THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:30

Bất chấp lệnh cấm, đò vẫn tấp nập chở khách vào Chùa Hương

Bất chấp lệnh cấm, Chùa Hương vẫn tấp nập du khách

Bất chấp lệnh cấm, Chùa Hương vẫn tấp nập du khách

“Dịch vụ cò mồi xếp hàng đón khách”?

Theo ghi nhận sáng ngày 5/2, tức ngày mồng 5 Tết Nhâm Dần, khi phóng viên đến cổng - lối rẽ vào Chùa Hương thì một người đàn ông trên ngực đeo tấm thẻ nhắc: "Anh chị đi lễ ở Đền Trình chúng tôi tạo điều kiện cho vào, nhưng không được vào Chùa Hương", mặc dù ngay đó là tấm biển có ghi dòng chữ "Thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội Chùa Hương, không đón khách thăm quan tại khu DT-TC Hương Sơn (Chùa Hương).

Từng đoàn du khách vẫn được lái đò chở vào Chùa Hương

Từng đoàn du khách vẫn được lái đò chở vào Chùa Hương

Theo hướng dẫn của người này, khi chúng tôi vừa qua cổng thì tiếp tục có người đi xe máy đến mời chào đến điểm đỗ xe tại vị trí gần cổng đền Trình để không mất thời gian đi bộ, với giá đỗ xe 50 ngàn đồng.

Để vào lễ trên Chùa Hương, người phụ nữ ra giá 1,8 triệu đồng khứ hồi tiền đò cho 2 người và không bao gồm vé cáp treo. Theo người này, mức giá cao như vậy là do lực lượng chức năng ra quân nên đi lại khó khăn, phải cài người đi cùng mới vào được.

Trên đường vào Chùa Hương, một người trong đội chở khách cho chúng tôi hay  để đưa khách vào thuận lợi, họ phải thay phiên nhau khoảng 10 người, khi đi, phải đi cả đường dân sinh, đường mòn khoảng 1km thì mới không có lực lượng chức năng kiểm soát mới lên được đến cổng phụ của Chùa Hương.

Khoảng 30 phút sau, đoàn chúng tôi đến bến, người phụ nữ không quên dặn, lát có chiếc tàu màu trắng đậu trước thì cứ đi theo đoàn người trên đó vào.

Giá cả chặt chém tha hồ "nhảy múa"

Xuống đến bến, chúng tôi được yêu cầu cải trang thành những người dân, người thì xách làn, cầm chổi để đi qua cửa kiểm soát sẽ không bị phát hiện. Sau màn hoá trang chúng tôi cũng nhanh chóng qua được cửa mà không hề bị kiểm tra.

Theo quan sát của phóng viên, các đoàn sau cũng qua rất dễ dàng mà không hề bị kiểm soát hay hỏi han.

Mặc dù không đón khách nhưng những gì chúng tôi thấy thì hoàn toàn ngược lại, hàng chục chuyến đò ra vào tấp nập như chưa hề "cấm". Mọi hoạt động mua, bán, trao đổi vẫn diễn ra như bình thường từ cổng chính cho đến Động Hương Tích.

Theo bảng thông báo của Chùa Hương, phí thắng cảnh (có bảo hiểm): 80.000đ/người/lượt. Giá dịch vụ xuồng đò với tuyến Hương Tích: 50.000 đ/người (vào + ra). Tuy nhiên giá thực tế thì không như chúng tôi tưởng tượng.

Trong khi giá đi đò của đoàn tôi là 900 ngàn cho 1 người đi khứ hồi, thì đoàn của anh H. quê Thường Tín cho biết: "Chúng tôi đi từ lúc 8h sáng, đoàn gồm có 4 người cũng được ghép với đoàn khác, nên giá đi là 250 ngàn/1 người, nói chung là đi chui, nên giá "chát" hơn ngày thường, bọn "cò" làm việc cả rồi, nên đi qua cửa cũng đơn giản", còn chị H. đi cùng bạn cũng được ghép với đoàn khác và đi với giá 150 ngàn khứ hồi cho 1 người.

Du khách tham quan trong Động Hương Tích

Du khách tham quan trong Động Hương Tích

Theo ghi nhận trong chuyến đi của chúng tôi, từ lúc xuất phát đến khi kết thúc, chỉ có buổi sáng thì lực lượng chức giám sát chặt chẽ hơn, còn buổi chiều ngày 5/2 thì không thấy bóng dáng, thế nên hoạt động chở khách vào chùa lại càng trở nên tấp nập, nhộn nhịp, công khai hơn.

Trước đó, ngày 25/1, UBND huyện Mỹ Đức ra thông báo về việc tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất, có thời gian tổ chức kéo dài nhất tại miền bắc. Lễ hội dự kiến diễn ra trong 3 tháng từ ngày 2/2 đến hết ngày 30/5/2022 (từ ngày mùng 2 Tết đến hết ngày 30/3 năm Nhâm Dần). Trong đó, lễ khai hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, việc tổ chức lễ hội còn giúp thúc đẩy du lịch văn hóa của huyện Mỹ Đức cũng như Hà Nội.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 20/1/2022 của UBND TP Hà Nội về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, UBND huyện Mỹ Đức tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương) năm 2022 đến khi có thông báo mới.

Theo Chỉ thị 03/CT-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Thành phố để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

THÀNH NAM - MINH PHÚ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh