Báo cáo Thủ tướng tháo gỡ việc xử phạt xe không giấy tờ gốc
- Tây Y
- 22:55 - 20/07/2017
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnam+)
Vì vậy, hiện Bộ Tư Pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính Phủ để tháo gỡ vấn đề này.
Liên quan đến việc Cảnh sát giao thông xử phạt đối với người điều khiển ôtô không mang theo bản chính Giấy đăng ký xe đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh văn phòng Bộ Tư Pháp cho biết: Hiện, Bộ đã giao cho các đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất hướng xử lý.
Trước đó, như VietnamPlus đã thông tin, trước việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều chủ xe lo lắng, bởi rất nhiều người khi vay tiền ngân hàng mua xe trả góp đều bị ngân hàng bắt thế chấp giấy đăng ký xe bản chính. Chính vì vậy, nhiều người dân, doanh nghiệp kinh doanh xe và cả phía ngân hàng cũng đều lo lắng, bồn chồn như "ngồi trên đống lửa" khi công an giao thông bắt đầu xử phạt.
Sáng 20/7, tại cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Tư Pháo cho hay, hiện Cục Quản lý xử lý vi và Theo dõi thi hành pháp luật đang phối hợp với Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật cho biết: Hiện có tới 1,3 triệu ôtô đang thực hiện thế chấp đăng ký xe tại các ngân hàng. Chính điều này dẫn tới tâm lý hoang mang và sự phản ứng khi Cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt người điều khiển xe không có giấy tờ gốc mà chỉ có bản sao công chứng và giấy chứng nhận của tổ chức tín dụng.
“Việc lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt theo Nghị định 46 là có cơ sở pháp lý, dựa trên pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật xử phạt vi phạm hành chính. Còn các tổ chức tín dụng giữ bản chính đăng ký xe là một thực tiễn, xuất phát từ việc các ngân hàng muốn đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh nên giữ giấy tờ bản chính để tránh phát sinh nợ xấu,” ông Sơn phân tích tiếp về sự “vênh nhau” trong các quy định hiện hành.
Theo vị chuyên gia này, rõ ràng, hiện quy định pháp luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa phải rõ ràng minh bạch để ai cũng phải hiểu một cách giống nhau.
“Nếu tiếp tục xử phạt với người dân chỉ mang theo bản sao có thể tác động tiêu cực tới hoạt động tài chính kinh tế. Nhiều người dân sẽ không thế chấp nữa,” ông Sơn phân tích.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhận định: Đây không phải là xung đột pháp luật mà chủ yếu là do các quy định chưa thống nhất, đồng bộ. Vấn đề cần thiết là phải đảm bảo điều chỉnh đồng bộ, để người dân và cả doanh nghiệp thực hiện thống nhất.
Chánh Văn Phòng Bộ Tư Pháp, ông Đỗ Đức Hiển cho biết: Thời gian tới, các đơn vị của Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và trình lãnh đạo Bộ Tư Pháp phương án xử lý để báo cáo Thủ tướng Chính Phủ nhằm tháo gỡ thực tế này.