THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:27

Báo Tây nói về tình trạng tai nạn giao thông nhức nhối tại Việt Nam

 

Tình trạng giao thông tại Việt Nam hiện nay (Ảnh: AFP)
Vấn đề giao thông tại Việt Nam luôn là điều khiến người dân nơi đây lo ngại. Còn đối với các du khách nước ngoài, họ thường chụp lại hình ảnh các phương tiện tham giao thông khi tới Việt Nam, sau đó chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè và người thân. Đối với người đi bộ tại Việt Nam, băng qua đường có thể trở thành một "nhiệm vụ bất khả thi".
Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển và lượng khách du lịch tới Việt Nam ngày càng nhiều, hệ thống đường xá và vấn đề điều tiết giao thông vẫn chưa theo kịp sự bùng nổ của các phương tiện tham gia giao thông.
Ùn tắc giao thông ở Việt Nam xảy ra do có quá nhiều phương tiện tham giao giao thông, trong khi cơ sở hạ tầng bị hạn chế. Hệ thống đường xá ở Việt Nam đã không theo kịp trước sự gia tăng dân số và số lượng phương tiện ngày càng nhiều, từ đó dẫn tới tình trạng ùn tắc tại một số khu vực ngay cả khi không phải trong giờ cao điểm. Tại nhiều khu vực, tắc đường có thể dẫn tới ùn tắc cục bộ. Những người điều khiển xe đạp và xe máy đi lên vỉa hè của người đi bộ, trong khi nhiều người không ngại đi ngược chiều để thoát khỏi chỗ tắc. Một hình ảnh dễ thấy ở Việt Nam là việc các phương tiện giao thông chở quá số người quy định.
Việc có nhiều xe máy tham gia giao thông có một phần là do giá xe hơi ở Việt Nam khá cao. Những người muốn sở hữu xe hơi ở Việt Nam phải trả mức tiền từ 300 triệu đồng, tương đương 13.000 USD cho một chiếc xe hơi, do chi phí sản xuất cao và thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, gần 95% các phương tiện giao thông đăng ký tại Việt Nam là các loại xe máy và có khoảng 9.000 xe máy mới tham gia giao thông mỗi ngày.
Mật độ giao thông dày đặc đã dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông, hay còn được coi là "dịch bệnh bí ẩn" tại Việt Nam. Trong khi Bộ Công an công bố số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại Việt Nam hồi năm 2010 là 11.000 người thì Bộ Y tế cho biết, thông qua số liệu thu thập được từ hệ thống các bệnh viện, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông tại đây lên tới 15.464 người. Theo Diplomat, sự chênh lệch giữa hai số liệu nêu trên về số thương vong do tai nạn giao thông có thể là để "làm giảm" mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện các tiêu chuẩn an toàn cho người tham gia giao thông, như việc yêu cầu người lái xe máy phải đội mũ bảo hiểm, qua đó hy vọng có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng trong các vụ tai nạn. Theo ước tính, có khoảng 60% các vụ tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam xảy ra giữa người lái xe máy với người đi bộ qua đường.
Năm 2001, chính phủ ban hành luật yêu cầu người điều khiển xe máy tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm trên một số tuyến đường đặc biệt như các tuyến quốc lộ. Tới năm 2007, chính phủ tiếp tục ban hành luật mới yêu cầu tất cả mọi người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường. Tuy nhiên, đã có một vấn đề phát sinh từ quyết định này. Theo chuyên gia Jonathan Passmore của Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 80% số mũ bảo hiểm tại Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng. Hầu hết các loại mũ bảo hiệm đang bày bán tại Việt Nam được sản xuất với giá thành rẻ và sử dụng loại nhựa chất lượng kém, không đủ chắc chắn để bảo vệ người lái xe máy.
Bên cạnh quy định về đội mũ bảo hiểm, chính phủ Việt Nam cũng tìm cách giải quyết tình trạng ùn tắc bằng việc xây dựng những tuyến đường cao tốc trên cao, các loại đường vành đai và các cây cầu vượt để giải quyết vấn đề ùn tắc.
Theo các chuyên gia, những biện pháp trên thường chỉ mang lại hiêu quả trong ngắn hạn. Trong bối cảnh dân số thành thị phát triển nhanh và nhiều người đổ về các thành phố lớn để sinh sống, không sớm thì muộn các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ lại gặp khó khăn trong quá trình giải quyết tình trạng ùn tắc.
Bên cạnh việc cần phải nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng, trang Diplomat cho rằng ý thức của người tham gia giao thông cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc ban hành những quy định mới và mạnh tay hơn nhằm giảm thiểu số lượng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, ý thức của người tham gia giao thông được đánh giá là vấn đề chiến lược cho giải pháp dài hạn. Có thể mất tới một thế hệ để thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, cũng như để mọi người tôn trọng và tuân thủ các quy định về giao thông.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh