THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:59

Báo chí thời công nghệ số: Kiểm soát để củng cố niềm tin công chúng

 

Khi hiệu quả đi kèm với hệ lụy
Trong nhiều năm qua, báo điện tử đã và đang phát huy rõ vai trò cung cấp thông tin đến đông đảo người dân, với lợi thế  nhanh chóng, sinh động, tiện lợi đã khiến cho loại hình này dần chiếm lĩnh thông tin trong đời sống xã hội. Với một quốc gia có hơn 16 triệu lượt người sử dụng internet như Việt Nam, cùng với sự bùng nổ của thời kỳ công nghệ số hiện nay, bên cạnh phải cạnh tranh lẫn nhau, các tờ báo còn phải cạnh tranh “khắc nghiệt” với “cơn lốc” của các loại hình khác, đó là các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter...

 

Hiện nay bên cạnh phải cạnh tranh lẫn nhau, các tờ báo còn phải cạnh tranh với “cơn lốc” của các loại hình khác như Facebook, Zalo, Twitter...

 

Và cuộc chiến cạnh tranh thông tin khiến nhiều tờ báo đã dần “đánh mất chính mình”, đăng tải thông tin hời hợt, thiếu kiểm chứng, không chính xác, làm ảnh hưởng tới uy tín quốc gia, mang tính kích động hoặc gây hoang mang trong dư luận, vi phạm luật pháp, thậm chí có nhiều nhà báo bị cuốn hút vào những khoản lợi lộc gấp nhiều lần nhuận bút, tiền lương. Chính điều này đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý trong việc giám sát báo điện tử  trước những nguy cơ, cạm bẫy phải đối diện. Để hiểu rõ hơn, PV đã có cuộc trao đổi với Đại tá-Nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam vấn đề này.
Theo nhà báo Nguyễn Hòa Văn, trước áp lực của kinh tế thị trường, việc báo điện tử phải tăng số lượng bạn đọc để có thể tự nuôi mình là điều dễ hiểu, tuy nhiên báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng vẫn luôn phải đảm báo tính định hướng, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Các trang báo điện tử hiện nay được ví như “trung tâm thương mại” bày đủ các loại sản phẩm, cái gì cũng có. Thông tin thừa nhưng lại thiếu, thừa bởi cơ quan báo chí quá tham lam trong việc cung cấp thông tin mà chưa chú trọng đến tôn chỉ mục đích, phạm vi thông tin của mình, thiếu vì những gì cần viết nhiều, nói sâu thì độc giả lại ít tìm thấy. 
Không những thế, nhiều Tạp chí điện tử chuyên ngành hẹp, là cơ quan thông tin lý luận, nghiệp vụ của ngành, của địa phương, nhưng hoạt động không đúng tôn chi, mục đích, lập ra cơ quan đại diện với đội ngũ phóng viên, cộng tác viên không có hoặc kém chuyên môn khắp nơi nhằm mục đích viết bài thì ít, nhưng theo dõi, khai thác những “góc khuất”, những sơ hở của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm vu lợi cá nhân thì nhiều. 
Nhà báo Nguyễn Hòa Văn cũng chỉ thẳng, một trong những vấn đề gây nhức nhối tuy đã “biết rồi, nói mãi” nhưng vẫn chưa bao giờ xưa cũ đó là vấn đề suy thoái đạo đức trong hành nghề của một bộ phận phóng viên báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng. Song hành với sự nở rộ của loại hình báo điện tử thì cụm từ “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” cũng ra đời và được người ta nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. 

 

Đại tá-Nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam.

 

Chỉ vì một mối quan hệ hoặc có chút lợi ích cá nhân nhất thời mà cơ quan báo chí chỉ đạo phóng viên hoặc là tự thân nhà báo sẵn sàng bẻ cong ngòi bút, cho ra đời những “đứa con tinh thần” què quặt, phiến diện, nhuốm màu sắc chủ quan. Nhiều bài viết vừa đăng lên nhưng lập tức “bốc hơi” không để lại dấu vết sau khi tòa soạn nhận được cuộc điện thoại hoặc một lần gặp gỡ. Nếu có để lại thì sản phẩm cũng đã bị nhào nặn, phẫu thuật hết phần tiêu cực, làm cho bài báo “méo mó” viết ‘chê thành khen, xấu thành tốt”. Đây là những vấn đề nhức nhối đặt ra đối với các cơ quan quản lý báo chí đối với loại hình báo điện tử, cần phải nhìn thẳng, không thể né tránh. 
Công cụ giám sát tăng trách nhiệm sàng lọc thông tin
Để tham gia giám sát thi hành pháp luật về báo chí và ngăn chặn cơ quan báo chí, nhà báo - hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đặt trách nhiệm với xã hội, với độc giả lên trên hết, ngày 1/8/2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức đưa vào sử dụng thiết bị ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử, trang thông tin điện tử do Bô Thông tin – Truyền thông cấp phép. 
Nhà báo Nguyễn Hòa Văn cho biết: thiết bị hoạt động 24/24, cung cấp cụ thể thời gian đăng, sửa, gỡ bài, nội dung bài bị gỡ, sửa. Nhờ thiết bị này, từ đầu tháng 8/2017 đến nay, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành theo dõi gần 200 báo điện tử, một số trang thông tin điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. 

Từ khi phần mềm theo dõi việc gỡ bài, sửa bài đi vào hoạt động, việc gỡ bài đã giảm hẳn.

Do có phần mềm theo dõi việc gỡ bài, sửa bài nên việc nhờ gỡ, áp đặt gỡ, “chạy” để gỡ không xảy ra như trước đây. Theo đó, số lượng bài bị gỡ cũng đã giảm hẳn. Tháng 8/2017 (khi chạy thử chưa công bố có phần mềm giám sát) có 188 bài bị gỡ. Sau khi công bố có phần mềm giám sát tháng 9/2017 có 77 bài bị gỡ. Các tháng cuối năm 2017 giảm dần. Đến tháng 5/2018 chỉ có 4 bài. “Đã có lần tôi báo cáo đồng chí Chủ tịch Hội Thuận Hữu về việc báo Nhân dân có bài bị gỡ, đồng chí chỉ đạo phải thống kê, báo cáo hết. Các báo phải giải trình lý do gỡ với Ban Tuyên giáo Trung ương, báo Nhân dân cũng vậy, không có ngoại lệ. Từ sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo hội, Cổng TTĐT càng phải đề cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý,sự dụng có hiệu quả phần mềm ứng dụng đạt yêu cầu mong muốn” - Nhà báo Nguyễn Hòa Văn cho biết.
Về việc xử lý phóng viên, cơ quan báo chí liên quan đến gỡ bài, sửa nội dụng, theo nhà báo Nguyễn Hòa Văn, “nhiều trường hợp bài bị gỡ là do thiếu thận trọng trong thẩm định, biên tập. Tuy nhiên càng về sau số lượng bài gỡ ít hơn nhiều nên khi đã gỡ thường là những bài có vấn đề. Những bài có dấu hiệu tiêu cực, Ban Tuyên giáo Trung ương có chỉ đạo giải trình, sau khi giải trình nếu xét thấy cần phải tiếp tục làm rõ thì sẽ có chỉ đạo tiếp. 
Trong thời gian gần đây, để đối phó với phần mềm theo dõi của Hội Nhà báo Việt Nam, đã xuất hiện tình trạng một số tờ báo thay vì gỡ bài đã đối phó bằng việc “thay ruột”, tức thay nội dung, tiêu đề bài báo thì phản ánh sai phạm, tiêu cực, nhưng nội dung thì bị đổi, viết khen ngợi. Về việc này, nhà báo Nguyễn Hòa Văn chia sẽ: “Chúng tôi theo dõi được cả bài bị gỡ và bài bị sửa.Tuy nhiên do lực lượng chuyên trách của Cổng TTĐT còn ít nên việc báo cáo bài bị sữa chưa thực hiện được. Hàng ngày có hàng chục bài bị sửa, nhưng để lọc ra bài bị sửa có vấn đề cần phải có thêm lực lượng chuyên môn”. 
Theo ý kiến của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo việc tổ chức sơ kết công tác quản lí sử dụng thiết bị theo dõi gỡ bài, sửa bài, từ đó có biện pháp nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lí và nâng cấp phần mềm ứng dụng nhằm bảo đảm hiệu quả tốt nhất trong quá trình sử dụng thiết bị. 
Nhân đây cũng cần cảnh báo thêm, chúng tôi phát hiện có dấu hiệu một số báo điện tử dùng biện pháp kĩ thuật để né tránh việc theo dõi của thiết bị nói trên. Đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo theo dõi, làm rõ để có biện pháp ngăn chặn.
Một vấn đề ngoài phạm vi chức năng nhiệm vụ của Hội Nhà báo, chúng tôi thấy: ngoài các báo và Trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, có một số trang thông tin điện tử do Sở Thông tin Truyền thông cấp phép  có hiện tượng lạm dụng chức năng hoạt động của báo chí điện tử, tùy tiện sản xuất, đăng, gỡ bài, sửa bài. Đây đang là khoảng trống chưa có sự kiểm soát.
Với những kết quả trên cho thấy, thiết bị ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò trong việc kiểm soát mặt trái của báo điện tử. Cơ quan báo chí có sự thận trọng hơn trong quy trình xuất bản, thực hiện công tác biên tập, thẩm định, duyệt đăng được tiến hành chặt chẽ hơn. Nhờ vậy niềm tin của công chúng đối với báo chí được củng cố.

CHU LƯƠNG (Ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh