THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:20

Bắt buộc xác minh tài sản, thu nhập khi bổ nhiệm cán bộ

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: TN

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: TN

 

Đề xuất bắt buộc phải xác minh tài sản khi phong tướng

Thảo luận Dự án Luật PCTN sửa đổi tại Quốc hội (QH), kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị bổ sung quy định xác minh tỷ lệ nhất định các bản kê khai tài sản, thu nhập theo xác suất. 

Cũng có ý kiến cho rằng, phải chỉnh lý nhóm quy định xác minh tài sản, thu nhập để bảo đảm khả thi, tránh tùy tiện.

Thanh tra Chính phủ - cơ quan chủ trì soạn thảo cho hay, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi mới đây đã quy định rõ ràng về các trường hợp phải xác minh tài sản, thu nhập.

Theo đó, xác minh bắt buộc để phục vụ công tác cán bộ khi bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Bên cạnh đó, còn tiến hành xác minh để phục vụ cho việc theo dõi biến động tài sản, thu nhập và xác minh chủ động theo kế hoạch hàng năm.

Với quy định này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề xuất, đưa việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang vào diện xác minh tài sản bắt buộc, tương tự như bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử. Theo ông Chiến, việc này rất cần vì quy trình phong, thăng quân hàm cấp tướng chặt chẽ và đây cũng là vinh dự lớn.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của ông Chiến, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lưu ý, việc phong, thăng quân hàm cấp tướng cũng là "có chức tước".

Trong khi đó, theo đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra Dự án Luật, nội dung xác minh tài sản, thu nhập không phải là yêu cầu bắt buộc trong quy trình bổ nhiệm. Quy định như Dự thảo Luật đã biến việc xác minh tài sản, thu nhập thành một khâu bắt buộc trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, làm kéo dài thời gian bổ nhiệm (vì tổng thời gian xác minh có thể lên đến 80 ngày, chưa tính đến thời gian khiếu nại, giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết khiếu kiện tại tòa án theo Điều 59 của Dự thảo Luật).

Mặt khác, quy định này dẫn đến có thể trong cùng một thời điểm phải xác minh số lượng bản kê khai rất lớn, vượt quá khả năng của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, ảnh hưởng tới chất lượng xác minh.

Kiểm soát tài sản trong suốt quá trình quản lý cán bộ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Dự thảo Luật đã bổ sung khá đầy đủ, chặt chẽ các trường hợp cần xác minh để công tác xác minh tài sản, thu nhập góp phần thiết thực phục vụ công tác cán bộ, khắc phục tính hình thức hiện nay.

Ngoài 3 trường hợp phải xác minh theo quy định của Luật hiện hành (khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, không minh bạch; khi có tố cáo về việc kê khai không trung thực; khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền), Dự thảo Luật còn bổ sung thêm 2 trường hợp phải xác minh (đối với người được lựa chọn ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm; khi có biến động về tổng giá trị tài sản, thu nhập trong năm từ 300 triệu đồng trở lên).

Như vậy, đối với người trước khi bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại vẫn có thể bị xác minh tài sản, thu nhập khi có 1 trong 5 căn cứ nêu trên.


Thực tiễn 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc xác minh tài sản, thu nhập rất hạn chế. Ảnh minh họa: Internet

Thực tiễn 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc xác minh tài sản, thu nhập rất hạn chế. Ảnh minh họa: Internet

 

Dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều cơ chế chặt chẽ hơn để theo dõi, quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với việc kê khai không trung thực. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã đưa ra giải pháp mạnh để xử lý đối với tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc qua cơ chế đánh thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt hành chính.

 

“Những quy định này sẽ tạo cơ chế đồng bộ, hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai trong suốt quá trình quản lý cán bộ, công chức mà không chỉ khi được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm…”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm của Ủy ban này.

Kê khai rất nhiều, xác minh còn rất hạn chế

Có ý kiến đề nghị việc xác minh tài sản, thu nhập không phải tiến hành trước mà có thể thực hiện sau khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm (hậu kiểm) để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện. Việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ tiến hành trước khi bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm nếu có tố cáo hoặc có căn cứ cho rằng việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực (tương tự quy định đối với người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND).

Thực tiễn 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, xác minh tài sản, thu nhập còn rất hạn chế. Ngay như năm 2017, cả nước có hơn 1,2 triệu người kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ xác minh được 78 người, phát hiện 5 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri, còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.

Một trong những nguyên nhân là do chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đáng lưu ý, Luật PCTN quy định căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, một số căn cứ không mang tính bắt buộc, có thể dẫn đến tùy nghi trong áp dụng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh