Bật mí về nữ nhà báo bị đe dọa "mua quan tài ngay"
- Tây Y
- 13:48 - 19/04/2016
Nhà báo Hà Sơn: Là một nữ phóng viên điều tra hiếm hoi luôn theo đuổi các đề tài xã hội gai góc. Trong suốt hành trình làm báo, tính đến thời điểm bây giờ, chị đã gặp những khó khăn gì trong quá trình tác nghiệp?
Nhà báo Thu Trang: Thực ra khó khăn nhiều lắm. Nhiều lúc cảm thấy cô độc, cứ động đến bất cứ thứ gì cũng phải suy nghĩ trước, sau, cân đo đong đếm xem có ảnh hưởng đến ai không?... Thậm chí, đôi khi tôi có cảm giác không ai dám gần vì mình gai góc quá. Nhưng sau đấy lại cân bằng lại. Đối với tôi, những khó khăn không đáng kể lắm!
Nhà báo Hà Sơn: Cảm giác bất lực khi cần phải đối diện với những điều khó viết, khó nói, chị thường phải làm gì?
Nhà báo Thu Trang: Ngay chính những nhân vật tôi đang giúp đỡ, họ cũng có cái khó khăn riêng. Nhiều lúc gặp những khó khăn tôi muốn buông, không muốn giúp đỡ tiếp nữa. Nhưng tôi luôn đặt tính báo chí và sự thật lên trên hết. Đôi khi tôi vượt qua tất cả những khó khăn ấy và đi đến cùng với đề tài.
Còn việc đề tài có được lan tỏa hay xử lý tận gốc hay không nhiều khi nằm ngoài mong muốn của mình. Thông thường, trạng thái bất lực cũng xảy ra sau mỗi đề tài điều tra. Chưa có đề tài nào tôi thực sự viên mãn với kết quả của nó. Vẫn còn những góc khuất liên quan đến nhiều nhân vật mình phải chấp nhận. Nhưng tôi nghĩ khi đã cố gắng hết sức trạng thái day dứt sẽ trôi qua rất mau.
Nhà báo Hà Sơn: Chị đã theo dõi và làm rất nhiều những chuyên đề, phóng sự gây được tiếng vang. Vậy câu chuyện nào ám ảnh chị nhất?
Nhà báo Thu Trang: Điều ám ảnh tôi nhất là đề tài điều tra về nạn chạy công chức. Tôi bây giờ vẫn chưa giúp được những cô giáo bị mất việc do họ tham gia vào những đường dây chạy việc, chạy công chức. Họ vẫn bị loại ra vì cuộc đua ấy rất khó để chứng minh được bản chất sự việc, đưa ra trước pháp luật những đối tượng sai phạm trong đường dây đó. Đến giờ phút này, trong email của tôi vẫn còn những lá thư, đơn kêu cứu của nhân vật. Có những cái tôi chưa dám mở ra vì không dám đối diện.
Lúc này đề tài ấy vẫn đang chơi vơi. Tôi ám ảnh đến mức không dám đối diện với những kêu cứu của nhân vật vì biết sự thật được che giấu tinh vi, không ai chịu thừa nhận sai phạm của mình cả. Đó là điều làm tôi buồn, nhiều lúc ứa nước mắt vì khi làm đề tài liên quan đến nhiều người. Có những cô giáo người ta nghi đã giúp tôi tiếp cận với đối tượng xấu và cung cấp thông tin bị dọa giết. Người ta cũng gọi điện cho tôi dọa giết.
Nhưng tôi chưa bao giờ sợ những lời đe dọa đấy. Tôi chỉ lo sợ cho nhân vật, sợ không bảo vệ được họ. Thậm chí, có những nhân vật chưa chắc đã liên quan đến công việc của tôi vì khi làm tôi rất độc lập. Nhân vật là một chuyện nhưng những chứng cứ trực tiếp điều tra toi mới tin.
Trong nghề có nhiều kỷ niệm, có những nhân vật theo mình cho đến tận bây giờ. Như đề tài "Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian''. Thật sự lúc giải cứu cháu bé khỏi tay người bố dượng hành hạ, tôi muốn đưa bé về nuôi. Nhưng bé còn người thân, dù trước đấy họ không thừa nhận bé. Khi mẹ đi tù, có gửi lại bé cho những người bạn nghiện nhưng những người bạn này bị ngáo đá thường xuyên lôi bé ra để hành hạ thân xác.
Khi giải cứu bé xong, tôi thấy xuất hiện người nhà. Tôi muốn nhận con nuôi nhưng bà ngoại của bé không đồng ý. Một thời gian sau, tôi muốn vào thăm mẹ của bé vì muốn nói chuyện nhưng chưa kịp gặp thì mẹ của bé đã mất trong trại giam.
Suốt thời gian ấy, cho đến tận bây giờ, tôi chỉ còn cách thỉnh thoảng lên thăm xem bé sống thế nào. Nhiều lúc thấy mình không có đủ sức mạnh để giúp được bé nữa. Đó cũng là day dứt lớn trong nghề.
Còn nhiều kỷ niệm khác với nghề báo. Ví dụ cho đến tận bây giờ, mỗi khi trái nắng trở trời cánh tay phải của tôi rất yếu, thậm chí đôi lúc không mở được xe ô tô. Sự việc này xuất phát từ câu chuyện một lần tôi đến hiện trường một vụ tai nạn lao động. Tôi được báo vài người đã chết nhưng đều được xử lý nội bộ.
Ngay khi đến hiện trường tôi gặp phải sự phản đối dữ dội của bảo vệ. Họ không cho tiếp cận hiện trường, mặc dù có giấy giới thiệu. Thấy vô lý tôi định chụp một vài hình ảnh xác chết được đưa xuống thì bảo vệ xông ra đánh tôi. Đến giờ, cánh tay phải của tôi vẫn còn di chứng. Không biết mọi người nghĩ gì về nghề báo, nhưng với tôi nó có nhiều dữ dội. Nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề nhưng vẫn chưa bỏ được.
Nhà báo Thu Trang.
Nhà báo Hà Sơn: Các nhà báo theo dõi mảng đề tài xã hội, đề tài điều tra luôn phải đối diện với một thứ ranh giới rất mong manh. Ví dụ như nhà báo Hoàng Khương báo Tuổi trẻ cũng đã bị dính dáng đến pháp luật?
Nhà báo Thu Trang: Cái gì cũng có cái giá của nó. Đúng là làm công việc điều tra rất nguy hiểm và chỉ cần một chút sơ sẩy, không tỉnh táo hoặc hiểu biết pháp luật hời hợt là rất dễ đưa mình vào bẫy. Tôi cũng từng nhiều lần đối diện với những ranh giới ấy. Nhưng làm sao để dừng lại, cái này gọi là mẹo vì các quy định pháp luật cũng chưa chắc đã chặt chẽ để làm rõ mọi thứ.
Ví dụ vụ gần đây tôi đang làm, tuy chưa có kết luận cuối cùng, đó là việc bảo kê cho những lò gạch thổ phỉ ở huyện Sóc Sơn. Gần 2 tháng, tôi thâm nhập vào địa bàn và gần như hóa thân vào nhân vật. Tôi như là người ở trong giới sản xuất gạch lậu, hiểu đường đi nước bước của một lò gạch lậu như thế nào. Tôi đã tiếp cận được với một số thanh tra xây dựng có liên quan. Công việc của họ là kiểm tra và phát hiện. Nhưng khi phát hiện, họ không làm đúng chức năng, nhiệm vụ mà lại bắt tay với những người làm lò gạch lậu.
Chính phủ đã có lệnh cấm và các nghị định cũng quy định, không cho phép xây dựng những lò gạch thủ công để bảo vệ môi trường. Thậm chí nghiêm cấm việc xây lò gạch trên đất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế Sóc Sơn đang tồn tại như vậy, nhiều địa phương khác cũng thế. Không phải vô tình, nhưng ai điều tra?...
Có thể thấy rằng đứng sau một nhà báo điều tra, bắt buộc phải có một đội ngũ tin tưởng và giúp đỡ một cách trong sáng. Chỉ cần một người không trong sáng, tiết lộ thông tin ra bên ngoài đề tài sẽ hỏng ngay lập tức. Tôi muốn nhấn mạnh rằng để làm được những đề tài gai góc và ít nhiều có tiếng vang trong xã hội, phải có tòa soạn thực sự tử tế ở phía sau. Tôi được tin tưởng và cũng tin tưởng tuyệt đối vào tòa soạn của mình.
Nhà báo Hà Sơn: Thưa chị, thực tế hiện nay những phóng viên theo dõi mảng điều tra ngày càng ít đi, có thể vì nguy hiểm, vì độ khó và vì độ dấn thân nhiều hơn. Đó là điều tất yếu nhưng cũng có những ý kiến cho rằng do một số tờ báo hiện nay chạy theo bề nổi quá nhiều?
Nhà báo Thu Trang: Hiện nay có nhiều tờ báo chủ yếu sử dụng cộng tác viên. Những người đó không được quản lý một cách chặt chẽ nên nhiều khi họ làm bậy. Thực sự những nhà báo như thế làm ảnh hưởng đến những nhà báo đam mê nghề nghiệp, làm việc một cách chân chính.
Theo tôi, cơ chế thị trường ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề bạn đề cập. Khi bị phản ánh một vấn đề gì đấy, dù không ghê gớm nhưng người bị phản ánh cứ tiếp xúc với lãnh đạo tờ báo đó trước. Điều đó làm cho các nhà báo bị nản, buông và không muốn làm. Làm để làm gì khi bị người khác đứng ra dẹp đi? Đó cũng là nguyên nhân ngày càng hiếm các nhà báo dấn thân về nghề một cách thực sự.
Tôi cũng nhận được nhiều lời mời chào, thậm chí khi đối tượng chỉ cần biết là nhà báo đã tìm mọi cách môi giới để gặp và đưa ra những lời hứa về các mối quan hệ. Những quyền lợi đó rất lớn, một nhà báo chân chính không bao giờ có thể chạm vào.
Có những lần, tôi tạm cho đó là cạm bẫy, khi mình thực hiện một đề tài điều tra, đối tượng và những người liên quan xách đến một túi tiền toàn 500 nghìn đồng đến gặp tôi. Lúc ấy có tham không? Con người bản chất, ai cũng có tham sân si. Vượt qua được không lại là chuyện cá nhân của mỗi con người.
Nhà báo Hà Sơn: Theo chị, những nhà báo trẻ muốn theo dõi mảng phóng sự điều tra xã hội cần những gì ngoài sự đam mê?
Nhà báo Thu Trang: Theo tôi, những người làm điều tra phải có bản lĩnh khủng khiếp. Bản lĩnh và sự tỉnh táo, ngoài niềm đam mê. Niềm đam mê là tác nhân để các nhà báo cứng cáp, mạnh mẽ nhưng điều quan trọng là luôn luôn phải giắt lưng những kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước, kiến thức về pháp luật và đặc biệt phải tỉnh táo để tránh xa cám dỗ.
Cái căn cốt của người làm điều tra vẫn là tính cách, tình người. Có nhiều đề tài đi đến cùng nhiều khi do tình cảm của mình với nhân vật. Ví dụ như có lần tôi thâm nhập một đường dây ăn cắp hàng vi phạm của cán bộ hải quan. Tôi biết là nguy hiểm nhưng mình thương nhân vật, một người phụ nữ bụng mang dạ chửa và nếu như mình không giúp thì không một ai có thể giúp được họ. Lúc ấy, người phụ nữ trong tôi biến đâu mất mà biến thành một người cực kỳ mạnh mẽ muốn che chở cho nhân vật.
Nhân vật nữ bị mất hàng nhiều lần, sau khi thu thập được một phần bằng chứng, cô đến gặp tôi. Buổi trò chuyện của hai người toàn nước mắt. Tôi khóc vì nghĩ sao lại có người phụ nữ bụng mang dạ chửa mà chồng không ở bên giúp đỡ. Khi tìm hiểu tôi biết chồng cô ấy yếu đuối.
Mất khoảng nửa tháng thâm nhập và thực hiện đề tài, cô ấy đã đòi lại được quyền lợi của mình. Đó là một số tiền rất lớn. Nhưng cô gái lại được người ta thuyết phục để dàn xếp sự việc. Cô gặp và xin tôi hãy để họ sửa sai, bồi thường cho cô lô hàng vi phạm. Trong quá trình làm nghề, có đôi lúc mình phải như thế, tính toán để vừa viết bài đưa ra được hiện tượng tiêu cực nhưng bằng mọi giá phải bảo vệ nhân vật của mình.
Tôi muốn nói rằng mảng phóng sự điều tra thú vị lắm. Là nữ cũng được. Nhiều người tưởng rằng làm điều tra phải là nam giới mạnh mẽ, nhưng trên thực tế tôi là một người phụ nữ rất yếu đuối, đa sầu đa cảm nhưng vẫn theo đuổi mảng phóng sự điều tra. Tuy nhiên, một người phụ nữ làm điều tra phải hi sinh rất nhiều, phải có tố chất đặc biệt, có thể thiên biến vạn hóa đưa mình thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Vì làm điều tra nguy hiểm lắm. Có những khi mình rơi vào tình huống gặp toàn những thành phần đầu trộm, đuôi cướp...
Nhà báo Hà Sơn: Chị có nhiều lần phải hóa trang khi tác nghiệp?
Nhà báo Thu Trang: Có, rất nhiều lần tôi phải đội tóc giả. Điều quan trọng khi hóa thân vào nhân vật, phải có sự nhập vai sâu. Lúc ấy phải nghĩ rằng mình đang ở trong thế giới đó, đôi lúc phải hút thuốc hay làm gì đó khác mình đi, một cách rất thản nhiên và không gượng gạo.