Báo động tình trạng tự tử bằng thuốc diệt cỏ
- Y học 360
- 15:38 - 10/04/2021
Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân sinh năm 1999, trú tại Minh Thành, Quảng Yên được gia đình đưa vào viện cấp cứu sau khi uống thuốc diệt cỏ.
Theo gia đình, thời gian gần đây, có thể do áp lực về phía học tập mà thấy bệnh nhân buồn bã và ít nói. Nhưng không ngờ bệnh nhân lại tìm đến cách tự tử như vậy.
Rất may nhờ được gia đình phát hiện và cấp cứu kịp thời mà bệnh nhân đã không có nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các bác sĩ, thuốc diệt cỏ là một trong những độc tố gây hủy hoại cơ thể. Loại thuốc này thường chỉ được dùng trong lao động, sản xuất phục vụ cho nông nghiệp, lâm nghiệp khiến cho cây cỏ khô cháy.
Khi độc tố này vào cơ thể con người, dù chỉ 1 lượng rất nhỏ chừng 20ml cũng gây suy đa cơ quan, nặng nhất là xơ phổi, gây suy hô hấp cấp, thời gian tử vong nhanh trong vòng 1 - 2 giờ.
Từ thực trạng trên, để hạn chế tình trạng người dân uống thuốc diệt cỏ tự tử, cần quản lý chặt chẽ việc mua bán thuốc diệt cỏ. Khi phát hiện trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ phải khẩn trương đưa đến cơ sở y tế cấp cứu tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Mặc dù thuốc diệt cỏ đã bị loại ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng nó vẫn liên tiếp gây ra những cái chết thương tâm.
Theo PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, đối với những trường hợp uống thuốc diệt cỏ cơ hội được cứu sống rất ít, hiện nay tỉ lệ tử vong khi uống loại thuốc này lên tới 70%.
Sau khi bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ, hầu hết các độc chất của thuốc sẽ ngấm hết vào các bộ phận như: Phổi, thận và gây bệnh tại các bộ phận đó, tiếp tục sau đó sẽ đến gan. Có những bệnh nhân khi đến bệnh viện hết sức tỉnh táo, thậm chí sinh hoạt như người bình thường gần khoảng 1 tuần, rồi sau đó đến ngày thứ 7 mới có biểu hiện suy huy hấp, khó thở, oxi trong máu cũng giảm dần.
Do vậy, nhiều bệnh nhân rất chủ quan, sau khi đến bệnh viện huyện hoặc trạm xá được rửa dạ dày, thấy trong người khỏe khoắn nên đã dứt khoát xin về. Nhưng chỉ vài ba ngày sau khi triệu chứng nặng lên, lại đi tìm tới các bệnh viện lớn để chữa trị. Lúc đó tình trạng bệnh đã không còn cứu chữa được. Tỉ lệ cứu được hiện nay rất thấp, chỉ cứu được từ khoảng 20% - 30%.