THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:30

Bảo vệ môi trường gắn với phòng, chống Covid-19

Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội đóng trên địa bàn thôn Quy Mông xã Phú Sơn Huyện Ba Vì, cách trung tâm Thành phố Hà Nội 60 Km. Với tổng diện tích khoảng 20 ha nằm trên một quả đồi nên địa hình cao ráo thoáng mát, đã được bao phủ bằng hệ thống cây bóng mát và cây ăn quả. 

Bảo vệ môi trường gắn với phòng, chống Covid-19 - Ảnh 1.

Các nhân viên vệ sinh môi trường và phun tiêu độc khử trùng.

Trung tâm được xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh các hạng mục gồm: Nhà ở bệnh nhân với 4.500m2; Sân vui chơi, giải trí với diện tích: 4500m2; khu nhà vệ sinh bệnh nhân có diện tích: 360m2; khu nhà phục hồi chức năng cho bệnh nhân có diện tích: 1800m2; khu nhà ăn bệnh nhân có diện tích: 1200m2; hội trường trung tâm: 600m2; nhà đa năng (phục vụ hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao) có diện tích: 300m2; khu nhà giành cho hoạt động tư vấn, tiếp dân, thăm gặp: 600m2; khu nhà hành chính văn phòng với diện tích: 400m2; sân vận động trung tâm với diện tích:1.400m2; diện tích đất phục vụ hoạt động lao động trị liệu: khoảng 2ha.

Ông Vũ Văn Trí, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội có chức năng tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tâm thần theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tâm thần do gia đình tự nguyện gửi vào trung tâm. 

Đối tượng phục vụ là người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại: tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống ... theo quy định của pháp luật; người khuyết tật tâm thần do gia đình tự nguyện gửi vào trung tâm.

Đặc thù của người bệnh tâm thần mãn tính, hầu hết bệnh nhân không còn khả năng lao động, không còn khả năng tự phục vụ được bản thân thì việc quản lý, chăm sóc điều trị và giáo dục đưa họ vào nề nếp là cả một quá trình khó khăn. Do vậy, công tác chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trung tâm và luôn được cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, mỗi nhân viên chăm sóc đều trở thành người thân của bệnh nhân.

Công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường luôn được Trung tâm đặc biệt quan tâm. Từ vệ sinh phòng ở, vệ sinh cá nhân luôn được cán bộ, nhân viên ở đây hướng dẫn, nhắc nhở, hỗ trợ các bệnh nhân thực hiện nề nếp hàng ngày, tạo thành nếp quen. Cây xanh trong khuôn khiên được phân công cắt xén, tưới nước chăm sóc hàng ngày. Đây không chỉ tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp trong đơn vị mà còn giúp các học viên có sức lao động có thể làm việc nhẹ nhàng. Lao động nhẹ cũng là cách trị liệu hiệu quả, rất tốt cho sức khỏe của bệnh nhân.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bảo vệ môi trường gắn với công tác phòng, chống Covid-19 được Trung tâm đặt lên hàng đầu. Ông Trí cho hay, các bệnh nhân ở đây là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ nhiễm bệnh cao. Do đó, việc đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của bệnh nhân, vệ sinh cá nhân và khuôn viên đơn vị luôn được lãnh đạo, cán bộ, nhân viên quan tâm. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện nghiêm nhằm đảm bảo an toàn cho viên chức, người lao động và bệnh nhân, không để dịch bệnh xâm nhập khó kiểm soát.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Huyện Ba Vì về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội luôn đặt công tác phòng chống dịch lên hàng đầu. Nêu cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đối tượng, khách và đối tác đến làm việc tại trung tâm trong công tác phòng, chống dịch. Chủ động ứng phó với công tác phòng chống dịch trong từng thời điểm cụ thể xác định mục tiêu: Kiên quyết không để dịch Covid-19 có thể xâm nhập và Trung tâm", ông Trí nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh