Bến xe Nam Thăng Long: Bao giờ “thượng đế” hết buồn?
- Y học 360
- 17:39 - 17/01/2015
Hình ảnh khách bị ép đẩy lên xe
Cưỡng chế lên xe... rùa bò!
Vừa vào bến đã bị “săn” khiến chúng tôi thoáng chút bực mình. Bỏ qua lời chào mời theo kiểu... khẩu lệnh, chúng tôi tìm đường vào bến. Thấy vậy, cậu lơ xe kéo xềnh xệch chúng tôi lại phía chiếc xe có đề biển: Hà Nội – Thái Nguyên đang từ trong bến đi ra. Biết khó “thoát”, nhưng do công việc cần đi và về trong ngày nên chúng tôi đành hỏi: Xe của em có chạy luôn không? Cậu lơ xe đon đả: “Xe em chạy ngay mà chị, quy định của bến rồi, không chạy cũng không được”. Vừa lúc chiếc xe ra tới nơi, chúng tôi bước lên xe, trong xe vắng tanh, chỉ có hai hành khách ! “Không có khách thế này, chắc gì xe đã chạy ngay”, chúng tôi đưa mắt ngầm bảo nhau vậy.
Những cảnh như thế này thường xảy ta tại các bến xe. Ảnh minh họa.
Đúng như dự đoán, chiếc xe từ từ đi qua cổng bến, sau đó chạy mà như... bò ở phía ngoài, vẫn địa phận gần bến xe, chưa ra ngoài đường. Thấy phía trước có một chiếc xe cũng đi Thái Nguyên đang dừng đèn đỏ để ra ngoài đường lớn, trong xe có nhiều hành khách hơn, trong khi chiếc xe đang “cõng” chúng tôi thì cứ chầm chậm lăn bánh, không thể kiên nhẫn hơn được nữa, cô bạn tôi nói với lái xe: Em đang có việc rất vội, cần đi sớm, anh cho em xuống, em không đi xe này nữa. Dẫu cả lái xe và lơ xe cùng lặng thinh trước lời đề nghị đó, nhưng do xe chưa... “bò” ra ngoài phố nên cửa cứ đóng, mở liên tục, nhờ vậy mà chúng tôi nhanh chân thoát khỏi chiếc xe “rùa bò”.
Kẻ ép khách, người chẳng dám... dây!
Chúng tôi vội vàng lên chiếc xe đi Thái Nguyên đã có hơn chục hành khách và được lái xe vồn vã chỉ chỗ ngồi. Yên vị, cả hai cùng thở phào bởi nghĩ nếu cố đeo bám xe kia thì muộn giờ hẹn làm việc trên Thái Nguyên và chiều cũng không kịp quay về Hà Nội. Nhưng, vừa ngồi chưa nóng chỗ, cậu lơ xe lúc nãy đã vội đập cửa xe và nhảy phóc lên, nói gằn giọng: “Hai chị xuống đi xe kia, em đã mua vé rồi”. Cô bạn tôi đáp lại: “Tự em mua vé đấy chứ, chị có nhờ em đâu, với lại bọn chị đang cần đi gấp kẻo lỡ việc, mà xe của em cũng chưa ra khỏi bến”. Cậu lơ xe không nói gì, cúi đầu bước xuống. Nhưng chỉ vài phút sau cậu ta lại chạy lên xe, vẻ mặt hách dịch và quát: “Hai chị xuống xe ngay, không được đi xe này”. Không thể kiềm chế hơn, tôi sẵng giọng hỏi lại: “Tại sao các chị lại không được đi xe này?” Đáp lại vẫn là câu chốt cụt lủn: “Các chị không thể đi xe này”. Chúng tôi chưa kịp phản ứng gì thì lái xe và vài hành khách trên xe lên tiếng: “Thôi, mời hai chị xuống cho, đừng vì hai chị mà ảnh hưởng đến chúng tôi, kẻo lại xảy ra án mạng...”. Phần vì ức chế, phần vì lòng tự trọng, không nỡ vì mình các hành khách khác bị ảnh hưởng, đáng sợ hơn là nghe hai từ “án mạng”, chúng tôi vội vàng bước xuống khỏi xe.
Vừa lúc ấy có một chiếc xe buýt đang dừng đèn đỏ, như thể là chiếc xe giải cứu cho chúng tôi vậy. Bước lên xe thật nhanh, chúng tôi vẫn ngoái đầu lại xem có bị cậu lơ xe đuổi theo không. Thật là hú vía! Xe buýt chạy hết địa phận Sóc Sơn, tới cuối bến chúng tôi xuống để bắt xe đi tiếp về Phổ Yên. Đứng chờ xe mà nỗi lo lại ập đến, sợ rằng gặp lại chiếc xe và cậu lơ xe vừa nãy thì chúng tôi hết đường mà chạy, rồi chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đang lo lắng thì có một xe chất lượng cao: Hải Phòng – Thái Nguyên chạy tới, chúng tôi vẫy và lên xe.
5 giờ chiều xong công việc, chúng tôi bắt xe để kịp về Hà Nội. Nỗi lo buổi sáng lại ập đến, chỉ sợ gặp lại “người quen”. Nhưng rất may, chúng tôi lại gặp được xe chất lượng cao Thái Nguyên – Hà Nội – Hải Phòng. Xe về tới bến, trả vé và lấy xe máy đi về cách bến xe khá xa, chúng tôi mới hoàn hồn, mới thật sự hết lo! Nhưng vẫn thấy ấm ức và bực mình nhiều lắm, dù vẫn biết, vẫn nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều về chuyện xe tranh giành khách với nhau, nhưng thật sự tôi không thể tin được ở ngay trong lòng thủ đô mà vẫn để tình trạng như trên xảy ra. Bến xe Nam Thăng Long hàng ngày có biết bao nhiêu lượt xe đi- về các tỉnh, vậy tại sao Ban quản lý bến xe lại buông lỏng, để tình trạng bắt ép hành khách diễn ra công khai, dai dẳng, đặc biệt nguy hiểm là tình trạng “làm luật” của các lơ xe... “đầu gấu”. Trộm nghĩ, nếu cứ mãi diễn ra tình trạng này, biết đâu án mạng có thể xảy ra...
Đáng buồn thay, trong một xã hội mỗi ngày một phát triển, con người ngày càng văn minh, nhưng tại sao vẫn còn xảy ra những chuyện “cướp ngày” ở bến xe Nam Thăng Long? Mong rằng, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và để hành khách thấy được sự thoải mái, thực sự yên tâm khi đi trên mỗi chuyến xe, các cơ quan chức năng nên có nhiều biện pháp nghiêm hơn; đồng thời mở lớp để giáo dục về lương tâm, đạo đức cho các lái xe và phụ xe để họ thấy được ý thức, trách nhiệm về mỗi hành động, suy nghĩ của mình...