CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:50

Bằng giả và "tư duy bằng cấp"

Trong vụ án xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, cơ quan chức năng phát hiện có 193 trường hợp được cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh không qua đào tạo, tuyển sinh, thi cử; trong đó: 55 người đã sử dụng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ.

Bằng giả và "tư duy bằng cấp" - Ảnh 1.

Bằng giả và "tư duy bằng cấp"

Những tấm bằng giả này đã được sử dụng làm "nguyên liệu" để tạo nên những tấm "bằng thật" - bằng thật nhưng… "học giả"! Những người sử dụng bằng giả hầu hết là người làm trong cơ quan Nhà nước, bằng cấp được dùng làm công cụ để "thăng quan tiến chức", để được hưởng "lương cao bổng hậu".

Có thể coi tình trạng "sính bằng cấp" trong nhiều cơ quan Nhà nước như một thứ "bệnh". Không khó để chúng ta bắt gặp những công chức, cán bộ cơ quan Nhà nước có 4 - 5 bằng cả đại học và thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ. 

Bản thân người viết cũng từng biết trường hợp cán bộ ngành Văn hóa ở TP. Hồ Chí Minh có tới 5 bằng cấp các loại, trong đó có cả bằng Quản trị kinh doanh và bằng Luật (!). Đồng ý là nếu một cán bộ, công chức có những bằng cấp - tương đương với trình độ, năng lực, kỹ năng, để phục vụ, hỗ trợ cho công việc thì quá tốt. Nhưng thực tế, đâu đó đã và đang diễn ra các cuộc "chạy đua bằng cấp" giữa nhiều cán bộ, công chức để nhắm tới những mục đích nằm ngoài việc phục vụ nhân dân, hoàn thành công việc chuyên môn của mình.

Một điều khiến nhiều người băn khoăn là trong khi nhiều cán bộ, công chức khi tiếp xúc với dân thường "kêu ca" là "rất bận", "áp lực công việc rất nặng nề" nhưng họ vẫn có thể "vừa làm vừa học" và liên tiếp "gặt hái" hết bằng này đến cấp nọ. Vậy, họ lấy đâu ra thời gian (và cả sức lực, trí lực) để đi học?

Nhìn vào những gì đang được "bóc gỡ" trong vụ án tại trường Đại học Đông Đô có thể thấy, câu trả lời đã dần hé lộ. Mua bằng giả, sử dụng các "mối quan hệ" để "qua" được các môn, học phần… là một trong nhiều cách để có thể bổ sung vào "bộ sưu tập bằng cấp" đồ sộ của nhiều người.

Và một khi, sử dụng bằng cấp giả, kiến thức "dỏm" để làm việc, "phục vụ người dân" thì mối nguy hiểm như thế nào, hẳn mọi người có thể thấy.

Dư luận đòi hỏi phải công bố danh tính những người đã mua bằng giả để tiến thân, đồng thời xử lý những trường hợp này theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu không đặt vấn đề "xử lý" bằng được "tư duy bằng cấp" để dẹp bỏ nạn "sính bằng cấp" trong hệ thống cơ quan Nhà nước thì rất có thể sẽ không chỉ có một vụ án Đại học Đông Đô, mà sẽ còn phát sinh thêm nhiều vụ án khác tương tự.

Kiến thức của cán bộ, công chức được cụ thể hóa bằng mảnh bằng, để có đủ năng lực làm việc là điều cần thiết. Nhưng nhìn vào giá trị của cán bộ, công chức thông qua "bộ sưu tập bằng cấp" để đánh giá năng lực, làm điều kiện cho các bước thăng tiến là tư duy sai lầm, phải dẹp bỏ. Kiểu đánh giá năng lực cán bộ, công chức dựa vào số lượng bằng cấp như vậy chỉ có thể làm nảy sinh nhiều tiêu cực mà không mang lại ích lợi gì cho dân, cho nước.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh