cha mẹ là tấm gương để trẻ học tập. Vì vậy, hãy thể hiện sự yêu thương, quý mến mọi người và giải thích rõ những điều đó để các em biết ý nghĩa của những hành động đó.

Trẻ em bắt chước rất nhanh, vì thế đôi khi chỉ 1 lần bạn lỡ làm chuyện gì đó không tốt nhưng vô tình đã gieo vào đầu các em suy nghĩ, cách nhìn nhận không mấy thiện cảm. Cha mẹ hãy là người đẹp nhất trong mắt các em mọi lúc mọi nơi bằng những hành động nhỏ nhất. Để các em thấu hiểu những hành động này, bạn phải giải thích ra để các cháu rõ. Tùy vào từng độ tuổi khác nhau mà có cách dạy cháu cho thích hợp. Tuy nhiên ở mọi giai đoạn, việc dạy con biết yêu thương luôn là điều cần thiết.

7. Thức dậy sớm vào buổi sáng

Bạn có thể đặt chuông đồng hồ báo thức sớm hơn 20 phút để tránh tình trạng cả mẹ và con đều cuống cuồng lên vào buổi sáng. Bạn sẽ có thời gian chuẩn bị các thứ cho con chu đáo hơn cho ngày mới. Điều này sẽ vô hình tạo cho bé cảm giác về sự quan tâm chu đáo mà mẹ đã dành cho mình, từ đó dần dần hình thành ý thức về điều này cho bé.

8. Dạy con đọc sách

Ngay từ khi còn nhỏ, những lời ru, câu thơ, bài ca dao của mẹ đã đi vào tâm trí trẻ. Các em cảm nhận được tình yêu thương thể hiện trong những tác phẩm này. khi lớn lên chút nữa, bạn hãy phân tích cho con hiểu tình yêu thương được thể hiện trong những tác phẩm báo chí, văn học hay bất cứ một thể loại nào mà bạn đã từng đọc. Điều này rất tốt và kích thích trí lực của các em phát triển.

Hãy nói với bé về những tấm gương, số phận không may mắn nhưng lại nỗ lực, cống hiến cho xã hội, và những gì họ đã làm, kết quả ra sao, họ được xã hội trân trọng, yêu mến, giúp đỡ như thế nào để bé biết cách tự nhủ mình phải cố gắng, nỗ lực, biết yêu thương mọi người hơn.

9. Cho bé nuôi vật cưng

Cho trẻ nuôi một con vật cưng nào đó nếu điều kiện gia đình cho phép. Thông qua một số công việc nhỏ để chăm sóc vật cưng bạn có thể giúp trẻ hiểu được rằng chăm sóc người khác quan trọng như thế nào.

Bạn cũng có thể hỗ trợ con, bày cách cho con để trẻ có thể chăm sóc thú yêu chú đáo đồng thời vẫn sắp xếp tốt công việc và học tập hàng ngày.

10. Bỏ những “mảnh giấy yêu thương” vào túi trẻ

Từ bây giờ, bạn hãy tạo thành thói quen bỏ những mảnh giấy nhỏ vào hộp đựng cơm hay túi áo quần để bé thấy cha mẹ yêu chúng nhiều đến thế nào. Cảm nhận tình yêu thương vô bờ từ cha mẹ sẽ tạo thêm động lực để trẻ tự tin vào bản thân mình hơn.

11. Dạy trẻ cách quản lý tiền bạc

Khi bạn đưa cho bé một số tiền, ví dụ như tiền tiêu vặt chẳng hạn, thì hãy bảo bé chia số tiền đó ra thành 3 phần: 1 phần để dành, 1 phần để tiêu và 1 phần để chia sẻ hoặc đóng góp từ thiện.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh