THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:20

Báo chí và cuộc chiến chống Covid-19

Báo chí và cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 1.

Phóng viên, lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin chống dịch Covid-19. Ảnh Internet.

Lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin chống dịch

Ông Hoàng Văn Lý, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội chia sẻ: Từ cảm nhận của một độc giả, tôi nhận thấy chưa bao giờ thông tin báo chí lại được người dân theo dõi sát sao như thời điểm xảy ra dịch Covid-19.  Mỗi ngày, chỉ cần mở máy tính hay cầm chiếc điện thoại là chúng ta có thể cập nhật được ngay diễn biến của đại dịch Covid-19 không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Tất cả những dòng thông tin ấy đều được thể hiện sinh động qua ngòi bút, trái tim của các nhà báo, những ấn phẩm, chương trình của các cơ quan truyền thông, những câu chuyện đẹp trong thời dịch được báo chí chuyển tải đã mang đến luồng gió mới, góp phần tạo ra không khí lạc quan, tinh thần đoàn kết, sẻ chia.

Trước "ma trận" thông tin về dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội khiến người dân hoang mang, lo lắng, thông tin báo chí đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh", ông Lý nói.

Bà Trần Thị Lộc, phố Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho biết, ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều cả gia đình tôi lại chăm chú lắng nghe truyền hình thông báo về số ca mắc Covid-19 mới. "Với sự trông ngóng thông tin hàng ngày, hàng giờ của người dân như vậy đã đặt lên vai người làm báo một sứ mệnh cao cả là cần phải đưa tin "nhanh nhạy, tin cậy và chính xác".

Ngoài ra, họ phải nắm chắc mọi diễn biến của dịch bệnh và chủ trương chính sách chống dịch của Chính phủ, họ phải "xông pha" vào bệnh viện, khu cách ly, vùng đang giãn cách để tác nghiệp, nhưng đồng thời phải làm sao để bảo đảm an toàn cho mình và mọi người. Mong rằng các nhà báo luôn là những người bạn tin cậy của bạn đọc xa, gần", bà Lộc nói.

Chia sẻ về vai trò truyền thông trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chị Nguyễn Hoan, TP.Hồ Chí Minh bày tỏ, việc nhanh chóng kịp thời cập nhật tin tức hàng ngày của truyền thông về dịch bệnh Covid-19, không chỉ giúp  chị và mọi người dân nắm bắt được khu vực nhiễm bệnh, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, tình hình diễn biến của bệnh nhân, cũng như những ca bệnh mới mắc hay đã được chữa khỏi, mà còn tránh đi đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; đặc biệt, còn gián tiếp giúp chị có được tin tức của người thân làm việc ở tuyến đầu chống dịch. 

 "Để có những bản tin, tin tức, bài báo hay những tấm ảnh chạm đến hàng triệu trái tim người dân đất Việt, đội ngũ phóng viên đã phải đối mặt với những rủi ro nguy cơ tiềm ẩn mà có thể liên lụy đến bản thân và gia đình; họ đã, đang và vẫn tiếp tục ngày đêm thầm lặng "xông pha trận mạc" ở khu vực cách ly, đến tận giường bệnh cùng lực lượng tuyến đầu. Lực lượng báo chí sau mỗi lần tác nghiệp đến vùng có dịch bắt buộc phải cách ly thời gian theo đúng quy định, vì vậy mỗi bản tin đến với bạn đọc là đâu đó thêm một vài người phải xa gia đình đến cả tháng trời", chị Hoan chia sẻ.

Báo chí và cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 2.

Các phóng viên tác nghiệp tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. Ảnh internet.

Niềm tin của xã hội vào báo chí tăng lên nhiều

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận: "Qua dịch Covid-19 đã thể hiện niềm tin của xã hội vào báo chí tăng lên nhiều. Báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin về dịch Covid-19 và điều tiết mạng xã hội dù số người đọc mạng xã hội nhiều hơn báo chí. Hầu hết các tin bài đều đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị và người dân cả nước triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch; phản ánh khách quan sự chủ động, hiệu quả trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, ngành y tế, quân đội, công an, cả hệ thống chính trị, các địa phương và nhân dân. Qua đó, khích lệ các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ; người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác chỉ đạo và triển khai phòng chống dịch của Chính phủ. Qua thông tin đại chúng, nhân dân cả nước hiểu đầy đủ, đúng các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước để chia sẻ, chung tay cùng cả nước phòng chống dịch.

Đồng thời, cũng trong thời gian này, báo chí cũng đã tăng cường đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên các trang mạng xã hội, lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội; đưa tin kịp thời việc các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch, từ đó góp phần để các lực lượng tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống đại dịch thay vì phải "chống giặc trên mạng", từ đó đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19.

Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nhận định, báo chí đã tuyên truyền tích cực, rõ nét về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công tác chỉ đạo được thực hiện theo mô hình tác chiến hiệu quả, tương tác cao, trở thành nguồn tin ban đầu để các báo cập nhật thông tin. Các cơ quan báo chí không chạy theo việc đưa tin tức đơn thuần về các ca bệnh, mà tăng cường thông tin tuyên truyền việc ứng xử đối với người bệnh, người bị cách ly, khuyến cáo không kỳ thị những nhóm người mắc bệnh.

Báo chí cũng đã chuyển hướng mạnh với những tin, bài nhân văn, chống lại sự kỳ thị, tổ chức các tuyến bài dài hơi, chất lượng, đưa thông điệp để người dân sống tốt, an toàn, ý nghĩa hơn, quan tâm đến người già, gia đình, hướng nội hơn. Nhiều cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin, bài về những mục tiêu kép vừa phòng chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh những mô hình vượt khó của doanh nghiệp, tổ chức, những cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế khó khăn…

Đánh giá về vai trò của báo chí trong cuộc chiến phòng Covid -19, GS,TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, qua những đợt dịch Covid-19 bùng phát cho thấy bài học minh bạch về thông tin truyền thông trong công tác phòng chống dịch rất quan trọng. Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các lực lượng truyền thông tham gia chống dịch trên mặt trận tuyên truyền, tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch về phòng chống dịch. Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều nhanh chóng truyền tải đến với công chúng, để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh.

"Chúng tôi rất cảm ơn lực lượng truyền thông đã rất sáng tạo trong công tác phòng chống dịch, có cả những bài hát, câu vè… Chúng ta có 98 triệu dân nhưng các nền tảng xã hội đã gửi 20 tỷ tin nhắn cảnh báo đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch", GS,TS Nguyễn Thanh Long cho biết.

Trung tuần tháng 5/2020, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) đã công bố cuộc thăm dò ý kiến độc giả để đo lường mức độ tín nhiệm đối với truyền thông tại một số quốc gia trên thế giới liên quan đến việc đưa tin về dịch Covid-19. Trong số đó, 89% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ tin tưởng vào truyền thông trong nước. Phân tích cũng chỉ ra rằng có đến 97% người Việt Nam tin tưởng Chính phủ xử lý rất tốt dịch Covid-19.

Nguyễn Síu - Cù Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh