CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:36

Báo chí góp phần phản biện, xây dựng chính sách

 

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng; Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo cơ quan báo chí.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cảm ơn báo giới đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ và cả nước, góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc thông tin vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương và các chương trình của Chính phủ, hoạt động báo chí góp phần đắc lực vào việc phản biện, xây dựng chính sách tạo bước tiến rất rõ rệt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng, sự chỉ đạo của Chính phủ về một số vấn đề liên quan tới người dân như: Y tế, vệ sinh thực phẩm, đổi mới giáo dục... nếu không có sự tuyên truyền, đặc biệt là phản biện góp ý xây dựng chính sách của báo chí thì Chính phủ và các Bộ, ngành không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 

Phó Thủ tướng chia sẻ với những thách thức của báo chí đang phải đối mặt, đó là vấn đề bao cấp, thu nhập của cán bộ, phóng viên và người lao động trong các cơ quan báo chí... Cho dù báo chí không đơn thuần chạy theo tính thương mại, nhưng phải dành tâm lực lớn để lo kinh tế phát triển đời sống của người làm báo được nâng lên. Thực tế hiện nay cho thấy, báo chí với sự tham gia của các hình thức như mạng xã hội, báo đài của nước ngoài, bởi vậy, đội ngũ những người làm báo nước ta phải vào cuộc cạnh tranh thông tin lớn hơn, đặt ra thách thức lớn cho làng báo, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, Chính phủ cùng Ban Tuyên giáo TW sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, không chỉ đơn thuần xử lý vi phạm mà còn tạo môi trường cho báo chí phát triển thuận lợi hơn, đúng hơn, lành mạnh hơn. Trong đó, tăng cường quản lý về bản quyền để bảo vệ quyền hợp pháp của các cơ quan báo chí; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của từng nhà báo. Phó Thủ tướng mong muốn Ban Tuyên giáo TW và các cơ quan báo chí phối hợp với Chính phủ để công tác quản lý nhà nước về báo chí được tốt hơn trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng đã biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của báo giới trong năm 2016 vừa qua. Đồng thời, Trưởng Ban Tuyên giáo TW đã nêu một số thách thức đối với báo chí cần phải chú ý trong năm 2017:

Hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ với nền tảng công nghệ số hóa, dẫn tới công nghệ truyền tin, chia sẻ thông tin tác động lớn đến hoạt động tác nghiệp của người làm báo. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới, thậm chí đi ngược lại xu hướng truyền thống. Trong bối cảnh ấy, nếu đội ngũ phóng viên không cập nhật kiến thức kỹ năng phương thức làm báo, trau dồi bản lĩnh chính trị thì sẽ tụt hậu không đáp ứng yêu cầu. Một số nhà báo có kiến thức dưới mức trung bình kiến thức của xã hội, như vậy làm sao khai sáng, dẫn dắt, định hướng, có sản phẩm hay, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu vấn đề tại Hội nghị

Mặt khác, sự tác động rất sâu của doanh nghiệp và lợi ích nhóm đối với báo chí đang làm biến dạng nền báo chí cách mạng. Đây là thách thức rất lớn. Do vậy, báo chí cách mạng phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên, bảo vệ lẽ phải, giữ vững cốt cách của nền báo chí cách mạng.

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng dẫn chứng: Vụ nước mắm vừa qua là chuyện rất nhỏ trong chuyện xâm nhập lợi ích nhóm của doanh nghiệp vào báo chí. Trên thực tế có những vụ nghiêm trọng nhưng không đủ bằng chứng để xử lý. Điều này đặt ra cho cơ quan chủ quản và báo chí phải rà soát đội ngũ của mình.

Mặt khác, sự biểu hiện "tự diễn biến",  "tự chuyển hóa" trong chính đội ngũ người làm báo cũng là vấn đề cần phải chỉ rõ. Gần đây bộc lộ tình trạng nhiều nhà báo sống hai mặt. Một mặt là nhà báo viết bài báo rất hay, một mặt là facebook viết những lời lẽ xấu xí, chửi thề hết người này đến người khác... Hiện xu hướng báo giấy sẽ giảm, báo mạng sẽ lên ngôi, khoa học công nghệ và các hình thức báo sẽ lên ngôi trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Bạn đọc, người nghe, người xem sẽ từ từ tìm kiếm thông tin trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ, do đó báo chí chúng ta phải tìm cách tiếp cận. Vấn đề kinh tế báo chí, truyền thông cũng là vấn đề lớn cần lưu tâm, hiện nhiều hãng truyền thông, công ty ở nước ngoài chi phối báo và hưởng lợi, còn trong nước hưởng lợi không được bao nhiêu.

Trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan định hướng, quản lý báo chí cần tập trung làm tốt một số việc trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền để cổ vũ cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện Nghị quyết XII của Đảng và các Nghị quyết của TW, của Quốc hội, Chính phủ. Coi trọng việc phát hiện, cổ vũ, động viên các điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phê phán tiêu cực, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; chống lợi ích nhóm, tạo diễn đàn để các tầng lớp nhân dân hiến kế để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng.

Thứ hai, tiếp tục phát huy kết quả năm 2016 để tạo bước chuyển biến lớn trong năm 2017, kịp thời thống nhất trong chỉ đạo và định hướng thông tin theo nguyên tắc chỉ đạo thông tin của Đảng và các văn bản của Đảng về vấn đề này trên phạm vi toàn quốc, Ban Tuyên giáo Trung ương chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo Trung ương. Ở các tỉnh, thành là Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch báo chí theo tinh thần quy hoạch để phát triển; Rà soát, xem xét xử lý cho đầy đủ, thỏa đáng vấn đề các trang tin điện tử, các báo điện tử theo đúng quy định.

Thứ tư, tránh sự dẫn dắt của các công ty truyền thông nước ngoài đối với vấn đề lợi dụng quảng cáo.

Thứ năm, cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn của người làm báo. Trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, Hội Nhà báo. Triển khai quy định về đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo, động viên người làm báo rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn. 

Hiện cả nước có 859 tờ báo, tạp chí in; 135 báo, tạp chí điện tử, chủ yếu là báo điện tử của các cơ quan báo chí in. Trong đó có 112 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 23 báo, tạp chí điện tử độc lập. Ngoài ra, cả nước có 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép.  Về phát thanh, truyền hình: Hiện cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình TW và địa phương. Tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 268 kênh; số lượng kênh nước ngoài cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền là 47 kênh.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh