Bật khóc khi sống thử thế giới của trẻ khiếm thị
- Y học 360
- 00:25 - 01/08/2016
Thử sống không bằng đôi mắt
“Có ai ở đây không? Giúp tôi với, tôi phải đi đâu bây giờ?”, “Có ai dẫn đường giúp tôi không?”… những tiếng nói chứa đầy sự sợ hãi, hoảng hốt của nhiều người khi vừa đặt chân căn phòng chỉ có màu tối. Trên đường mò mẫm bước đi, không ai biết điều gì đang chờ mình ở bước chân tiếp theo, có thể là sỏi đá, đất cát hay một bậc thang, một cái đinh…
Choang! Hình như một vật gì đó bằng thủy tinh hoặc sứ bị rơi vỡ. Chốc lại có tiếng động của người va vào người, tiếng đồ vật bị rơi.
“Có cà phê ở trên bàn, mọi người có thể pha uống; trong tủ lạnh có nước mát, anh chị cứ tự nhiên; trên bàn có nước, có trái cây, bánh kẹo mời mọi người ngồi vào ghế và dùng”…, cô gái khiếm thị Anh Thư là người đồng hành với giọng nói chậm rãi mời khách.
Các bạn trẻ bịt mắt trước khi vào phòng triển lãm bóng tối.
Tất cả mọi đồ dùng để sinh hoạt ở ngay bên cạnh nhưng không mấy ai với đúng, sờ trúng vì xung quanh chỉ một màu đen kịt. Lúc này, mọi đồ dùng, gia vị đều được “chuẩn đoán” bằng tay, bằng mũi. Tiếng bạn gái nào đó reo mừng khi lắc được hũ muối để chấm trái cây. Một chốc sau, cô the thé: Là hũ ớt bột, cay quá!
Trong bóng đêm, tất cả lặng đi khi cô gái khiếm thị Anh Thư chơi đàn piano và hát tặng mọi người ca khúc "Quê hương là chùm khế ngọt" với giọng hát trầm lắng. Đúng nghĩa là nghe nhạc vì ngoài tiếng đàn, tiếng hát không ai nhìn thấy ca sĩ, không nhìn thấy cây đàn hay bất cứ thứ gì.
Đó là lát cắt được ghi lại tại triển lãm bóng tối diễn ra ngày 28/7 tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM. Người tham dự triển lãm sẽ được phân theo từng nhóm, mỗi nhóm 6 người để trải nghiệm cuộc sống không một chút ánh sáng nào của người khiếm trong một không gian gần gũi nhất với sinh hoạt của mỗi người là bếp, bàn ăn…. Mỗi nhóm sẽ “sống thử” trong thế giới bóng đêm khoảng nửa giờ đồng hồ.
Ra khỏi phòng triển lãm, trở lại thế giới ánh sáng, nhiều người bật khóc với một cảm xúc khó để diễn tả. Sợ hãi có, hoảng hốt có và trên hết là sự khâm phục đối với những người bị khiếm thị. Hàng giờ, hàng ngày, từ năm này qua năm khác… họ trải qua mọi sinh hoạt trong cuộc sống như thời khắc mà mọi người vừa được trải nghiệm.
Thu Hoài, 24 tuổi, một nhân viên văn phòng rời khỏi phòng triễn lãm với những tiếng nấc nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe. Hoài bộc bạch, chỉ 30 phút trong sinh hoạt trong bóng tối cô đã rối bời, hoảng hốt vì thấy khó khăn vô cùng.
Cô không hình dung nổi các bạn khiếm thị làm sao để có thể nấu ăn, giặt giũ, học bài, chơi đàn, múa… trong điều kiện đó. Bản thân cô cũng nhận ra, cuộc sống có rất nhiều sắc màu, nhiều điều ý nghĩa mà hàng ngày mình chưa cảm nhận hết được.
Triển lãm bóng tối là một phần của dự án MindLight Summer, hoạt động thiện nguyện diễn ra trong hè của tổ chức phi lợi nhuận Minds United được sáng lập bởi cô gái trẻ gốc Việt Đào Minh Thùy, hiện đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan.
Dự án đã thực hiện trong suốt 5 năm qua với nhiều hoạt động như dạy tiếng Anh, kỹ năng sống, mùa, đàn… cho trẻ em khiếm thị tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Triểm lãm bóng tối với thông điệp “Hãy để bóng tối soi sáng bạn” được tổ chức lần đầu vào năm 2015, dựa trên mô hình được thực hiện tại nhiều nước ở Châu Âu mang đến cho người tham dự cơ hội trải nghiệm mô phỏng sinh hoạt hàng ngày của người khiếm thị trong không gian chỉ toàn là bóng tối.
Minh Thùy tâm sự, mục đích của triển lãm trước hết là để mọi người cảm nhận đời sống của trẻ khiếm thị khi đặt mình vào thế giới của các em. Khi đó, họ không thể sử dụng đôi mắt mà phải dùng đến các giác quan khác để sờ, nắn, ngửi… trong hoạt động của cuộc sống.
Trong cuộc sống chúng ta thường bị áp lực khi phải sống theo ước ước mơ, mong muốn của người khác. Con cái sống theo ước mơ của bố mẹ. Mọi người nhiều khi phải nghĩ, phải cư xử, phải sống theo… những điều mình nhìn thấy hoặc “học theo” người khác.
Còn khi chìm trong bóng tối, nhắm mắt hay mở mắt cũng chỉ một màu đen kịt mỗi người sẽ nhìn vào chính con người, nội tâm của chính mình để trả lời mình cần phải làm gì và mình mong muốn gì. Đó là lúc chúng ta sống thật với bản thân, phát huy hết nội lực của mình bằng các giác quan khác.
Minh Thùy cũng muốn gửi gắm quan điểm sống, khi con đường đang đi bị đóng lại trước mắt bởi một sự cố gì đó, không có nghĩa là mọi thứ đã hết. Mình cần bước đi tiếp sẽ tìm thấy một con đường khác, theo một cách khác… mà trước đây chúng ta chưa từng biết để trân trọng cuộc sống, trân trọng con người mình hơn.