“Báo hóa” tạp chí - bát nháo trong hoạt động báo chí
- Tây Y
- 17:20 - 21/06/2022
Lách luật để “báo hóa”
Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Tạp chí điện tử (TCĐT) là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Nhưng thực tế hiện nay, rất nhiều TCĐT, nhất là TCĐT thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp đã làm không đúng chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của mình là đăng tải thông tin, bài viết mang tính học thuật, chuyên ngành, chuyên sâu của ngành, lĩnh vực, tổ chức của mình, mà lại tổ chức các loạt bài, bài điều tra, phóng sự, phỏng vấn, bình luận như một cơ quan báo chí; đăng video clip, phim tài liệu, phóng sự, hình ảnh như chương trình truyền hình; tổ chức các hoạt động truyền thông mang tính thương mại không đúng với vai trò của TCĐT.
Tháng 9/2019, sau khi khảo sát cụ thể đối với 31 TCĐT thuộc các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, cơ quan chức năng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận định: Hầu hết các tạp chí này hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích; ít tập trung vào các chuyên mục nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành; cập nhật thông tin như báo điện tử, cách làm theo xu hướng “báo hóa”, đưa tin thời sự, điều tra các vụ việc sai phạm, tiêu cực ở doanh nghiệp, địa phương. Nhiều TCĐT xây dựng các chuyên trang, chuyên mục không phù hợp với tính chất của tạp chí.
Theo Cục Báo chí, về bản chất, “báo hóa” tạp chí điện tử là hiện tượng TCĐT không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, có hình thức trình bày, nội dung thông tin cố tình gây hiểu lầm là báo.
Về hình thức, các tạp chí có logo gây hiểu lầm, măng séc ấn phẩm, giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi là “Tạp chí” nhưng chữ rất nhỏ; các chuyên mục thể hiện như báo; chuyên trang không thể hiện trực thuộc tạp chí, chuyên trang thể hiện độc lập với tạp chí, chỉ thể hiện thuộc cơ quan chủ quản.
Về nội dung, thường không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoặc phản ánh những nội dung, những vấn đề không thuộc lĩnh vực ghi trong giấy phép; tít mập mờ, đặt câu hỏi nghi vấn, tít không phù hợp với nội dung, đưa thông tin một chiều. Bên cạnh đó, các tạp chí khoa học nhưng ít chú trọng vào những thông tin khoa học, lý luận, chuyên ngành…
Thực tế, đã xuất hiện hiện tượng một số tạp chí có biểu hiện “rửa nguồn” tin cho trang thông tin điện tử tổng hợp, đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách hoặc có biểu hiện sao chép, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác, ít bài tự sản xuất…
Đáng lưu ý, hiện tượng này không chỉ thể hiện trên mặt báo, mà cả trong hoạt động tác nghiệp, như cấp giấy giới thiệu không thuộc phạm vi tôn chỉ, mục đích, gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà. Tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng tác nghiệp điều tra theo đơn thư bạn đọc…
Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý, chế tài xử lý vi phạm "báo hóa" tạp chí
Nhằm chấn chỉnh, phòng ngừa xu hướng “báo hóa” TCĐT, thời gian qua nhiều văn bản pháp luật đã được cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Từ tháng 8/2019, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản yêu cầu tổng biên tập các tạp chí quản lý chặt chẽ nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định của pháp luật về báo chí, không sử dụng giấy phép xuất bản TCĐT để xuất bản báo điện tử.
Trước đó, tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đã quy định: “TCĐT phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản TCĐT để xuất bản báo điện tử”. Tuy nhiên, một số lãnh đạo TCĐT vẫn “phớt lờ” văn bản nhắc nhở của cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục để tạp chí của mình hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến hàng loạt sai phạm…
Tại tọa đàm "Trao đổi nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí" do Bộ TT&TT tổ chức ngày 31/3/2022, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, “báo hóa” tạp chí là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong chính giới báo chí và dư luận xã hội, cần phải xử lý quyết liệt, triệt để. Thời gian qua, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý, chấn chỉnh. Thậm chí áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động của nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí thuộc quyền chưa tốt. Việc tuân thủ quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo, phóng viên chưa nghiêm. Bên cạnh đó, một số quy định, chế tài phục vụ công tác xử lý đã bộc lộ những hạn chế, bất cập hoặc quy định chưa đầy đủ...
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho rằng, các quy định của pháp luật hiện hành bất cập, chưa đầy đủ khiến các địa phương khi xử lý tình trạng "báo hóa" còn hạn chế. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là phải “lấp những kẽ hở này” để không còn hiện tượng “lách luật” và “báo hóa”. Theo ông Lê Quang Tự Do, tình trạng "báo hóa" đang ngày càng trở nên nhức nhối. Giải pháp căn cơ nhất là phải sửa các quy định pháp luật mà trực tiếp là Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định sửa đổi đã trình Chính phủ tháng 12/2021, dự kiến sẽ ban hành trong năm nay.
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Dững (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), người làm tạp chí (trong đó có TCĐT) khác với người làm báo ở chỗ, họ có trình độ chuyên môn sâu hơn về một lĩnh vực, một chuyên ngành. Do đó, cách làm ra nội dung sản phẩm của tạp chí cũng không giống với cách tạo ra một sản phẩm báo chí. Tạp chí muốn thu hút độc giả, muốn tạo dựng được uy tín trong công chúng thì nhất thiết phải trở lại đúng bản chất là thông tin định kỳ, chuyên sâu với các nội dung bài viết mang tính học thuật cao, giàu hàm lượng tri thức văn hóa, khoa học. Đồng thời tạp chí cần làm tròn sứ mệnh là nơi công bố, cung cấp có hệ thống, chiều sâu về tri thức; tham gia giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện chính sách trên tinh thần khoa học, vì lợi ích chung của đất nước và xã hội.
“Những năm qua, truyền thông xã hội ra đời, phát triển mạnh mẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động báo chí nói chung, kinh tế báo chí nói riêng. Thị phần quảng cáo đã bị các tập đoàn công nghệ - truyền thông xã hội chiếm giữ, chi phối phần lớn khiến các cơ quan báo chí hoạt động rất khó khăn. Vì vậy, muốn góp phần giải quyết căn cơ tình trạng “báo hóa” TCĐT, các cơ quan chức năng, cơ quan hữu quan cần sớm nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần ngân sách để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí nói chung, TCĐT nói riêng có thêm nguồn kinh phí hoạt động, qua đó giải quyết phần nào khó khăn cho những người làm TCĐT, đồng thời phòng ngừa, giảm thiểu những bất cập, hạn chế, khuyết điểm của các TCĐT hiện nay”, PGS, TS Nguyễn Văn Dững nói.