THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:42

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016: "Chiêu trò" chặng nước rút

 

Với những thông tin liên tục được đưa ra, nhằm công kích lẫn nhau của hai đối thủ, từ nay tới thời điểm quyết định tháng 11, chính trường Mỹ sẽ được chứng kiến những cú chạy nước rút ngoạn mục.

Giữa một thế giới đầy bất an, nhiều quốc gia có xu hướng quay trở lại chủ nghĩa biệt lập. Ông Trump với chủ trương "chăm lo cho ngôi nhà của nước Mỹ rồi mới lo cho thế giới" nổi lên như một người hùng có thể đem lại sự thay đổi thực sự cho xứ cờ hoa. Trong khi đó, bà Clinton lại là hiện thân cho những chính sách mà không ít người chỉ trích là lỗi thời, không còn hiệu quả trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có.

Ở các bang được coi là chiến trường nóng bỏng, có khả năng quyết định kết quả bầu cử, hai ứng cử viên chính thức đại diện cho đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang tìm cách công kích lẫn nhau để thu hút cử tri.

 

Hai ứng cử viên D.Trump và H.Clinton đã chính thức bước vào cuộc đua nước rút tới ghế Tổng thống Mỹ. Ảnh: APHai ứng cử viên D.Trump và H.Clinton đã chính thức bước vào cuộc đua nước rút tới ghế Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.


Hôm 14/9, hai ứng viên tổng thống Mỹ cùng đưa ra các thông tin y tế cá nhân, nhằm chứng minh mình đủ khỏe mạnh để điều hành đất nước. Vấn đề sức khỏe của các ứng cử viên đang bất ngờ trở thành đề tài gây tranh cãi khi có tin cho rằng, bà Clinton mắc bệnh nghiêm trọng sau khi dự các sự kiện tưởng niệm vụ khủng bố 11/9, tại New York. Trước đó, cũng đã có những đồn đoán tiêu cực về tình hình sức khỏe của ứng viên đảng Dân chủ và thông tin bà Clinton giấu bệnh (viêm phổi) khiến bà vấp phải nhiều chỉ trích. Được biết, bà Clinton, 68 tuổi, và đối thủ Trump, 70 tuổi, đều nằm trong nhóm những ứng viên già nhất từng tranh cử tổng thống Mỹ.

Nhằm trấn an dư luận, ban điều hành chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã công bố hồ sơ y tế của ứng viên đảng Dân chủ, trong đó có thông tin bác sĩ riêng của bà khẳng định, cựu ngoại trưởng Mỹ “đang ở trạng thái tinh thần tuyệt vời”.

Bác sĩ riêng Lisa Bardack của bà Clinton khẳng định, bà đang hồi phục sau chứng viêm phổi và hoàn toàn mạnh khỏe sau khi được kê thuốc kháng sinh và nghỉ ngơi. Thậm chí, các chỉ số sức khỏe của bà như huyết áp 100/70 và mức cholesterol 189 đều nằm trong mức cho phép, cũng được công khai. Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng đã thông báo trở lại tranh cử. Bà Clinton đã phải tạm dừng chiến dịch tranh cử sau khi bị choáng vì nắng nóng tại lễ tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố sáng 11-9 vừa qua ở New York.

Trong khi đó, ứng viên bên đảng Cộng hòa Trump, trong phỏng vấn hôm 14/9, cũng “khoe” hai kết quả kiểm tra sức khỏe thực hiện hồi tuần trước. “Quý vị nghĩ bà Clinton có thể đứng trong một tiếng và làm điều này ư? Tôi không nghĩ vậy đâu”, ông Trump không quên tranh thủ công kích đối thủ. Ông khẳng định, ông gầy đi một chút trong quá trình tranh cử nhưng hoàn toàn khỏe mạnh. Được biết, tỷ phú Mỹ nặng hơn 120kg và được xếp vào hạng thừa cân.

Các thăm dò dư luận nhiều tuần qua đều cho thấy, bà Clinton thường xuyên dẫn trước ông Trump. Theo AP, bà Clinton chỉ còn thiếu một phiếu là đạt được 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống. Điều này có nghĩa là, cho dù có chẳng may thất bại ở hai tiểu bang quan trọng nhất là Ohio và Florida thì bà Clinton vẫn trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Mặc dù vậy, bà Clinton nhấn mạnh sẽ không chủ quan và không đánh giá thấp đối thủ.

Sự thận trọng của bà Clinton là có cơ sở. Dù kết quả thăm dò trên phạm vi toàn quốc cho thấy bà đang dẫn trước ông Trump, nhưng một số điều tra chỉ ra khoảng cách này đang được thu hẹp đáng kể. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực cải tổ bộ máy tranh cử và lấy lòng cử tri, tỷ lệ ủng hộ ông Trump bất ngờ được cải thiện. Ngày 14/9, kết quả các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ông Trump đã vượt lên dẫn điểm bà Clinton tại bang Nevada và bang Ohio.

Kết quả thăm dò của Bloomberg Politics cho biết, tỷ phú Trump đang dẫn trước bà Clinton 5% số phiếu tại tiểu bang Ohio. Đây là thông tin đáng lo ngại cho ê-kíp vận động tranh cử của bà Clinton bởi Ohio là tiểu bang có ý nghĩa chiến lược trên bản đồ bầu cử Mỹ và trong lịch sử từng chứng kiến 10 ứng cử viên tổng thống trở thành chủ nhân Nhà Trắng sau khi giành chiến thắng ở tiểu bang miền Bắc này.

Trong khi đó, tại tiểu bang miền Tây Nevada, kết quả thăm dò của Monmouth University cho thấy, ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump cũng dẫn trước bà Clin-tơn 2% số phiếu ủng hộ (44% so với 42%). Trong cuộc thăm dò tương tự hồi tháng 7 tại Nevada, bà Clinton vẫn còn dẫn trước đối thủ Trump với tỷ lệ 45-41% số phiếu ủng hộ.

Trước đó, kết quả thăm dò đầu tuần này của trang mạng UtahPolicy.com cũng cho thấy, ứng cử viên Trump đang có những cú “tăng tốc ấn tượng” và dẫn trước bà Clinton tại tiểu bang miền Tây Utah tới 15% số phiếu bầu, khoảng cách dẫn điểm lớn nhất ông Trump có được tại một tiểu bang.

Như vậy, sau nhiều tuần cán cân chênh lệch về phía bà Clinton, cuộc đua Tổng thống Mỹ gần như trở lại thế cân bằng vào giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, đội ngũ tranh cử của ông Trump thừa nhận rằng, tỷ phú này cần nỗ lực hơn nữa mới vượt qua được sự nghi ngại của cử tri đối với ông.

Còn gần 2 tháng nữa mới đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), cử tri một số bang hoàn toàn có thể đi bầu tổng thống trong tháng 9 này, thậm chí trước khi hai ứng viên bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Có đến hơn 2/3 trong số 50 bang của Mỹ cho phép cử tri đi bỏ phiếu trước ngày 8-11.

Theo kế hoạch, cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 26/9, tại Trường Đại học Hofstra ở New York, cuộc tranh luận thứ hai được tổ chức vào ngày 9/10, tại St.Louis, bang Missouri và cuộc tranh luận cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 19/10, ở thành phố Las Vegas của bang Nevada.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh