CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:43

Bất thường thương lái thu mua mận non với giá cao ở Kỳ Sơn

 

Mận tam hoa từng được trồng tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) với mục tiêu giúp xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao biên giới này.

 

Ông Lầu Nênh Và, bản Mường Lống 2, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) đang thu hái mận của gia đình để bán cho thương lái. Ảnh: Lữ Phú


Tuy nhiên nhiều năm liền mục tiêu này không thể thực hiện được vì mận rớt giá thê thảm, nhiều hộ dân mặc cho quả rụng đỏ gốc vào mùa thu hoạch.

Nhưng năm nay thì khác. Thời gian gần đây, tại xã Mường Lống đang xuất hiện nhiều thương lái ở các tỉnh thành khác tới mua quả mận non theo kiểu tận thu với giá khá cao bất thường. Điều này khiến cho chính quyền và người dân không khỏi suy nghĩ.

 

Chỉ trong vòng 2 ngày các thương lái thu mua trên 2,4 tấn mận non của người dân ở các bản thuộc xã Mường Lống. Ảnh: Lữ Phú


Ông Lầu Nênh Và ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) trồng hơn 60 gốc mận tam hoa gần 20 năm tuổi. Những năm trước, vào vụ mận chín gia đình ông thu về số tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.

Vụ Mận năm 2017 này, dù mận của gia đình ông vẫn chưa vào chính vụ thu hoạch nhưng ông đã thu hái gần như toàn bộ số mận non trong vườn để bán cho các thương lái.

Cho dù mận bán được giá cao, nhưng ông không khỏi băn khoăn không biết người ta mua mận non để làm gì. Ông chia sẻ: "Họ mua với giá 7.000 đồng/kg. Mình chỉ việc trèo lên cây lên dùng que đập cho mận rơi xuống. Họ không chọn, quả xanh, quả non mua hết. Cũng không biết là mua làm chi, họ mua thì ta cứ bán thôi. Nhà nhiều cũng bán được đến 15 triệu đồng đó".

 

Những quả mận vẫn còn rất non, chỉ đạt 1/3 trọng lượng khi mận chín. Tuy nhiên thương lái vẫn thu mua với giá khá cao, gấp 2 lần so với các năm trước. Ảnh: Lữ Phú

Một chiếc xe vào thu mua mận non tại xã Mường Lống. Ảnh: Lữ Phú


Không chỉ riêng gia đình ông Lầu Nênh Và mà tình trạng người dân ồ ạt bán mận non diễn ra hầu hết ở các bản làng trong xã Mường Lống… Theo người dân cho biết đây là lần đầu tiên có thương lái đến thu mua mận non với số lượng lớn và trả giá khá cao như vậy. Các hộ gia đình có từ 80 - 100 gốc mận đã mang về khoản thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng.

"Thương lái đánh xe vô tận nơi mua, không biết là họ mua làm gì, họ mua đắt thì dân ta bán" - ông Xồng Sái Khù, phó bản Mường Lống 1, xã Mường Lống nói.

 

Những cây mận trĩu quả, nay bị người dân hái hết bán non cho dù phải đến tháng 6 mới là thời điểm chính vụ  Ảnh: Lữ Phú

Người dân thu hái và tập kết mận non chờ thương lái đến mua. Ảnh: Lữ Phú


Hiện tại, những quả mận chỉ đạt 1/3 trọng lượng khi chín và thương lái thu mua với giá cao gấp 2 lần so với mận thu hoạch đúng vụ của các năm trước.

Theo lãnh đạo UBND xã Mường Lống, qua kiểm tra cho thấy thương lái  thu mua mận non với số lượng lớn, rồi nhanh chóng chuyển đi trong thời gian rất ngắn, nên chưa thể xác định chính xác đối tượng thu mua, số mận non được chuyển đi đâu và để làm gì.

Ông Và Chá Xà - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống, Kỳ Sơn cho biết: "Chính quyền không biết họ là ai, mua về chế biến hay là tiêu thụ, nhân dân được giá thì bán thôi".

Được biết chỉ trong 2 ngày, 19 và 20/5 thương lái đã thu mua gần 2,5 tấn mận non của người dân Mường Lống. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh