THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:47

Bàn tay vàng đưa bệnh nhi trở về từ cửa tử

 

 Gia đình xin về, bác sĩ cố níu

Bác sĩ Hiếu chia sẻ, ấn tượng nhất trong 28 năm làm phẫu thuật nhi của mình là trường hợp 2 em bé liên tiếp bị chung một bệnh (vừa xảy ra cách đây chưa đầy 3 tháng).

“Với 2 ca này, chính các đồng nghiệp và gia đình bệnh nhi đã hoàn toàn tuyệt vọng. Bản thân tôi níu kéo bệnh nhi nằm lại điều trị và cố trấn an người nhà nhưng thực lòng cũng cảm thấy bế tắc. Thế mà các cháu lại qua khỏi trước sự bất ngờ của bao người”, bác sĩ Hiếu nói.

Trường hợp thứ nhất là một bé trai 9 tuổi ở miền Trung. Cháu bé bị biến chứng sau ca phẫu thuật ổ bụng làm tắc ruột.

    Bác sĩ Hiếu kiểm tra sức khỏe một cháu bé sau ca phẫu thuật

 Bác sĩ Hiếu nhớ lại: “Bệnh viện bạn gọi, nói tình hình bi đát lắm rồi. Họ còn bảo Hiếu ơi, ca này bệnh nhi chết mất. Phẫu thuật 9 tiếng nhưng ruột hỏng hết rồi. Nghe xong tôi bảo cứ bình tĩnh, chưa chắc đến nỗi thế đâu, chuyển bé vào đây để tôi xem giúp được gì không”.

Khi chuyển đến BV Nhi đồng 1, mọi người đều chuẩn bị sẵn tâm lý còn nước còn tát, chủ yếu để khỏi cảm thấy có lỗi vì chưa tận sức với cháu bé.

“Khi mở ổ bụng cháu bé, tôi giật mình thấy nặng thật. Ruột của cháu bị dính, thanh mạc ruột mất đi độ trơn và… hỏng hết 3/4”, bác sĩ Hiếu kể.

Phải cắt toàn bộ ruột đồng nghĩa cháu bé sẽ tử vong, để nguyên thì bệnh nhi cũng chẳng sống nổi. Trong tích tắc, vị bác sĩ đã quyết định táo bạo.

Ông tỉ mỉ, cố gắng tìm ra những đoạn ruột may ra còn…bảo tồn được. Cuối cùng, hoàn tất ca phẫu thuật, một nửa bộ ruột của cháu bé bị cắt bỏ, phần còn lại chắp nối nhiều lần.

Sau ca mổ, bé không ăn được, ói ra hết, ruột không hoạt động, sống nhờ nuôi ăn qua tĩnh mạch. Bệnh nhi nằm hồi sức được hơn 1 tháng, gia đình lên xin bác sĩ cho đem con về quê vì kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Ngay cả nhân viên y tế chăm sóc bé cũng nản lòng, không dám nhìn vào mắt phụ huynh mỗi lần được hỏi hôm nay con họ có khá hơn không.

“Bản thân tôi lúc đó mơ hồ lắm nhưng vẫn cố động viên gia đình bé để con lại bệnh viện thêm một thời gian. Tôi bảo họ tại sao lại bỏ cuộc trước bác sĩ, tôi còn chưa chịu thua cơ mà.”, bác sĩ Hiếu nhớ lại phút giây khó khăn nhất.

Rồi điều kỳ diệu xảy ra, một buổi sáng thức dậy tự dưng bệnh nhi đi tiêu được. Ngay sau đó cháu kêu đói và uống liền mấy hộp sữa. Ngay 1 tuần sau bé được xuất viện.

Quá vui sướng, dù không khá giả nhưng cha mẹ của cháu còn thuê hẳn chuyến xe đưa bé đi chơi Đầm Sen trước khi về nhà để đón chào cậu con trai trở về từ cửa tử.

Những niềm vui nhỏ

Ca thứ 2 cũng bị bệnh cảnh tương tự, ngụ tại miền Tây. Ruột bị dính, bé được làm phẫu thuật tới 3 lần nhưng không cải thiện. Bản thân bác sĩ Hiếu phải xuống tận nơi thuyết phục vì gia đình không chịu đưa con lên TP. do hoàn cảnh quá nghèo.

Lúc lên tới bệnh viện Nhi Đồng 1, cháu bé bị nhiễm trùng máu, ổ bụng toàn chất thải do các mối nối ở ruột bị xì.

Ca phẫu thuật cho bé trai bị dao đâm xuyên sọ kinh điển dưới sự tiến hành, chỉ huy của bác sĩ Hiếu

“Thời khắc mổ cho cháu, tôi còn nhớ mãi. Ruột bé gần như tan nát hết. Tôi tỉ mỉ tìm ra những đoạn ruột hy vọng xài được, lọ mọ nối lại. Vừa làm vừa thấy…không có lối thoát. Thế mà lại thành công và cháu đã sống!”, bác sĩ Hiếu rạng rỡ.

Nhắc đến chuyên môn, bác sĩ Hiếu toàn kể các kỷ niệm vui. Ông nói, chuyện buồn cũng có nhưng xin giữ lại cho riêng mình.

Bác sĩ Hiếu bật mí câu chuyện khiến ông mãi gắn bó với các bệnh nhi vô điều kiện: “Hôm đó, anh em bác sĩ chúng tôi kéo nhau ra vỉa hè liên hoan, mừng một cuộc phẫu thuật thành công. Tới 11h đêm, tôi kêu tính tiền thì chủ quản bảo có người trả rồi. Một cặp vợ chồng bước đến bảo họ nhận ra các bác sĩ. Chính các bác sĩ đã mổ cứu sống con họ nhiều năm về trước, cho họ xin phép được trả bữa ăn này.”

Trong gia đình, mỗi mình bác sĩ Hiếu theo nghề y, dù rất thần tượng ba nhưng cậu con trai cả lại chọn cho mình con đường khác, bởi cậu chứng kiến ba mình quá vất vả, cứ 2–3 hôm lại có xe bệnh viện đến đón đi mổ cả đêm cho tới hết ngày hôm sau.

Thế nhưng, bác sĩ Hiếu tâm sự: “Tôi nuôi hy vọng cậu con thứ 2 sẽ theo nghề ba. Làm bác sĩ có sự thú vị riêng, vất vả hay không do cách mình sắp xếp!”

Ths- bác sĩ Đào Trung Hiếu gắn bó với bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 1987. Ông từng tham gia, chỉ đạo cứu sống nhiều trường hợp kinh điển như: bé sơ sinh văng khỏi bụng mẹ, em bé bị dao đâm xuyên sọ, tách dính song sinh…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh