THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:18

Bạo hành trẻ do lương thấp?

 

Hai tuần vừa qua xảy ra liên tiếp 4 vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành ở Lạng Sơn, Quảng Bình và Hà Nội khiến dư luận vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ. Vì sao những sự việc trẻ mầm non bị bạo hành đã được đưa ra truy tố, xử tù những người vi phạm, báo chí lên án mạnh mẽ, dư luận cũng có nhiều tiếng nói nhưng những hành vi trên vẫn không có chiều hướng thuyên giảm. Góc nhìn thẳng hôm nay có mời nhà văn Trang Hạ để cùng trao đổi thêm về vấn đề này.

Xin cảm ơn chị đã tham gia chương trình của chúng tôi.

Nhà báo Văn Chung:Liên tiếp đọc các tin tức trên báo chí về những vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành. Là một nhà văn, một người mẹ, một phóng viên giáo dục và nay hiện là một nhà hoạt động xã hội chị có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Nhà văn Trang Hạ:Thật ra mới khai giảng được 1 tháng nhưng liên tiếp có những tin về việc trẻ bị bạo hành từ Hà Nội, từ Quảng Bình và các địa phương. Trang Hạ cho rằng câu chuyện này đã lặp lại từ nhiều năm nay và chỉ có mức độ càng ngày càng tồi tệ hơn, thậm chí cô giáo trói tay, nhét giẻ vào mồm học sinh, v.v.

Khi đứng trước những tin tức như thế trong đầu Trang Hạ luôn có suy nghĩ xã hội sẽ lên án cô bảo mẫu nuôi dạy trẻ. Còn Trang Hạ nghĩ các cô bảo mẫu không được đào tạo đầy đủ và họ cũng không được trả đủ. Ai cũng biết mức lương các cô giáo rất thấp so với xã hội này. Nhưng không thể nhìn vào khối lượng công việc đó nên chúng ta nói vì lương thấp nên trách nhiệm ít đi. Chỉ có điều, có lẽ phải cân đối lại hoặc cân nhắc lại thu nhập của các cô giáo với mỗi cô phụ trách 20-25 cháu trong một lớp.

Nhà báo Văn Chung: Nếu như bạo hành xảy ra ở trường hợp người lớn nóng giận mà đánh trẻ em thì còn dễ hiểu. Nhưng những sự việc bạo hành trẻ em vừa qua lại xảy ra ở các cô giáo - ít nhiều có chút ít nghiệp vụ và phải qua sơ tuyển mới được vào làm việc và họ phải có tình yêu thương, chăm sóc đối với trẻ em khiến chúng ta không khỏi xót xa. Chị nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Nhà văn Trang Hạ: Tôi khẳng định là khi nóng giận người lớn cũng không được bạo hành trẻ con, kể cả đó là bố mẹ. Bởi vì trẻ không có khả năng tự vệ hoặc tìm cách để bảo vệ bản thân trước những đòn đánh đập, bạo lực của bảo mẫu hoặc thậm chí là bố mẹ.

Nhưng việc lên án các cô giáo mầm non cá nhân Trang Hạ cho rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng từ chính các trường mầm non, ví dụ như các trường mầm non trói tay trẻ là mọc chui hoặc chúng ta có nhớ năm ngoái cô bảo mẫu ở Bình Dương, bà bảo mẫu đánh đập trẻ, nhét trẻ vào lu nước để dọa ăn cũng đến từ những trường mầm non chui.

Thứ hai là khoảng trống trong triết lí giáo dục và đội ngũ người làm giáo dục của chúng ta.

 

Hình ảnh bé mầm non bị cô giáo trói chân tay, nhét giẻ vào miệng ở Quảng Bình hồi đầu tháng 10/2015 khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ

 

Nhà báo Văn Chung: Lương quá thấp theo chị có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay?

Nhà văn Trang Hạ: Cá nhân Trang Hạ từng có thời gian liên tục đưa các con đến trường bởi vì có hai con nhỏ đang ở độ tuổi mầm non. Và mình có theo dõi, quan sát hoạt động của trường công và trường tư và mình cho với khối lượng công việc của một cô bảo mẫu, mỗi cô phụ trách khoảng từ 20-25 trẻ hoặc 3 cô phụ trách 65 trẻ thì mức thu nhập thông thường phải rơi vào từ 15-20 triệu đồng thì mới tương xứng với khối lượng công việc và trách nhiệm mà các cô phải đảm nhận khi các cô phải có mặt ở trường trước 7h sáng và rời trường vào lúc 18h30, thậm chí 19h sau cuộc họp chuyên môn. Ngoài ra giờ nghỉ của cô cũng không có. Đấy là cảm nhận từ góc độ một phụ huynh của Trang Hạ.

Còn thực tế theo mức thu nhập của xã hội, rất khó để đong đếm vì sao ô-sin ở nhà lương lại cao hơn các cô ở trường mầm non. Mọi thứ đều có mức thang tương đối để so sánh. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là sức ép ở các cô giáo mầm non quá lớn.

Và điều thứ hai là có sức ép khổng lồ từ các bậc bố mẹ khi chúng ta không biết dạy cho các con tính chất, cá tính tốt. Nhưng ngược lại, khi giao con cho cô giáo lại đòi hỏi rất nhiều thậm chí có những thói quen tốt ở nhà trường ví dụ như việc ăn uống, tự phục vụ, lau miệng, rửa cốc hoặc đi vệ sinh thì về nhà bị bố mẹ phá vỡ.

Nhà báo Văn Chung: Các cơ quan quản lí khi gặp vấn đề này thường cho rằng các quy định đã có đầy đủ nhưng thực tế khi xảy ra các vụ việc vừa qua, vai trò của các cơ quan quản lí không được đề cao nhiều. Đối với một người làm truyền thông, tiếp xúc nhiều với báo chí, dư luận, bản thân chí có thấy nếu như chúng ta tăng cường hơn nữa vai trò của truyền thông, dư luận lên án mạnh mẽ hơn các hành vi bạo hành sẽ có tác dụng hiệu quả hơn hay chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lí hoặc chúng ta có biện pháp nào đó hữu hiệu hơn nhằm ngăn chặn việc bạo hành đối với trẻ em hiện nay?

Nhà văn Trang Hạ: Cá nhân Trang Hạ cho rằng vị trí của các cơ quan quản lí hiện nay nhất là từ cấp như sở GD-ĐT chẳng hạn họ chỉ xuất hiện trong hai trường hợp: cấp phép cho trường mầm non mới hoạt động, hai xuất hiện để xử phạt giống như việc cô giáo mầm non bịt miệng trẻ, trói chân tay trẻ,...Hai trường hợp xuất hiện cơ quan quản lí đó đều hoàn toàn không có giá trị gì đối với việc nuôi dạy trẻ cũng như chất lượng của trường mầm non.

Vì vậy có cán bộ quản lí nói đã có đầy đủ luật rồi, cứ mang ra mà xài thì cần phải xem lại luật. Bởi vì rõ ràng luật đã không ngăn chặn được những bi kịch.

Còn phần thứ hai rất quan trọng, nếu như chúng ta lên án các cô giáo mầm non, điều đó truyền thông làm rất dễ dàng, thậm chí mạng xã hội cũng làm việc hết sức dễ dàng. Nhưng để hỗ trợ, tạo ra môi trường tốt, thuận lợi giúp cho những trường mầm non, các cô giáo có cơ hội được tiếp xúc với giáo dục trình độ cao, có thu nhập cao hơn, có trách nhiệm và tình yêu thương, thậm chí có phương pháp sư phạm phù hợp hơn với từng nhóm trẻ thì điều đó rất cần cả xã hội chung tay, không phải chỉ cơ quan quản lí.

Xin cảm ơn nhà văn Trang Hạ đã có những chia sẻ hết sức chân thành!

Theo vietnamnet.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh