THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:50

Bạo lực trên cơ sở giới: "Bóng tối" trong đại dịch covid -19

Gia tăng bạo lực thời đại dịch

Theo các số liệu công bố cho thấy: Sau khi áp dụng lệnh phong tỏa xã hội vì dịch bệnh Covid-19, tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), số vụ bạo lực gia đình được báo cáo tăng gấp 3 lần trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, từ 47 lên 162 vụ. Còn thống kê của Bộ Lao động và Phúc lợi Hồng Kông cho thấy năm 2019 có 2.920 báo cáo về các vụ lạm dụng trong nước. Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 243 trường hợp báo cáo, nhưng riêng năm 2020, chỉ tính riêng trong tháng 3 đã có tới hơn 900 cuộc gọi. Tại Malaysia, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng báo cáo các vụ bạo lực cũng tăng 57%. Còn ở Hongkong, chỉ riêng trong 3 tháng năm 2020 đã có tới 900 cuộc gọi báo cáo về các vụ bạo lực, cao gấp hơn 3 lần so với số lượng cuộc gọi trung bình năm 2019 (243 cuộc gọi/tháng)…

Bạo lực trên cơ sở giới:  "Bóng tối" trong đại dịch covid -19 - Ảnh 1.

Gia tăng bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian giãn cách xã hội.

Tại Hội nghị trực tuyến về các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực gia đình trong bối cảnh Covid-19 được Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN tổ chức, chuyên gia UNICEF Nguyễn Thị Y Duyên đã chia sẻ, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, bạo lực trẻ em ở gia đình và trên mạng đã xảy ra với trẻ em trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 1 tỷ trẻ em bị bạo lực về thể chất, tinh thần và xâm hại tình dục. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cuộc sống hàng ngày bị xáo trộn, trẻ em đã có nguy cơ bị bạo lực có thể cảm thấy dễ bị tổn thương hơn nữa, cả ở trong gia đình lẫn trên mạng xã hội. Những em không có nguy cơ bạo lực trước đây cũng có thể cảm thấy có nguy cơ vì bệnh tật, trường học đóng cửa, cha mẹ mất việc, và các biện pháp cách ly làm tăng thêm những căng thẳng cho các gia đình, dẫn đến những hành vi có hại cho trẻ.

Trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, hơn 1,5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi các trường học bị đóng cửa. Bạo lực gia đình gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.

Phụ nữ và trẻ em đối tượng chịu nhiều tổn thương

Ở Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội, cũng như nhiều quốc gia trên trong khu vực và trên thế giới, vấn đề bạo lực gia đình đang trở nên nhức nhối, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bạo lực gia đình cao hơn. Bao gồm bạo lực do chồng/bạn tình và các thành viên trong gia đình gây ra với nhiều hình thức khác nhau do hạn chế đi lại, môi trường khép kín trong nhà trong một thời gian dài và căng thẳng gia đình leo thang.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH Hà Thị Minh Đức thông tin: Trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng (1900969680) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị can thiệp hỗ trợ vì bạo lực gia đình đã tăng hơn 50%.

Số lượng được hỗ trợ tham vấn của Ngôi nhà Bình Yên – nơi tiếp nhận, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình và bị mua bán trở về - tăng gấp 7 lần; số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Do đại dịch Covid-19, trong thời gian qua trẻ em phải học online. Dành nhiều thời gian trên mạng cũng đồng nghĩa với nguy cơ bị xâm hại và bạo lực trên mạng gia tăng với các em. Vì chưa ý thức được các nguy cơ trên mạng, các em có thể bị dụ dỗ, chia sẻ những thông tin cá nhân và hình ảnh riêng tư, nhạy cảm dẫn đến bị lợi dụng trên mạng. Hậu quả là các em có thể cảm thấy xấu hổ, mất tự tin, thậm chí tìm đến việc tự tử.

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến trẻ em trong 15 ngày (từ ngày 15 đến 30/4/2020), với một bộ câu hỏi dành cho trẻ em dưới 18 tuổi ở miền Bắc, Trung, Nam và người chăm sóc trẻ.

Với trên 2.700 bản trả lời đã cho kết quả: Thời kỳ này 60% trẻ gặp phải những khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn. Điều này xảy ra với hầu hết các tỉnh, TP có trẻ tham gia khảo sát, đặc biệt là những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, do các gia đình thường xuyên ở nhà cùng nhau, 48% trẻ tham gia khảo sát cho biết gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. 32,5% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm trong thời gian này.

Hậu quả của bạo lực, không chỉ ảnh hưởng tới trẻ em và gia đình mà còn tác động tiêu cực lên toàn xã hội. Một nghiên cứu về hậu quả của bạo lực tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho thấy, tổng thiệt hại của vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt liên quan đến sức khỏe và hậu quả của các hành vi gây nguy hại tới sức khỏe lên tới 209 tỷ USD (năm 2012) hoặc gần 2% GDP của khu vực.

Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành của UN Women cũng đã tuyên bố: "Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là bóng tối của đại dịch Covid-19". Nếu không được xử lý, đại dịch bóng tối này cũng sẽ đóng góp vào tác động kinh tế của Covid-19. Dịch bệnh này đang thách thức chúng ta theo những cách mà hầu hết chúng ta đều chưa từng trải qua, tạo ra những cú sốc về kinh tế và cảm xúc mà chúng ta đang cố gắng vượt qua. Bạo lực nổi lên như một khía cạnh đen tối của đại dịch này và đây là một thử thách đối với các giá trị, khả năng phục hồi và sự nhân đạo của chúng ta. Chúng ta không những phải sống sót qua virus corona, mà còn phải để tạo ra những thay đổi mới, với phụ nữ là nguồn lực trung tâm mạnh mẽ của sự phục hồi.


PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh