THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:32

Bánh, kẹo nhái tràn lan thị trường

 

Một lần kiểm tra, lộ diện 5.000 hộp bánh giả thương hiệu

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh) vừa phát hiện 5000 hộp bánh giả thương hiệu trong kho hàng của ông Trần Đức Hùng, 55 tuổi, trú tại khối phố 4, phường Đại Nài (TP. Hà Tĩnh).

Bao bì các hộp bánh được in đẹp với nhiều kiểu dáng, màu sắc, ghi xuất xứ tại cơ sở bánh kẹo cao cấp Xuân Thái (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên, các thông số ghi ngoài bao bì và thực tế ruột đều không đảm bảo.

Đại diện cơ quan chức năng liên lạc với số điện thoại của cơ sở sản xuất thì không liên lạc được. Chủ kho hàng cho biết, số hàng này nhập từ Hà Nội về, sau đó phân phối ra một số đại lý trên địa bàn Hà Tĩnh để tiêu thụ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, Thanh tra Bộ này đã phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ. Ví như, “hình giọt nước” và “hình viên kẹo cười” đang được bảo hộ cho Cty Mar (Mỹ), bị Cty bánh kẹo Thăng Long nhái nhãn hiệu; nhãn hiệu Milo và hình của Cty Néstle bị Cty xuất nhập khẩu Nam Phương nhái nhãn hiệu “Camilo”.

Sản phẩm của Cty Perfetti Van Mell cũng bị hàng chục cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bánh “ngoại” Cookies sản xuất tại... La Phù (Hoài Đức, Hà Nội).

Khi bánh kẹo "nhái" đưa về các tỉnh, chợ huyện, các chủ cửa hàng bán lẻ có thể đẩy lên bao nhiêu tùy thích, nhiều nơi giá đội lên gấp 6 - 7 lần. Loại kẹo dẻo đủ các thương hiệu không ai biết như Cheng, Galaxy, Many, Love Rosy, Asean, Bisou, Beemilk thì “mua theo cân, bán theo gói”.

“Thủ phủ” bánh, kẹo “nhái” ở La Phù đã đánh đúng tâm lý người tiêu dùng ở nông thôn, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ. Vì vậy, lái buôn thường nhập bánh kẹo La Phù về bán.

Doanh nghiệp “quên” bảo hộ thương hiệu!

Để kết luận được hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ là cả một quá trình theo trình tự quy định của pháp luật, các công đoạn từ kiểm tra đến xử lý vi phạm hành chính, nhất là khâu giám định đối với hàng hóa vi phạm.

Hiện nay lại chưa có cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm về kết quả giám định quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan kiểm tra xử lý và các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm chưa có sự phối hợp kịp thời... nên không nhiều doanh nghiệp kiên trì và có khả năng theo đuổi hành trình bảo vệ sự công bằng cho chính mình.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp chỉ chú trọng việc xây dựng thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, chất lượng hàng hóa, nhưng lại quên không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường đã và sẽ phát triển.

Rất ít doanh nghiệp có bộ phận chuyên chăm lo về sở hữu trí tuệ, chưa thật sự coi trọng và chưa có chiến lược về sở hữu trí tuệ... trong khi đó, việc xử lý mới chỉ ở mức độ hành chính chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm.

Để hạn chế tình trạng hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp ngay từ khi nghiên cứu, thiết kế, tạo dựng sản phẩm phải tính đến biện pháp công nghệ nhằm bảo vệ các sản phẩm đó trước khi đăng ký như khóa mã hay các kỹ nghệ chống sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng.

Cần thiết lập bộ phận chuyên trách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xây dựng cẩm nang nhận biết bánh kẹo thật giả; cung cấp các thông tin về việc sản xuất tiêu thụ bánh kẹo giả...  nhằm cùng với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý bánh kẹo giả lưu thông trên thị trường. 

Vân Khánh(Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh