THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:11

Báo động chất lượng không khí ở đô thị lớn

Báo động chất lượng không khí ở đô thị lớn - Ảnh 1.

Vào lúc 8 giờ sáng 24/9, nhìn từ trên cao, thành phố Hà Nội vẫn đang bị bao phủ một màn sương mờ mịt. (Ảnh: H.V/Vietnam+).

Thông tin từ báo Congly.vn cho biết, liên tiếp những ngày qua, nhiều đô thị lớn, các điểm đo mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại chìm trong sắc đỏ. Tình trạng này kéo dài liên tục nhiều ngày qua, AQI đo tại hơn 20 điểm ở Hà Nội luôn ở ngưỡng trên 100 (mức "xấu").

AQI là chỉ số đánh giá chất lượng không khí theo khu vực giúp nhận biết không khí ở khu vực đó trong lành hay ô nhiễm và mức độ ô nhiễm cao đến mức nào, ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao.

Tại điểm đo Tây Hồ (Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) lúc 6h sáng ngày 25/9 lên tới 179. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại điểm đo này là 109,3 µg/m3, cao gấp 5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí thời gian qua trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại 20 vị trí cho thấy, ô nhiễm bụi, nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí vẫn ở mức cao. Theo cáo báo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức báo động.

Báo cáo nghiên cứu hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề môi trường đô thị do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cũng cho thấy, hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, trong đó ô nhiễm do khói bụi là là vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại nhất.

Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại các đô thị được xác định là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải rắn, đặc biệt là các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào như đốt rơm rạ, hay hoạt động phát thải của các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận.

Báo động chất lượng không khí ở đô thị lớn - Ảnh 2.

Ô nhiễm không khí là nỗi lo của người dân ở các đô thị lớn những ngày qua.

Trong số các nguồn phát thải làm "bẩn" không khí đô thị, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe mô tô, xe gắn máy đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí. Các khí thải chủ yếu là SO2, NO2, bụi (TPS, PM10, PP2,5).

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm bầu không khí đô thị, tin từ Vietnamplus.vn cũng cho biết, ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân góp phần làm ô nhiễm "bầu không khí đô thị" bởi các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm không khí như: Khí thải từ của các nhà máy nhiệt điện chủ yếu từ khu vực lò hơi có chứa nhiều chất ô nhiễm; mùi và khí thải từ các bãi thải lộ thiên; đặc biệt là tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt.

Hiện tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt đã trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi," xảy ra ở hầu hết các tỉnh ở Đồng bằng Sông Hồng, đặc biệt là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương… Đây được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng khói mù ngột ngạt, dày đặc bao quanh thành phố Hà Nội.

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh