CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:57

Báo động những con số biết nói

Toàn thế giới vừa sốc vừa lo lắng trước đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19 với tốc độ lây lan tại Mỹ và châu Âu còn dữ dội hơn so với đợt bùng phát lần đầu tiên khiến nhiều khu vực phải một lần nữa đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời đối mặt với "một mùa đông chết chóc".

Điều đáng nói là hai trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là những vùng dịch lớn là Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai bùng phát dịch bệnh Covid-19. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 8,9 triệu ca nhiễm và hơn 230 nghìn trường hợp tử vong. Điều lo lắng là nước Mỹ trải qua 3 ngày liên tiếp từ 24 đến 26/10, ghi nhận thêm mỗi ngày khoảng gần 90 nghìn ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Đây cũng là những ngày có ca nhiễm mới nhiều nhất tại Mỹ kể từ khi dịch bùng phát đợt đầu tiên từ tháng 3/2020.

Báo động những con số biết nói  - Ảnh 1.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cảnh báo mới nhất đưa ra ngày 25/10 đã tỏ ra rất quan ngại về tốc độ lây lan của dịch Covid-19 khi 3 ngày liên tiếp nhiều nước trên thế giới ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục. Trong đó, riêng ngày 24/10, toàn thế giới ghi nhận thêm 465.319 ca mắc Covid-19 mới, một nửa trong số này tập trung tại châu Âu.

Nguyên nhân chính khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt với đợt bùng phát mạnh của dịch Covid-19, theo các chuyên gia, là do những biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội cùng sự buông lỏng quản lý, tâm lý chủ quan, lơ là của người dân. Cũng có nguyên nhân quan trọng khác là sự chán nản của người dân trước các biện pháp cách ly chống dịch Covid-19, cùng với những khó khăn kinh tế đã khiến cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan càng trở nên khó khăn.

Cũng ngày 25/10 WHO đã phải lên tiếng cảnh báo rằng, sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 tại nhiều khu vực trên thế giới đang đe dọa khả năng chịu đựng của hệ thống y tế trong việc đối phó với làn sóng dịch thứ hai. Theo WHO, nhiều Chính phủ đang phải vật lộn để cân bằng giữa các biện pháp hạn chế chống dịch mới với việc phục hồi các nền kinh tế vốn đang rơi vào trì trệ do ảnh hưởng từ các biện pháp cách ly hà khắc từ những tháng đầu năm.

Để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19, nhiều quốc gia châu Âu đã buộc phải áp đặt một loạt các biện pháp chống dịch mới, trong đó để tránh áp đặt các biện pháp cách ly toàn quốc, hầu hết các nước đã áp đặt các lệnh giới nghiêm ban đêm và gia tăng các biện pháp cấm tập trung đông người nơi công cộng. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, hiện có quá nhiều quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca mắc Covid-19 và điều này khiến các bệnh viện và hệ thống chăm sóc đặc biệt đang phải hoạt động gần bằng hoặc quá công suất. Người đứng đầu WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động ngay lập tức để ngăn chặn những cái chết không đáng có tiếp theo trong mùa đông năm nay.

Việt Nam chúng ta hiện vẫn đang kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 khi 55 ngày qua không phát hiện ca mắc mới nào tại cộng đồng, trong đó Hà Nội đã gần 70 ngày và TP.Hồ Chí Minh là 85 ngày. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp và khó lường, do đó chúng ta tuyệt đối không được tự mãn, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19 mà đợt lây lan tại Đà Nẵng cuối tháng 7 vừa qua là bài học sâu sắc.

Để có được thành quả chống dịch Covid-19 hôm nay, chúng ta hơn lúc nào phải đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, đặc biệt "thông điệp 5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế") chính là "Lá chắn thép" để bảo vệ trước đại dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phải thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng.

Báo động những con số biết nói  - Ảnh 3.

 

THANH MẠNH (Theo WHO)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh