Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc
- Tây Y
- 20:45 - 16/06/2021
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu kết luận hội nghị công tác báo chí, xuất bản 6 tháng đầu năm, sáng 16/6.
Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương cho rằng 6 tháng đầu năm công tác báo chí, xuất bản "đầy ắp sự kiện quan trọng", và "hết sức đặc biệt", thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, việc chấp hành chỉ đạo, định hướng, quản lí báo chí ngày càng được tăng cường. Báo chí, xuất bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ động trong thông tin, tuyền truyền, trong dự báo, phát hiện nắm bắt tình hình cũng như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề mới trong đời sống xã hội. Những vấn đề mới, phức tạp cũng đã được nhận ra, giải quyết kịp thời…
Bên cạnh kết quả thì công tác báo chí, xuất bản 6 tháng đầu năm cũng bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, trong đó có những thiếu sót, hạn chế đã được nhận diện, chỉ ra từ lâu nhưng chậm được khắc phục. Bên cạnh đó cũng có những hạn chế mới nảy sinh như chất lượng tham mưu chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; công tác định hướng chính trị, tư tưởng trong thông tin trên báo chí có lúc, có trường hợp chưa thật kịp thời, thiếu chiều sâu. Ý thức, sự nhạy cảm chính trị của lãnh đạo một số cơ quan báo chí, xuất bản, người làm báo, người làm xuất bản còn hạn chế. Tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, chưa đề cao việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, xu hướng khai thác, khơi gợi, đề cập lại những vấn đề lịch sử theo một quan điểm khác với quan điểm chính thống hoặc đã được kết luận trước đây. Thông tin thiếu toàn diện, có cách nhìn nhận những vấn đề trong đời sống xã hội theo hướng gai góc, mang tính tiêu cực tiếp tục diễn ra.
Đặc biệt, việc phát hiện, điều chỉnh, quản lí, xử lí thông tin sai sự thật, tiêu cực, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội chưa được kịp thời và nghiêm túc. Việc quản lí phóng viên, người làm báo, văn phòng đại diện còn lỏng lẻo…
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh báo chí, xuất bản cần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt qui hoạch báo chí, xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại như tinh thần của nghị quyết đại hội Đảng.
Báo chí cần tập trung tuyên truyền thật tốt những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021 và nhiệm kì 2021-2026. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của nhà nước, sự phối hợp với Hội Nhà báo, Hội xuất bản và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lí hoạt động báo chí, xuất bản. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả qui hoạch phát triển và quản lí báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Các cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cơ quan báo chí, xuất bản trực thuộc; tăng cường rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức, điều hành hoạt động cơ quan báo chí, xuất bản để phát hiện và xử lí kịp thời các sai phạm. Chú trọng quản lí hoạt động của phóng viên, cộng tác viên, phóng viên thường trú…
"Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác tuyên truyền cần đổi mới hơn. Muốn vậy các cơ quan quản lí, chủ quản cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí. Cần hiện đại hóa báo chí trong thời đại khoa học công nghệ phát triển để báo chí có điều kiện hoạt động, phát triển hiện đại hơn…", ông Nguyễn Trọng Nghĩa kết luận.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ báo chí, xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết công tác chỉ đạo, thông tin định hướng báo chí tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát tình hình thực tiễn.
Về thông tin báo chí, có thực trạng thông tin không phù hợp tôn chỉ, mục đích mà chạy theo khuynh hướng thông tin giật gân, câu khách. Hiện tượng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin tổng hợp có giảm song vẫn còn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú còn nhiều bất cập. Còn hiện tượng thông tin không đúng sự thật, thiếu cân đối, thiếu cân nhắc trong rút tít. Nhiều cơ quan báo chí chạy theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít câu view, sử dụng thông tin, hình ảnh không phù hợp, phản cảm.
Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng về thông tin, gây tác động tiêu cực trong dư luận xã hội. Tình trạng nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật của phóng viên, cộng tác viên có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm…
Phát biểu tham luận, Trung tướng Mai Văn Hà, cục trưởng Cục Truyền thông Bộ Công an, cho rằng báo chí cần tăng cường tuyên truyền "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", cần lan tỏa các thông tin người tốt việc tốt. Muốn vậy, phóng viên cần không ngừng được nâng cao trình độ nghiệp vụ để người làm báo "phải nhiệt huyết". Cơ quan chủ quản, lãnh đạo cần mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu cho báo chí.
Cục trưởng Cục Truyền thông Bộ Công an cũng cho rằng hiện các hành vi xuyên tac, bịa đặt, vu khống vẫn xuất hiện hàng ngày trên mạng xã hội, "chứng tỏ công tác xử lí sai phạm rất hạn chế", nên đề nghị các cơ quan quản lí, cơ quan liên quan cần có giải pháp triệt để.
Thứ trưởng Bộ Thông tin, truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng cho biết thời gian qua thực hiện qui hoạch, phát triển báo chí đã được triển khai, đến nay đã giảm gần 100 đầu mối cơ quan báo chí. Việc quản lí báo chí có tiến bộ hơn, bởi qua qui hoạch, các cơ quan chủ quản cũng đã hiểu được hơn là mình phải làm gì với cơ quan báo chí thuộc cấp mình.
"Đề nghị các cơ quan chủ quản tiếp tục rà soát lại, và nếu cần sắp xếp lại các cơ quan báo chí của mình cho hợp lí. Về phía Bộ Thông tin, truyền thông, sau năm 2025 sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí toàn quốc…", ông Bảo phát biểu và đề nghị tới đây các cơ quan quản lí, cơ quan chủ quản báo chí nghiên cứu để có cơ chế "đặt hàng" báo chí, coi như đây là hình thức hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí hoạt động.