THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:40

Báo động ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh

 

400 tỷ đồng mỗi năm để điều trị các bệnh do ô nhiễm không khí

Tại Hội thảo, ông Võ Tuấn Nhân cho biết ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì ô nhiễm không khí cũng đang trở thành một vấn đề nóng.

Trong bảng Chỉ số xếp hạng môi trường được công bố năm 2014, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng, thuộc tốp 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Chất lượng không khí tại Việt Nam theo Bảng xếp hạng này thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia.

 

Gia tăng đột biến các phương tiện giao thông khiến ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng

 

Theo đánh của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí đang là một vấn đề bức xúc đối với môi trường đô thị, công nghiệp và các làng nghề. Tại các khu công nghiệp, các trục đường giao thông lớn, môi trường không khí hiện đã bị ô nhiễm với các cấp độ khác nhau, nồng độ các chất ô nhiễm đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Trong khi đó, sự gia tăng dân số, gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông tại các thành phố, trong khi cơ sở hạ tầng còn yếu kém đã làm cho tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày một trầm trọng hơn.

Ô nhiễm đang gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, làm giảm sút hiệu quả công việc của mỗi người. Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, những năm gần đây có đến 72% hộ gia đình ở Hà Nội có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Thông tin từ Bộ Y tế cũng khẳng định, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, và một trong các nguyên nhân được xác định là do ô nhiễm không khí. Kết quả thống kê cứ 100.000 dân thì có đến 419 người mắc các bệnh về viêm phổi; 350 viêm họng và viêm amidan cấp; 273 viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Mỗi năm nước ta phải chi khoảng 400 tỷ đồng để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra…

Môi trường không thể cải thiện nếu chỉ hành động trên… giấy

GS, TS Trần Ngọc Chấn, cán bộ giảng dạy thuộc Viện Kỹ thuật môi trường (ÐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng , chỉ cần nhìn bảng chỉ số ô nhiễm cứ tăng đều hằng năm là thấy ngay trách nhiệm quản lý, năng lực ứng phó yếu kém của mỗi quốc gia. Dựa trên cơ sở trình độ khoa học công nghệ hiện nay, cùng với một hệ thống chế tài quy định và các ban, ngành quản lý các cấp thì Việt Nam có đủ cơ sở khả thi trong khâu xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí. Vậy tại sao, giảm thiểu ô nhiễm vẫn còn vấn nạn chưa có lời giải? Câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ là bởi ý thức trách nhiệm của mỗi người, từ cán bộ quản lý, các nhà khoa học đến từng người dân.

 “Chúng ta sẽ mãi không thể cải thiện được gì nếu vẫn chỉ hành động trên giấy. Bầu khí quyển cũng chẳng thể trong lành nếu chỉ chờ các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, hằng ngày, không ít nhà máy, xí nghiệp chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, bất chấp hậu quả, vụng trộm xả nước thải - khí thải chưa qua xử lý ra môi trường; từng đoàn dài xe quá khổ quá tải không che chắn chạy mù đường; nạn khai thác gỗ, khoáng sản, phá rừng tràn lan”... GS, TS Trần Ngọc Chấn nhấn mạnh.

 

Khẩu trang luôn là vật bất li thân với người dân khi ra đường

 

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, đã đến lúc cần phải tập trung vào các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm theo nguồn lực của Việt Nam. Theo đó, phấn đấu trong hai năm 2016 và 2017, phải kiểm kê được khí thải của cơ sở sản xuất nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất và phân bón.

“Quan điểm của chúng ta là phòng ngừa quan trọng hơn xử lý hậu quả, do đó, chúng ta cần phải quan tâm tới các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất và phân bón - đây là những lĩnh vực có nguồn xả thải lớn và gây ô nhiễm nghiêm trọng trong công nghiệp.Trong đó, Hà Nội, T.P  Hồ Chí Minh là hai điểm cần quan tâm trước. Chúng ta cũng phải kiểm kê, kiểm soát được chất thải và khí thải, bởi vì nơi đây giao thông rất lớn, dân cư đông, công nghiệp nhiều nên ô nhiễm môi trường phải thắng thắn nhìn nhận là đã đến lúc báo động rồi.”  ông Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

 

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh