THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:47

Bằng lái xe hết thời hạn thì có phải thi lại?

Mất bằng lái xe có cần phải thi lại?

Khoản 2 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định: “Người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.”

Như vậy, nếu bị mất bằng lái xe thì tùy vào thời hạn của giấy phép lái xe đã mất mà sẽ được cấp lại hoặc phải thi lại, cụ thể:

- Nếu bị mất bằng lái xe mà bằng lái xe đó còn thời hạn hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng thì được cấp lại bằng lái xe;

- Nếu bị mất bằng lái xe mà bằng lái xe đó quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên thì phải thi lại.

Bằng lái xe hết thời hạn thì có phải thi lại?

Theo Khoản 1 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, đối với các loại bằng lái xe có thời hạn sử dụng mà đã hết thời hạn sử dụng thì được quy định như sau:

- Bằng lái xe hết thời hạn dưới 3 tháng, kể từ ngày hết hạn thì được xét cấp lại bằng lái xe mà không cần phải thi lại.

- Bằng lái xe hết thời hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm, kể từ ngày hết hạn, phải thi lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;

- Bằng lái xe hết thời hạn từ 1 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại bằng lái xe.

Các loại giấy phép lái xe hiện hành và thời hạn sử dụng (Theo Điều 16, 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT)

Hạng Giấy phép lái xe Đối tượng cấp Thời hạn
A2

- Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;

- Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.

Không thời hạn
A2

- Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên;

- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

Không thời hạn
A3 Người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự. Không thời hạn
A4 Người lái xe để điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000 kg. Có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
B1 số tự động

Cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

- Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

- Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

- Ô tô dùng cho người khuyết tật.

 
B1

Cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

- Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

- Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.

Có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
B2

Cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

- Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.

Có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp
C

Cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

- Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;

- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;

- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.

Có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
D

Cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

- Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.

Có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
E

Cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

- Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;

- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.

Có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
FB2

Người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2.

Có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
FC

Người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2.

Có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
FD

Người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2

Có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
FE

Người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD

Có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

Hồ sơ đề nghị cấp lại bằng lái xe

Hồ sơ thi lại bằng lái xe trong trường hợp bằng lái xe hết hạn

Người thi lại bằng lái xe trong trường hợp bằng lái xe hết hạn lập 1 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, hồ sơ bao gồm:

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

- Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu.

(Theo Khoản 1 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT)

Hồ sơ đề nghị cấp lại bằng lái xe

* Hồ sơ đề nghị cấp lại bằng lái xe trong trường hợp bằng lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu.

- Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có);

- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).

* Nơi nộp hồ sơ: Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, người lái xe gửi 1 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình, bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.

* Thời hạn cấp lại bằng lái xe: Sau thời gian 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch thì được cấp lại giấy phép lái xe.

(Theo Khoản 2 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT)

NGỌC BÍCH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh