Bảo vệ da cho bé trong mùa lạnh
- Sức khỏe
- 21:20 - 23/12/2016
Da của trẻ vô cùng mỏng manh, sức đề kháng kém, dễ bị viêm nhiễm và tổn thương. Trong giai đoạn trẻ nhỏ các bệnh da thường gặp ở bé là hăm tã, chàm sữa và khô da. Nếu không biết cách chăm sóc vết hăm có thể ăn sâu vào da khiến bé luôn bứt rứt và không ngủ ngon được, có khi còn sụt cân.
Trẻ sơ sinh tuy có đầy đủ các cơ quan như người lớn nhưng hoàn toàn không phải là một người lớn thu nhỏ. Các cơ quan trong cơ thể bé còn rất non nớt và dễ bị tổn thương do chưa thể hoạt động hoàn hảo như người lớn. Cấu trúc của một số cơ quan cũng chưa hoàn chỉnh. Da của trẻ em cũng vậy. Nếu da của cơ thể trưởng thành có độ đàn hồi cao nhờ một hệ thống những sợi collagen thì da của trẻ cũng có độ đàn hồi ấy, tuy nhiên những sợi collagen này nhỏ hơn rất nhiều lần, chức năng chống chọi với mọi tổn hại cũng thấp hơn nhiều lần so với người lớn.
Khô da nứt nẻ
Da của trẻ chưa có lớp bã nhờn, đây là điểm khác biệt rất quan trọng so với da của người lớn. Chính các đặc điểm trên làm cho da bé dễ bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh và khô hơn người lớn. Các bé sẽ nhanh chóng bị khô da và môi ngay khi trời chuyển lạnh. Đặc biệt là mùa đông ở miền Bắc, các bé thường bị nẻ má và môi. Khi môi nứt nẻ, thậm chí rỉ máu, bé sẽ đau đớn và khó chịu, điều này làm bé giảm bú vì khó bú. Nếu không chăm sóc kỹ, vết nứt sẽ lâu lành và bé có thể bị sụt cân. Không riêng gì môi, những bé có dùng tã, trong giai đoạn này rất dễ bị hăm tã.
Tổn thương do hăm tã
Đây là tổn thương thường gặp mà trẻ nào cũng bị đặc biệt là mùa đông do thời tiết lạnh các bà mẹ sợ trẻ lạnh nên luôn quấn tã kín, không thay rửa thường xuyên. Nếu không kịp thời thay tã sau khi đại tiểu tiện thì do sự kích ứng của nước tiểu, phân và tã lót ướt ngấm vào, da vùng mông, bộ phận sinh dục ngoài cũng như phía trong đùi dễ bị mẩn đỏ và hăm loét (chảy nước và loét hoặc bong da) gây cho trẻ ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc, ăn ngủ kém. Những trẻ đã xuất hiện hăm hoặc da có mủ, cần kịp thời điều trị. Cụ thể, sau mỗi lần đại tiểu tiện cần rửa sạch vùng mông nhẹ nhàng lau khô, sau đó bôi thuốc chống hăm loét dành cho trẻ em. Chú ý không được bôi phấn rôm vào vùng hăm loét vì sẽ làm vùng bị viêm hút nước nhiều hơn, bệnh tình càng nặng thêm.
Bé bị cứt trâu trên đầu
Trên đầu bé sở dĩ mọc cứt trâu là do các bà mẹ không dám đụng đến thóp của bé, càng không dám gội mạnh, thời gian dài cứt trâu sẽ tích nhiều thành một tầng dày, như vậy vừa mất vệ sinh, vừa mất thẩm mỹ. Thực ra phương pháp làm sạch cứt trâu trên đầu rất đơn giản, có thể dùng dầu thực vật bôi lên rồi gội sạch. Cụ thể: dùng dầu gội đã làm nóng trước, chờ khi dầu nguội đem dầu đó bôi lên đầu chỗ có cứt trâu, sau một ngày dùng lược nhỏ chải nhè nhẹ, từ từ cứt trâu trên đầu sẽ bong ra. Sau đó dùng dầu gội (dầu dùng cho bé) và nước ấm để gội sạch đầu. Đối với trẻ có lớp cứt trâu dày cần làm vài lần mới hết được. Chú ý động tác làm sạch cứt trâu trên da đầu phải nhẹ nhàng, không được dùng lược chải mạnh, càng không được dùng móng tay cậy mạnh sẽ làm tổn thương da đầu.
Chăm sóc da cho bé đúng cách thế nào?
Trong mùa lạnh, bé nên được lau bằng nước ấm, lau nhẹ nhàng không chà xát kỳ cọ mạnh lên vùng da bị khô nẻ, nhất là những nơi đã bị hăm, nứt nên được vệ sinh sạch sẽ. Cần chú ý nước tắm cho bé phải là nước ấm vừa phải, không nên nghĩ rằng trời lạnh thì cần nước nóng hơn bình thường. Vì nước quá nóng cũng là nguyên nhân làm cho da bé mất nước nhiều hơn. Khi tắm cho bé không nên lạm dụng xà phòng, vì hoạt chất tẩy rửa của chúng càng tẩy mất chất nhờn trên da nhanh hơn, điều này càng làm da thêm khô. Có thể pha vài hạt muối vào nước ấm, độ muối thật loãng vừa giúp da sạch sẽ vừa ngăn ngừa cho da của bé không bị nhiễm khuẩn côn trùng cắn đốt. Bên cạnh việc vệ sinh cơ thể hàng ngày, khi trẻ bị khô da, các bà mẹ cần sử dụng thêm những loại thuốc bôi chống khô da theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý chọn những loại thuốc không chứa chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo mùi để tránh gây dị ứng cho da trẻ.